Vì sao ngày 30 tết luôn đặc biệt với người Việt?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
09/02/2024 06:07 GMT+7

Hôm nay là 30 tháng chạp - ngày 30 tết, đêm nay sẽ là đêm giao thừa, đón năm mới Giáp Thìn 2024. Phải đến 9 năm nữa, tức là năm 2033 người Việt mới có thể đón khoảnh khắc giao thừa vào đêm 30 tết.

Vì sao ngày 30 tết luôn đặc biệt với người Việt?- Ảnh 1.

Một mâm cơm cúng giao thừa - đêm 30 tết với những món ăn truyền thống của miền Bắc

DIỆU MI

Còn lại, 8 năm nữa, chúng ta chỉ có ngày 29 tháng chạp và được coi như đó là ngày 30 tết, hôm sau sẽ bước sang năm mới. Với nhiều thế hệ người Việt, ngày 30 tết đã hằn sâu trong tâm khảm và trở thành một mốc thời gian quan trọng.

'Đi đâu cũng trở về nhà trước chiều 30 tết'

"Gia đình tôi có quan niệm, trong năm thì con cháu đi làm ăn xa, nhưng tết trọn vẹn nhất là các con đều trở về nhà trước chiều 30 tết. Chiều 30 tết là lúc cả nhà cùng quây quần nấu bữa cơm tất niên, cúng ông bà tổ tiên, ngồi ăn cơm bên nhau sum vầy, xem Táo Quân và chờ đón giao thừa", chị Giang Thanh, trú H.Đông Hưng, Thái Bình chia sẻ.

Còn anh Hải Hưng (trú TP.Hạ Long, Quảng Ninh) cũng cho rằng từ trước đến nay chúng ta đã đón nhiều năm mới không có ngày 30 tháng chạp (ngày 30 tết) mà chỉ có ngày 29 tháng chạp. Ngày 29 tết khi đó được coi như ngày 30 tết. Các phong tục truyền thống vẫn giữ nguyên. Mọi người cùng vớt nồi bánh chưng mới luộc xong, sắp xếp mâm cơm cúng ông bà tổ tiên, ăn cơm tất niên, quây quần ngồi uống trà, xem các chương trình truyền hình chờ giao thừa.

"Dù cảm giác có hơi hụt hẫng, vì trọn vẹn nhất vẫn là tháng có đủ ngày 30 tháng chạp. Nhưng không sao cả. Miễn là một cái tết đoàn viên, đông đủ mọi người trong gia đình ngồi bên nhau thì ngày 30 tết, dù là 30 hay 29 tháng chạp thì vẫn vẹn nguyên ý nghĩa", anh Hưng nói.

Ngày 30 tết: Sân bay Tân Sơn Nhất chỉ như ngày thường, sân bay Nội Bài lác đác khách đi

Ngày 30 tết nhiều ý nghĩa với người Việt

Vì sao ngày 30 tết luôn đặc biệt với người Việt?- Ảnh 2.

Thấy hoa đào là thấy tết

THÚY HẰNG

Thạc sĩ Giang Hữu Tâm, giảng viên khoa Quan hệ quốc tế, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho hay: "Danh từ 'ngày 30 tết' đã đi vào thơ văn, âm nhạc, ca dao tục ngữ từ bao đời nay. Nên nếu năm nào mà âm lịch chỉ có ngày 29 tháng chạp, lấy làm ngày 30 tết, thì có lẽ nhiều người thấy bâng khuâng, không trọn vẹn. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là cảm giác thôi. Những giá trị truyền thống trong ngày 30 tết vẫn ở đó, vẹn nguyên, không bị ảnh hưởng".

