Thầy Nguyễn Việt Đức, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên ngữ văn Trường THCS-THPT Diên Hồng, Q.10, TP.HCM gửi tới các thí sinh những lời khuyên trước kỳ thi tốt nghiệp THPT - quan trọng suốt 12 năm đèn sách. Đặc biệt với môn ngữ văn, trong thời điểm này thay vì học tủ, học vẹt, thí sinh nên ôn tập ra sao?
Đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn gồm 2 phần: Đọc - hiểu và làm văn với 6 yêu cầu. Do đó để chinh phục đề thi, các thí sinh cần có kỹ năng giải quyết các phần trong đề thi.
Lưu ý khi làm phần đọc - hiểu
Phần đọc - hiểu, học sinh dành thời gian giải quyết không quá 20 phút.
Học sinh cần giải quyết đề theo các bước:
- Đọc câu hỏi, gạch chân từ khóa;
- Đọc văn bản, lần lượt trả lời;
- Xác định phương án trả lời.
Cụ thể, câu 1-2 thường hỏi các nội dung như: thể thơ/tìm chi tiết, hình ảnh, từ ngữ trong văn bản/chỉ ra biện pháp tu từ… Hai câu hỏi này cần trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm, tránh diễn đạt dài dòng mất thời gian không đáng có.
Câu 3, đề thường tập trung vào một số nội dung như: hiệu quả của biện pháp tu từ/nội dung của văn bản - đoạn văn bản/tình cảm, thái độ của tác giả... Đây là những yêu cầu mức độ thông hiểu vì vậy sẽ khó hơn. Do đó học sinh cần giải quyết hợp lý, đảm bảo độ dài của câu trả lời (khoảng 3-5 dòng). Khi giải quyết, cần lưu ý các từ khóa quan trọng trong lời giải, tránh lan man, bình luận dài dòng.
Câu 4, câu hỏi thường gặp là: từ nội dung - suy ngẫm của tác giả trong văn bản, học sinh rút ra thông điệp, bài học ý nghĩa/Nhận xét về tình cảm của tác giả/Nêu quan điểm đồng tình - không đồng tình với một ý kiến…
Học sinh lưu ý những câu có hai vế trong yêu cầu như: từ nội dung - suy ngẫm của tác giả trong văn bản, học sinh rút ra thông điệp, bài học ý nghĩa. Để làm tốt câu này, các em cần triển khai rõ cả hai vế. Ý 1: chỉ ra được nội dung hoặc suy ngẫm của tác giả. Ý 2: rút ra thông điệp hoặc nhận xét về tình cảm của tác giả. Ý 1: các em cần chỉ ra tình cảm của tác giả thể hiện trong văn bản; ý 2: nhận xét về tình cảm ấy.
Câu hỏi này ở mức độ vận dụng, vì vậy câu sẽ có độ mở nhất định cho học sinh trả lời theo quan điểm cá nhân. Tuy nhiên lập luận của các em phải mang tính thuyết phục, nên cộng hưởng với đề. Nêu quan điểm, thuyết phục, rõ ràng (lưu ý câu 4 phải đạt độ dài khoảng 3-5 dòng).
Tuyệt đối không học tủ, học vẹt với phần làm văn
Câu 1, nghị luận xã hội, thí sinh nên dành khoảng 20 đến 30 phút.
Đề thường hướng đến hiện thực cuộc sống, mang tính tích cực; gắn với những phẩm chất, khát vọng, lẽ sống của tuổi trẻ (điển hình như: khát vọng sống; nghị lực sống; biết yêu thương; sự thích ứng với thời đại; suy nghĩ tích cực…). Do đó học sinh cần nhìn nhận vấn đề một cách gần gũi với lứa tuổi để bàn luận sao cho thuyết phục. Thông thường học sinh có thói quen viết đoạn mà không lập dàn ý cơ bản, điều này dẫn đến đoạn văn lủng củng, thiếu lý lẽ, chưa chặt chẽ trong lập luận.
Để giải quyết, học sinh nên lập dàn ý cơ bản với một số câu hỏi nhanh rồi mới tiến hành viết (Ví dụ như: đề yêu cầu viết đoạn về sự cần thiết của việc xác định mục tiêu trước khi hành động. Học sinh có thể đặt ra các câu hỏi như: 1. Xác định mục tiêu là gì? 2. Việc xác định mục tiêu trước khi hành động có ý nghĩa như thế nào?...). Khi viết cần chú ý hình thức đoạn văn, không quá dài, không tách đoạn...
Câu 2, nghị luận văn học nên viết trong thời gian 70 đến 80 phút. Không học tủ, không học vẹt, hãy học hiểu.
Có thể chia tác phẩm thành nhóm để dễ ôn tập
Ví dụ như: Nhóm 1 ("Việt Bắc" - Tố Hữu, "Sóng" - Xuân Quỳnh, "Đất Nước" - Nguyễn Khoa Điềm, "Tây Tiến" - Quang Dũng);
Nhóm 2 ("Vợ chồng A Phủ" - Tô Hoài, "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" - Lưu Quang Vũ, "Người lái đò Sông Đà" - Nguyễn Tuân);
Nhóm 3 ("Rừng xà nu" - Nguyễn Trung Thành, "Tuyên ngôn độc lập" - Hồ Chí Minh).
Nhóm 4 ("Chiếc thuyền ngoài xa" - Nguyễn Minh Châu, "Vợ nhặt" - Kim Lân, "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" - Hoàng Phủ Ngọc Tường).
Đề thi sẽ có hai vế, có từ khóa (các dạng như nhận định, hai chi tiết, hình tượng, đoạn văn đoạn thơ... sau đó nhận xét hoặc rút ra một vấn đề phù hợp). Vậy nên học sinh cần chú ý các từ khóa chứa yêu cầu của đề. Khi viết bài cần giải quyết triệt để cả hai vế của đề.
Học tủ, học vẹt cực kỳ nguy hiểm
Việc học tủ chỉ là cách học đối phó trong một tình huống tiêu cực nào đó. Điều này về lâu dài là cực kỳ nguy hiểm, không chỉ làm mất đi thói quen học tập, phương pháp học tập đúng đắn mà còn khiến cho người học chuyển từ học tập tư duy, chủ động sang thụ động.
Với kỳ thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn, đề thi nhiều năm được xây dựng có tính phân hóa cao, phát huy năng lực ngôn ngữ, khả năng cảm thụ của học sinh. Do đó việc "lựa chọn", "đoán đề" để học tủ là điều không nên và không thể. Cách tốt nhất để người học nắm vững được các đơn vị kiến thức của từng bài ở thời điểm hiện tại là hệ thống hóa lại kiến thức, nắm chắc các đơn vị kiến thức cơ bản của từng bài, nắm được phương pháp và cấu trúc của một bài nghị luận văn học gắn với thể loại cụ thể (thơ, truyện, kịch,…), luyện tập phân tích cảm thụ ở một số dạng đề để hình thành kỹ năng viết bài.
Học sinh có thể "tủ" một số nhận định văn học; một số câu thơ, đoạn thơ để có thể mở rộng vấn đề trong quá trình triển khai. Tuy nhiên cần bám sát yêu cầu nghị luận của đề.
Bình luận (0)