Vì sao ngày càng nhiều nam giới trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình?

Thanh Nam
Thanh Nam
23/05/2024 15:43 GMT+7

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số lượng nạn nhân là nam giới trong các vụ bạo lực gia đình năm 2023 có dấu hiệu gia tăng với 565 trường hợp.

Vào sáng 22.5, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã báo cáo trước Quốc hội kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023. Theo đó, năm 2023 có hơn 3.100 hộ xảy ra bạo lực gia đình, với hơn 3.200 vụ. Trong gần 3.200 nạn nhân của bạo lực gia đình có 2.600 nữ và 565 nam. So với năm 2022, tỷ lệ nạn nhân là nam giới có dấu hiệu tăng so với năm trước.

Nam giới cũng là nạn nhân

Anh Lê Hải Yên (36 tuổi), ngụ tại hẻm 304 Bùi Đình Túy, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cho biết bản thân cũng là người bị bạo lực gia đình, cụ thể là bạo lực tinh thần. "Công việc của tôi không ổn định. Nên lắm lúc vợ nói những điều khiến mình tổn thương. Chuyện ấy lặp đi lặp lại khá nhiều lần", anh Yên kể.

Anh Phạm Hoàng Mẫn (32 tuổi), ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, cũng nói bị bạo lực tinh thần. Những cãi vã liên tục diễn ra. Vì thương vợ nên anh Mẫn nhịn, bỏ qua. "Có lẽ vì thế mà tình cảnh ấy kéo dài", anh Mẫn chia sẻ và cho hay hiện tại đang trong giai đoạn ly thân.

Chia sẻ với người viết, không ít nam giới nói rằng khá buồn khi là nạn nhân của bạo lực gia đình. Trong 4 hình thức bạo lực gồm: thân thể, tinh thần, kinh tế và  tình dục, thì phần lớn nam giới gặp phải tình cảnh đầu tiên.

Anh Nguyễn Đăng Tiến (27 tuổi), làm việc tại một công ty điện công nghiệp ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, nói: "Không phải chỉ có nữ giới mới là nạn nhân của bạo lực gia đình. Bản thân tôi không rơi vào cảnh đó. Nhưng có những người bạn, đồng nghiệp, trong các cuộc lai rai đã kể và thở dài rằng họ bị vợ mắng nhiếc, chửi bởi…".

Chị Nguyễn Hồng Loan (29 tuổi), ở chung cư Phú An Center, Q.12, TP.HCM, cho biết đã từng thấy những câu chuyện bạn cùng lớp, là nam giới, bị bạo lực gia đình, mà thường xuyên "ăn chửi" từ vợ. "Có những người sợ bị chê cười, chế giễu nên không kể với ai. Để rồi tình trạng ấy tiếp diễn, bị vợ tỏ thái độ, nói nhiều lời không chuẩn mực, xúc phạm", chị Loan nói.

Theo anh Đỗ Thương (34 tuổi), làm việc tại 200A Lý Tự Trọng, Q.1, TP.HCM, dù tỉ lệ nam giới bị bạo lực gia đình ít hơn, nhưng chẳng phải là không có. Anh Thương cho hay: "Tôi đã từng nghe những người bạn kể, họ gặp hai trường hợp, bị bạo lực tinh thần và kinh tế".

Ngày càng có nhiều nam giới trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình

Ngày càng có nhiều nam giới trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình

ẢNH MINH HỌA: HÀ NGỌC QUÝ

Vì sao?

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên Khoa Xã hội và nhân văn, Trường ĐH Văn Lang, nếu tính số nạn nhân trong tổng các vụ bạo lực thì đa phần nữ giới vẫn là nhóm bị tấn công và gánh chịu hậu quả nặng nề. Tuy nhiên, những năm gần đây, nam giới bị bạo lực gia đình ngày càng tăng.

"Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc nữ giới ngày càng ý thức hơn về quyền và nghĩa vụ của mình. Ít nhiều họ không còn mang tâm lý thụ động, cam chịu bạo lực. Có thể trước đây vẫn có nhiều nam giới bị bạo lực nhưng vì "sĩ diện" của một người đàn ông nên họ e ngại khi nói ra và che giấu, thậm chí cam chịu. Ngày nay, khi bình đẳng giới được tuyên truyền và giáo dục sâu rộng thì số nạn nhân bị bạo lực gia đình thoải mái tìm kiếm hỗ trợ, công khai vấn đề cá nhân mới dẫn đến sự biến động trong số vụ bạo lực gia đình", chị Đào Lưu lý giải.