Theo thạc sĩ Giang Hữu Tâm, Tết Nguyên đán khác với các ngày quốc lễ khác, không chỉ ở góc độ là một kỳ nghỉ dài nhất trong năm mà tết đánh dấu sự chuyển biến năm này qua năm khác. Những ngày cuối năm, trước lúc giao thừa hay khiến mỗi người nghĩ tới vận mệnh và những hy vọng. Người ta ngóng chờ năm cũ đi qua mang theo những điều chưa may mắn, chưa hài lòng trong năm, chờ đón những gì tươi đẹp hơn ở năm mới. Mà trong đó, ngày 30 tết, lúc giao thừa là khoảnh khắc đặc biệt chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

Chính vì sự quan trọng của ngày 30 tết nên người Việt thường có truyền thống trước 30 tết phải đi tảo mộ, chăm sóc phần mồ mả tổ tiên tươm tất gọn gàng, thắp nhang mời ông bà về nhà ăn tết; bàn thờ gia tiên cũng phải dọn dẹp sạch sẽ, bài trí đồ thờ cúng tươm tất, đủ đầy.

Vì sao ngày 30 tết luôn đặc biệt với người Việt?- Ảnh 3.

Mâm cơm chiều 30 tết với các món ăn đậm bản sắc của miền Nam

DIỆU MI

Chiều 30 tết thì dù giàu, dù nghèo nhà nào cũng phải làm một mâm cơm, cúng ông bà tổ tiên, gia đình cùng nhau ăn uống sum họp. Gần hay xa, con cháu cũng ráng trở về nhà, ngồi cùng nhau trong bữa cơm đặc biệt nhất trong năm, mỗi năm chỉ có một lần - cơm tất niên chiều 30 tết. Bữa cơm ấy gửi gắm nhiều hy vọng một năm mới mọi sự tròn đầy, viên mãn, an khang, sung túc hơn năm cũ.

Trước ngày 30 tết, ai có nợ nần gì cũng ráng trả cho hết. Hay ai có giận hờn gì nhau trong năm cũ thì tới ngày 30 tết, mọi muộn phiền cũng gác lại. Hay trong đêm 30 tết, lúc giao thừa còn có tục lệ xông đất, người đầu tiên bước vào một ngôi nhà sau lúc giao thừa là vô cùng quan trọng, mang tới hy vọng cho một năm mới mọi điều hanh thông, may mắn cho gia chủ. Ai cũng mong phút giây giao thừa thật vui tươi, mọi người cười nói hân hoan, trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp, với hy vọng một năm mới đầy sự thuận hòa, trôi chảy.

Vì sao ngày 30 tết luôn đặc biệt với người Việt?- Ảnh 4.

Thạc sĩ Giang Hữu Tâm (trái)

NVCC

"Bầu không khí đêm 30 tết ở nam bộ bao giờ cũng rất đẹp. Tiết trời mát mẻ. Hầu như không bao giờ có mưa, đây có thể coi như thời điểm đẹp nhất trong năm, thích hợp để mọi người dạo phố, ngắm đường hoa, xem bắn pháo bông, đón giao thừa. Dấu mốc 30 tết khiến cho người ta dù bận rộn như thế nào thì cũng phải giật mình nhìn lại, xem một năm cũ đã qua mình thành công hay thất bại, năm sau cần phải nỗ lực gì hơn, cố gắng gì hơn để đạt được những mục tiêu mới.

Tất cả các ngày của Tết Nguyên đán - không chỉ là ngày 30 tết - với người Việt vẫn vẹn nguyên giá trị qua năm tháng. Mỗi dịp xuân sang, mỗi thành viên trong gia đình vì cuộc sống mưu sinh đang phải sống ở xa quê, nhiều kiều bào ở nước ngoài cũng đau đáu muốn trở về quê nhà đón tết cùng gia đình. Tết với những khoảng thời gian được ở bên gia đình trong nhiều hoạt động còn là dịp giáo dục cho thế hệ trẻ, những em học sinh, sinh viên những giá trị quý giá về truyền thống, về phong tục tập quán, về sự kết nối giữa các thành viên, các thế hệ. Đó là điều khiến tết Việt luôn đặc biệt", thạc sĩ Giang Hữu Tâm trao đổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.