Vì sao nghệ sĩ lão thành chưa về ‘nhà mới’ khang trang hơn?

Hoàng Kim
Hoàng Kim
08/03/2023 11:13 GMT+7

Khoảng hơn một năm nay, Hội Sân khấu TP.HCM vận động nghệ sĩ lão thành trong Viện Dưỡng lão Nghệ sĩ TP.HCM đồng ý chuyển về Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè.

Tuy nhiên cuộc vận động gặp khá nhiều khó khăn, hầu hết nghệ sĩ đều không chịu rời bỏ nơi ở cũ. Làm sao để họ đồng ý về "nhà mới" có điều kiện tốt hơn?

Nhà cũ, nhà mới

Viện Dưỡng lão Nghệ sĩ TP.HCM tọa lạc trên một khu đất ở quận 8, ra đời năm 1996 theo tâm nguyện của NSND Phùng Há và được Thủ tướng Võ Văn Kiệt chấp thuận. Từ đó UBND TP.HCM cắt một phần đất của Sở Y tế TP.HCM và làm một giấy tạm giao đất để xây dựng cơ sở. Ban đầu có hơn 20 nghệ sĩ vào sinh sống, nhưng một số đã qua đời bởi già yếu, bệnh tật, hiện nay chỉ còn lại 7 người.

Vì sao nghệ sĩ lão thành chưa về ‘nhà mới’ khang trang hơn? - Ảnh 1.

Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè, TP.HCM

T.L

Cơ sở vật chất sau 20 năm đã xuống cấp trầm trọng, mới được các nhà hảo tâm góp kinh phí tạm sửa chữa hồi năm 2021. Tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất là có nhiều nghệ sĩ lão thành muốn xin vào viện, cần phải xây thêm phòng ốc hoặc các cơ sở vật chất khác để phục vụ chu đáo hơn, nhưng về pháp lý chưa có chủ quyền chính thức cho miếng đất này nên không thể xây dựng gì được.

Vì sao nghệ sĩ lão thành chưa về ‘nhà mới’ khang trang hơn? - Ảnh 2.

NSƯT Diệu Hiền trong Viện Dưỡng lão Nghệ sĩ

H.K

Về kinh phí hoạt động hằng ngày cũng khá vất vả, bởi chủ yếu trông chờ vào đóng góp của nhà hảo tâm trong lúc cuộc sống càng ngày càng khó khăn, sân khấu không còn thời hoàng kim như xưa. Chưa kể, khi nghệ sĩ bị bệnh bất ngờ, ban quản lý (chỉ còn có 3 người, gồm soạn giả Đức Hiền đứng đầu, một anh bảo vệ, một chị nấu bếp kiêm dọn dẹp vệ sinh) rất vất vả đưa đi bệnh viện, chỉ có cách bồng lên xe máy chạy cho nhanh chứ chờ xe taxi thì không kịp. Vì những lý do đó mà Hội Sân khấu TP.HCM quyết định giao khu đất lại cho UBND, còn các nghệ sĩ lão thành được Sở LĐ-TB-XH tiếp nhận về Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè (153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, TP.HCM).

Theo đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM: "Trung tâm này đang có hơn 100 người già, gồm Bà mẹ anh hùng, người già khó khăn neo đơn được nuôi miễn phí và một số khác là người già vào ở có đóng tiền. Khu đất rất rộng rãi, có đủ thiết bị vật chất, y tế để chăm sóc các cụ, mỗi ngày y tá đến do huyết áp, thăm bệnh, mỗi tháng bác sĩ đến khám định kỳ, khi cấp cứu có xe chở đi rất an toàn.

Vì sao nghệ sĩ lão thành chưa về ‘nhà mới’ khang trang hơn? - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Lệ Thẩm

H.K

Và ban lãnh đạo trung tâm quyết định dành một tòa nhà lớn phía sau cho nghệ sĩ dời về. Tòa nhà xây kiểu biệt thự, có phòng khách, chung quanh là 10 phòng riêng, mỗi phòng đều có nhà vệ sinh (rộng gấp rưỡi phòng tại Viện Dưỡng lão Nghệ sĩ Q.8). Coi như về đây, các nghệ sĩ không lo gì về cơm nước, thuốc men, mặt khác, có rất nhiều đoàn từ thiện thường xuyên đến thăm, chắc chắn họ quan tâm đến nghệ sĩ. Hoặc khán giả ái mộ nghệ sĩ vẫn có thể liên lạc tại đây để đến tặng quà, không có gì trở ngại".

