Bạn đọc Mộng Cầm (Đà Nẵng) thắc mắc: EVN đã đo chỉ số điện tử 100% chưa? Tại sao không giãn ra các thời điểm thích hợp mà tập trung vào một ngày?
Trong khi bạn đọc ở Đồng Nai đặt câu hỏi: Trong thời điểm nắng nóng vừa rồi, ở Biên Hòa có thời điểm bị cúp điện. Ngành điện có chỉ đạo thế nào để khắc phục trong những ngày nắng nóng?
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban kinh doanh EVN cho biết: "Chuyển đổi từ công tơ cơ khí sang công tơ điện là dự án lớn của ngành điện lực đã được triển khai từ năm 2005. Đặc biệt trong 10 năm qua được đẩy mạnh triển khai quyết liệt, mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành 100% lắp đặt công tơ điện tử. Việc thay đổi này giúp ích cho khách hàng cũng như EVN rất nhiều, trong đó không còn đội ngũ công nhân đi ghi chỉ số điện hàng tháng, chỉ số thu được rất chính xác, người tiêu dùng sử dụng điện có thể chủ động theo dõi qua ứng dụng chăm sóc khách hàng của EVN. Từ đó có thể điều chỉnh thói quen sử dụng điện để tiết kiệm hiệu quả hơn".
Theo thống kê, đến ngày 30.4.2023, tỷ lệ chuyển đổi lắp đặt công tơ điện tử trên toàn tập đoàn là 84%, trong đó đã có 3 tổng công ty lớn hoàn thành 100% công tơ điện đo từ xa, 2 tổng công ty còn lại là Tổng công ty Điện lực miền Bắc đạt 83,1%, Tổng công ty Điện lực miền Nam đạt 67,1%. Đến năm 2025 quyết tâm đạt tỷ lệ 100%, đảm bảo hoàn thành tiến độ.
"Trước đây, khi còn sử dụng công tơ cơ khí, việc ghi chỉ số thủ công không thể tập trung hoàn thành trong một ngày nên phải rải đều các ngày trong tháng. Trong khi đó, nhiều khách hàng là doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mong muốn được chốt thời điểm thống kê chỉ số điện vào một ngày cố định để có thể thuận tiện hạch toán chi phí. Hiện nay tỷ lệ lắp đặt công tơ điện đã được nâng lên cao rồi, cơ sở hạ tầng đã có thể đảm bảo thống kê chỉ số vào một ngày cố định, do đó EVN đã điều chỉnh ngày ghi chỉ số điện vào cuối tháng", ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết.
Tiểu thương chợ An Đông than nhiều năm phải mua giá điện cao, điện lực TP.HCM nói gì?
Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM bổ sung: "Hóa đơn của khách hàng tăng lên là do tăng số ngày sử dụng điện nhiều hơn. Trước đây là 30 ngày, hiện nay 40 ngày, nhưng khách hàng có thể được thanh toán chậm 10 ngày. Con số thống kê này khá chính xác, không có sai sót, khách hàng hoàn toàn không bị thiệt thòi".
Theo ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc lắp đặt công tơ điện hiện nay có tích hợp các tính năng thông minh hơn, giúp cho khách hàng và EVN quản lý tốt hơn. Cụ thể, có tính năng truyền dữ liệu từ xa theo các lập trình quy định. Đơn cử như khách hàng doanh nghiệp thì cứ 30 phút sẽ được truyền dữ liệu tiêu thụ một lần , như vậy khoảng 48 lần/ngày. Còn đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt thì chỉ số sẽ được truyền 1 lần/ngày và chủ yếu ghi nhận vào ban đêm, chỉ số sẽ được cập nhật và thể hiện ngay trên ứng dụng chăm sóc khách hàng của EVN.
Tại sao ngành điện không chờ đến mùa mưa, dùng ít điện hãy tăng giá?
Đối với câu hỏi về tình trạng cúp điện xảy ra ở Biên Hòa (Đồng Nai) và một số nơi khác, ông Đặng Nguyên Phương - Trưởng ban Kinh doanh Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN) chia sẻ: "Chúng tôi luôn nhận được sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tập đoàn, có những kế hoạch dự phòng và dự báo trước những sự cố có thể dẫn đến quá tải, hư hỏng hay sự cố lưới điện. Việc bảo dưỡng cũng phải được thường xuyên kiểm tra để phòng ngừa những trường hợp quá tải. Tuy nhiên, thực tế có những sự cố bất khả kháng xảy ra, chúng tôi rất mong khách hàng thông cảm. Nhân đây tôi cũng khuyến khích khách hàng sử dụng điện phù hợp, tiết kiệm, nhất là trong thời gian sắp tới dự báo thời tiết sẽ bất lợi, có thể diễn biến nắng nóng và khó khăn kéo dài hơn".
Bình luận (0)