Vì sao người cao tuổi phạm tội ngày càng nhiều ở Hàn Quốc?

28/12/2018 08:00 GMT+7

Các chuyên gia cho rằng tội phạm cao tuổi ngày càng gia tăng ở Hàn Quốc một phần xuất phát từ hoàn cảnh nghèo khó, trầm cảm và xa rời xã hội.

Các báo cáo của chính phủ và cảnh sát Hàn Quốc cho thấy số lượng người trên 65 tuổi phạm tội tăng 45% trong vòng 5 năm qua, từ 77.260 người vào năm 2013 lên 112.360 trường hợp vào năm 2017, theo tờ The Korea Herald. Trong số này, tội giết người, đốt phá, hiếp dâm và cướp giật tăng 70% từ khoảng 1.000 vụ hồi 2013 lên 1.800 trường hợp năm 2017.
Trong năm nay, Hàn Quốc chứng kiến nhiều vụ án đáng báo động mà thủ phạm là người cao tuổi. Chẳng hạn, hồi tháng 6, một phụ nữ 69 tuổi đã đổ thuốc trừ sâu vào thức ăn phục vụ sự kiện cho cả một ngôi làng để đầu độc hàng xóm tại tỉnh Bắc Gyeongsang. Đến tháng 7, một người cha 75 tuổi đâm chết con trai mình ở thành phố Incheon. Vào tháng 8, một cụ ông 70 tuổi dùng súng săn bắn chết 2 viên chức và làm bị thương hàng xóm tại trung tâm cộng đồng ở tỉnh Bắc Gyeongsang.
Giới chuyên gia nhận định trầm cảm, sống xa lánh xã hội và nghèo túng là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tội phạm lão hóa gia tăng ở Hàn Quốc. “Không có việc làm và thậm chí không lương hưu hay phúc lợi khiến họ cảm thấy bị xa lánh dẫn đến trầm cảm và có những hành vi chống lại xã hội, phạm tội. Cảm giác không còn gì để mất sẽ làm con người mất kiểm soát và hành động thiếu suy nghĩ. Những người tiếp xúc xã hội, quây quần với gia đình và có công ăn việc làm dễ dàng tự kiểm soát bản thân hơn”, chuyên gia tội phạm học Cho Youn-oh tại Đại học Dongguk nói với đài CNN.
Một tù nhân họ Park (71 tuổi), thụ án hơn 2 năm, giãi bày: “Tỷ lệ tội phạm gia tăng vì người cao tuổi không có tiền”. Một phạm nhân khác 70 tuổi tên Noh bày tỏ kỳ vọng chính phủ và xã hội quan tâm giúp đỡ người già nhiều hơn. Theo số liệu của cảnh sát, khoảng 30% tù nhân lớn tuổi tiếp tục phạm tội ngay sau khi mãn hạn tù, vì theo họ trại giam vẫn là một trong những nơi an toàn nhất đối với tù nhân cao niên. “Sau khi được thả, chúng tôi thật sự sẽ không biết phải đi đâu hay ngủ ở đâu, không tiền, không thức ăn. Tôi có thể may mắn hơn nhiều người vì còn có vợ con hỗ trợ. Những bạn tù thụ án 10 - 15 năm thật sự không muốn được thả”, phạm nhân Noh bày tỏ lo ngại.
Hiện các trại giam ở Hàn Quốc cũng phải chật vật trước tình trạng tù nhân lớn tuổi gia tăng. “Họ có thể trạng yếu hơn, lại bị giam chung với người trẻ có nguy cơ cao dẫn đến ẩu đả vì khoảng cách thế hệ”, Phó giám đốc Lee Yun-hwi của nhà tù Nambu ở thủ đô Seoul cho biết. Giới chuyên gia khuyến cáo chính phủ nên sớm có chính sách mới cũng như mạng lưới các tổ chức hỗ trợ càng sớm càng tốt trước khi Hàn Quốc rơi vào tình trạng “xã hội siêu già nua” giống Nhật Bản trong tương lai không xa. Truyền thông Nhật Bản cũng từng phản ánh tình trạng ngày càng nhiều người cao tuổi neo đơn ở nước này cố tình phạm tội để được ở tù, dẫn đến tình trạng quá tải ở các trại giam. Nhà hoạt động vì quyền người cao tuổi Kim Sun-tae nhận định: “Nếu chính phủ tiếp tục phớt lờ mối lo ngại của công dân cao niên thì thế hệ tương lai cũng sẽ phải đối diện với tình trạng tương tự. Những thanh niên độ tuổi 20 - 30 phải bắt đầu vạch ra kế hoạch về hưu ngay từ bây giờ vì ai rồi cũng sẽ phải già đi”.
Tính đến năm 2018, hơn 14% dân số Hàn Quốc là người từ 65 tuổi, trở thành đất nước có “xã hội già hóa” theo phân loại của Liên Hiệp Quốc. Nghèo túng và xa lánh xã hội cũng được xác định là những vấn đề nghiêm trọng đối với người cao tuổi ở nước này. Khoảng 60% những người cao niên không đủ tiêu chuẩn cho chương trình lương hưu quốc gia. Số liệu từ Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy khoảng 50% người lớn tuổi Hàn Quốc sống trong cảnh cô đơn nghèo túng. Trên 80% người cao tuổi Hàn Quốc hầu như chỉ ngồi nhà xem truyền hình và khoảng 19% công dân trên 65 tuổi hiện sống một mình, theo OECD. Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, khoảng 21% người cao tuổi bị trầm cảm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.