Tâm sự nghệ sĩ

Nhưng vì sao các nghệ sĩ tại không muốn dời về nhà mới?

Nghệ sĩ Ngọc Đán, hơn 80 tuổi vẫn giữ được nét đẹp nhẹ nhàng, thanh lịch, và thường "khoe" rằng mình không bị đau ốm gì cả, vẫn đi đứng thoải mái. Bà nói: "Tôi buồn lắm. Bình thường chơi thân nhứt với bà Thiên Kim, mà nay bả mất rồi, lòng tôi không chịu nổi. Tôi vô đây ở từ năm 1998, là 25 năm, cái gì cũng quen thuộc, đi chỗ khác nhớ lắm. Nhưng hôm thứ bảy vừa rồi, mấy anh ở Hội có dẫn chúng tôi tham quan chỗ ở mới, thấy sao vắng hoe, chỉ có một bà già ngồi chèo queo, trời ơi, buồn quá". Có lẽ là lúc đi thăm đã khá trưa, gần 10 giờ, các cụ lui vào phòng hết rồi chăng?

Nghệ sĩ Lệ Thẩm cũng gần 80 tuổi, và cũng ở đây 25 năm, đang bị tiểu đường khá nặng, thở dài: "Ở đâu quen đó, giờ đi buồn lắm. Nhưng tôi thấy chỗ ở mới vách sơn cũ quá, lại khá cách biệt phía sau, không thấy ai qua lại. Ở đây còn có sân khấu và các em cháu nghệ sĩ trẻ thường đến hát cho chúng tôi xem. Tuổi già chỉ còn một chút niềm vui đó thôi, chứ cô đơn lắm".

Vì sao nghệ sĩ lão thành chưa về ‘nhà mới’ khang trang hơn? - Ảnh 4.

Nghệ sĩ Ngọc Đán

H.K

NSƯT Diệu Hiền, cũng đã 80 tuổi, bệnh tim khá nặng, đi xa phải dùng xe lăn, có vẻ quyết liệt hơn: "Tôi không thích chỗ mới , con cái tôi đi thăm rất khó. Và cách biệt với hàng xóm nữa, trong khi ở đây khán giả đi vô nói chuyện, gặp gỡ hoài, ngồi trong phòng nhìn ra cũng thấy nhà hàng xóm đông vui. Chúng tôi còn sống bao lâu nữa đâu mà dời tới dời lui. Nếu không cho ở thì tôi sẽ tìm một ngôi chùa quen mà nương náu, chứ không ra đó".

Soạn giả Đức Hiền, người trực tiếp quản lý Viện Dưỡng lão Nghệ sĩ mười mấy năm nay, nói: "Thật ra tòa nhà đó rất rộng và đẹp, khi nào nghệ sĩ đồng ý dời về thì người ta mới lên kế hoạch cấp kinh phí để sơn mới, gắn thêm đèn, chỉnh trang nội thất. Chứ làm xong bỏ đó lại cũ thì uổng lắm".

Thực tế, với hiện trạng xuống cấp và thiếu thốn kinh phí để hoạt động thì trước sau Viện Dưỡng lão Nghệ sĩ cũng phải giao lại cho UBND và Sở LĐ-TB-XH. Vấn đề là làm sao thuyết phục được các nghệ sĩ lão thành cởi mở được tâm lý của người già, sợ buồn, sợ lạ, quyến luyến nơi xưa, và ngay cả Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè có lẽ cũng nên chỉnh trang khu nhà cho sáng sủa để "chinh phục" các cụ. Thôi thì, đã thương thương cho trót, phận con tằm khi đã nhả hết tơ vẫn còn giữ lại khí chất nghệ sĩ khác hẳn người thường, chúng ta ráng dỗ dành các cụ vậy!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.