Vì sao ngộ độc thực phẩm có thể gây suy đa tạng tử vong?

Thiên Lan
Thiên Lan
26/02/2023 10:17 GMT+7

Ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra với bất kỳ ai ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm. Hầu hết mọi người có thể tự hồi phục, nhưng một số trường hợp có thể bị bệnh nặng.

Phụ nữ mang thai, người trên 65 tuổi hoặc có hệ thống miễn dịch suy yếu và trẻ nhỏ sẽ có nhiều nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm hơn, theo phòng khám Cleveland Clinic (Mỹ).

Các biến chứng có thể xảy ra do ngộ độc thực phẩm

Mặc dù các biến chứng do ngộ độc thực phẩm rất hiếm gặp, nhưng trong một số trường hợp có thể gây tử vong.

Vì sao ngộ độc thực phẩm gây suy đa tạng tử vong, cách phòng tránh? - Ảnh 1.

Ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra với bất kỳ ai ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm

Shutterstock

Các biến chứng ngộ độc thực phẩm không phổ biến có thể bao gồm:

Mất nước nghiêm trọng có thể gây tổn thương nội tạng

Biến chứng phổ biến nhất là mất nước. Cả nôn mửa và tiêu chảy đều có thể gây mất nước. Trẻ em, người lớn tuổi và những người có hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc có bệnh nền có thể không bù được lượng chất lỏng mà họ đã mất. Họ có nhiều khả năng bị mất nước.

Mất nước nghiêm trọng có thể gây tổn thương nội tạng, các bệnh nghiêm trọng khác và tử vong nếu không được điều trị kịp thời, theo Cleveland Clinic.

Biến chứng toàn thân

Một số chất gây ô nhiễm có thể gây bệnh lan rộng hơn trong cơ thể, đặc biệt ở người lớn tuổi, có hệ thống miễn dịch yếu hoặc có bệnh nền. Nhiễm khuẩn toàn thân do ngộ độc thực phẩm có thể gây ra:

Tổn thương thận: E.coli có thể tạo ra các cục máu đông làm tắc nghẽn hệ thống lọc của thận. Tình trạng này, được gọi là hội chứng urê huyết tán huyết, dẫn đến suy thận đột ngột.

Nhiễm trùng huyết: Vi khuẩn vào máu có thể gây nhiễm trùng huyết, làm tổn thương các mô của cơ thể gây suy đa tạng.

Tổn thương hệ thần kinh và não: Một số vi khuẩn hoặc virus có thể gây viêm màng não.

Biến chứng khi mang thai: Điều này có thể dẫn đến sẩy thai hoặc thai chết lưu, nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh, viêm màng não ở trẻ sơ sinh.

Vì sao ngộ độc thực phẩm gây suy đa tạng tử vong, cách phòng tránh? - Ảnh 2.

Vi khuẩn vào máu có thể gây nhiễm trùng huyết

Shutterstock

Khi nào nên gọi cấp cứu?

Gọi bác sĩ ngay nếu bệnh nhân là phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, trẻ em hoặc người già, đặc biệt nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

Sốt cao, dai dẳng (trên 39 độ).

Tiêu chảy hoặc nôn ra máu.

Nước tiểu sẫm màu, không đi tiểu hoặc tiểu ít.

Mờ mắt.

Mê sảng, lú lẫn.

Xây xẩm, chóng mặt, theo Cleveland Clinic.

Làm gì để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm?

Phòng khám Mayo Clinic hướng dẫn cần thực hành các quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm, như:

Làm sạch: Rửa kỹ sản phẩm sống. Rửa tay và dụng cụ trước khi chế biến thức ăn. Rửa và khử trùng tất cả các bề mặt bao gồm thớt, mặt bàn và đĩa.

Tách riêng: Tránh ô nhiễm chéo bằng cách tách thịt sống và trứng ra khỏi sản phẩm tươi sống, cũng như dùng riêng thớt cho đồ sống và đồ chín ăn liền.

Nấu chín: Nấu chín thịt để tiêu diệt hết mầm bệnh nếu có. Chú ý nấu kỹ thịt và hải sản ở nhiệt độ thích hợp để tiêu diệt vi trùng.

Làm lạnh: Trong vòng 2 giờ sau khi nấu, phải cất thức ăn vào ngăn mát hoặc ngăn đông để ngăn vi khuẩn sinh sôi. Cả món chính và các loại phụ gia như nước chấm, sốt, kem, nước cốt dừa cần phải đảm bảo ở nhiệt độ thích hợp trong khi phục vụ (bán). Kiểm tra thực phẩm để trong tủ lạnh xem có vi khuẩn, nấm mốc phát triển không. Vứt bỏ các sản phẩm sữa nếu đã quá hạn sử dụng hoặc "bốc mùi", theo Mayo Clinic.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.