Cũng theo chuyên gia tâm lý này, thông thường mọi người cho rằng bạo lực gia đình chỉ là việc sử dụng vũ lực để đánh đập, la mắng. Tuy nhiên, bạo lực gia đình còn có rất nhiều hình thức thông qua những hành vi khác nhau. Ví dụ như: sự thờ ơ, ghẻ lạnh hay "chiến tranh lạnh" trong gia đình cũng được xem là bạo lực. Hoặc bắt ép, dụ dỗ các thành viên trong gia đình thực hiện hành vi họ không mong muốn cũng là bạo lực. Thậm chí, áp dụng chính sách "có tiền là có quyền" chi phối thành viên khác phục tùng mong muốn của bản thân khi họ không thích cũng là hình thức bạo lực gia đình.

"Như vậy, bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình", chị Đào Lưu nói.

Anh H.L.D (31 tuổi), làm việc ở hẻm 8A Thái Văn Lung, Q.1, TP.HCM, cho biết hai vợ chồng sống cùng bố mẹ vợ. Vì "ở rể", nên anh D. thường ngậm ngùi mỗi lần bị vợ to tiếng, "kiếm chuyện". Và việc bị bạo lực tinh thần diễn ra thường xuyên trong thời gian dài hơn 3 năm đã khiến anh bị stress, tổn thương tâm lý nặng nề. "Có những lúc xong ca làm, chẳng muốn về nhà. Vì thương con, nên tôi cam chịu. Tôi cũng chẳng dám kể với ai nghe mà tự mình chịu đựng, chấp nhận", anh D. kể lại.

Có những "đấng mày râu" chia sẻ, vì trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình, đã tìm đến rượu bia để "giải sầu". Trong cơn say, từ nạn nhân họ đã có những hành vi bạo lực ngược lại với vợ, con.

Làm thế nào để kéo giảm tình trạng bạo lực gia đình, ở cả nam giới lẫn nữ giới? Thạc sĩ Đào Lưu cho rằng giải pháp trước mắt có thể là những hình thức xử phạt đối với các hành vi bạo lực gia đình. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức cho người dân, lên án, bài trừ và mạnh mẽ tố cáo các hành vi bạo lực trong gia đình.

"Nhưng về lâu dài, cần giáo dục ý thức cho tất cả người dân, đặc biệt là học sinh, ngay từ nhỏ các em cần học cách chung sống hòa bình, làm chủ cảm xúc và kỹ năng giải quyết vấn đề cũng như khả năng chia sẻ, cảm thông với người khác. Các cơ quan và đoàn thể cần phối hợp để tổ chức những khóa học tiền hôn nhân để cả nam và nữ trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng thật tốt trước khi chung sống cùng nhau. Ngoài ra, các ban ngành, đoàn thể cần phối hợp đồng hành cùng với những gia đình để kịp thời hỗ trợ công dân khi cần thiết", chị Đào Lưu chia sẻ thêm.

Bạo lực gia đình xảy ra, dù ở bất kỳ hình thức nào, cũng để lại tổn thương cho những đứa con

Bạo lực gia đình xảy ra, dù ở bất kỳ hình thức nào, cũng để lại tổn thương cho những đứa con

ẢNH MINH HỌA: HÀ NGỌC QUÝ

Đừng im lặng, cần phải tố giác với cơ quan chức năng

Theo luật sư Nguyễn Hải Long, Đoàn luật sư Tây Ninh, trong luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực từ ngày 1.7.2023 có nêu rõ rất nhiều hành vi bạo lực gia đình bị nghiêm cấm.

Có thể kể như: hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình; cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng…

Nếu có những hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Có thể bị phạt tiền đến 30 triệu đồng tùy hành vi vi phạm. Trường hợp có tính chất nghiêm trọng, sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.

Theo luật sư Long, nếu không may là nạn nhân của bạo lực gia đình, thay vì im lặng, cam chịu, cần phải tố giác với cơ quan chức năng. "Có như vậy thì mới đẩy lùi bạo lực gia đình. Chứ hiện nay câu chuyện này âm ỉ và nguy hiểm, để lại nhiều hệ lụy khó lường", luật sư Long nói.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.