Ùn ứ hơn 43.000 tấn rác
Nhiều người dân tại xã Tản Lĩnh (H.Ba Vì) đã căng lều, dựng trại, chặn xe chở rác vào Khu xử lý chất thải Xuân Sơn (bãi rác Xuân Sơn) từ cả chục ngày nay. Ngay cả khi chính quyền đối thoại với người dân, tới nay tình trạng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, nhiều ngày qua, người dân tại xóm Hiệu Lực (xã Tản Lĩnh) vẫn tập trung trước cổng bãi rác Xuân Sơn. Người dân còn chuẩn bị giường, chiếu, chăn, màn, đồ ăn, nước uống đầy đủ.
Có mặt trong đoàn đứng chặn xe vào bãi rác từ những ngày đầu tiên, anh Nguyễn Văn Tùng (trú xã Tản Lĩnh) cho biết nguyên nhân vấn đề liên quan đến tiền đền bù. Theo anh Tùng, số tiền đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân trong bán kính 500 m dự án mở rộng của bãi rác Xuân Sơn lần thứ ba chưa tương xứng so với 2 dự án trước.
Trong 2 lần mở rộng bãi rác Xuân Sơn trước đây, người dân đã ở ổn định trước năm 1993 mà chưa được cấp sổ đỏ thì được công nhận 300 m đất ở và tài sản hợp pháp giống như những hộ đã có sổ đỏ.
Nhiều người hàng xóm của anh có đất nông nghiệp nằm trong vùng bị ảnh hưởng, trong đợt bãi rác Xuân Sơn triển khai mở rộng dự án lần 2 năm 2017 cũng được đền bù giá 90 - 181 triệu đồng/360 m2.
Còn tới lần thứ ba mở rộng bãi rác Xuân Sơn này, dự án lại không công nhận như vậy. Anh Tùng cho hay, nếu áp dụng theo phương án bồi thường, đền bù hiện tại thì người dân rất thiệt thòi.
Theo giá đất hiện hành, đất ở đối với các hộ có sổ đỏ là hơn 1,97 triệu đồng/m2, còn giá đối với các hộ chưa có sổ đỏ chỉ 528.000 đồng/m2; nếu căn cứ theo giá này, người dân sẽ bị thiệt.
"Gia đình tôi có hơn 1.000 m2 đất, trong đó chỉ có khoảng hơn 200 m2 là đất ở. Tính ra, gia đình tôi chỉ được đền bù khoảng hơn 100 triệu đồng. Vấn đề là cùng chung một dải đất mà 360 m2 bây giờ được đền bù khoảng hơn 20 triệu đồng, trong khi trước đây gấp 4 - 6 lần thì rất thiệt thòi, chênh lệch", anh Tùng chia sẻ.
Trước đó, theo thông tin từ các ngành chức năng và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, tình trạng bãi rác Xuân Sơn bị chặn đã xảy ra hơn 1 tháng trước tết Nguyên đán 2023.
Sau khi được chính quyền địa phương vận động, người dân đã dỡ lán trại về nhà ăn tết. Tuy nhiên, ăn tết xong, người dân lại tập trung chặn xe vào bãi rác Xuân Sơn. Rác thải bị ùn ứ ở H.Mỹ Đức (Hà Nội) đã được chuyển sang xử lý tại bãi rác Nam Sơn (H.Sóc Sơn, Hà Nội). Còn ở H.Thanh Oai (Hà Nội), rác thải vẫn bị ùn ứ vì chưa có phương án phân luồng.
Tổng cộng hiện có khoảng hơn 43.000 tấn rác bị ùn ứ tại 13 huyện, thị xã ngoại thành Hà Nội. Tại không ít nơi, người dân đốt rác thải vào ban đêm và rác vẫn âm ỉ cháy vào ban ngày, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường.
"Người dân đòi quyền lợi phải văn minh"
Theo lãnh đạo UBND xã Tản Lĩnh, dự án mở rộng bãi rác Xuân Sơn lần này có 41 hộ nằm trong vùng ảnh hưởng bán kính 500 m cần phải di dời, nhưng chỉ 14 hộ dân có đất ở đã được cấp sổ đỏ.
Các trường hợp còn lại có nhà trên đất chưa có sổ đỏ. Một số hộ có đất nông nghiệp nằm trong vùng ảnh hưởng của bãi rác Xuân Sơn. Nếu theo quy định của pháp luật, đất chưa có sổ đỏ sẽ được coi là đất nông nghiệp, đất đồi, đất trồng cây lâu năm; các công trình nhà ở của người dân trên phần đất này là công trình trái phép, sẽ không được đền bù khi có dự án.
Dù thế, theo kiến nghị của người dân, đề xuất của UBND xã Tản Lĩnh và UBND H.Ba Vì, ngày 17.2, UBND TP.Hà Nội đã đồng ý phương án hỗ trợ 30% đơn giá đất ở đối với những hộ dân đã ở trước năm 1993; hỗ trợ 20% giá đất ở với các hộ dân đã ở sau năm 1993.
Tuy nhiên, nhiều hộ dân xóm Hiệu Lực vẫn không đồng tình với phương án hiện tại. Bà Nguyễn Thị Xuân Bài, Phó xóm Hiệu Lực, đặt vấn đề: 41 hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng bán kính 500 m của dự án mở rộng bãi rác lần này đều nằm trên cùng một dẻo đất hoặc khu đất, cùng sinh sống và xây dựng nhà cửa từ lâu, nhưng tại sao một số nhà làm được sổ đỏ, nhà thì không?
Thậm chí, nhiều hộ nộp thuế đất nhà ở đầy đủ từ năm 2004, từng đóng tiền để địa phương thuê đo, tách thửa làm sổ đỏ nhưng đến nay vẫn chưa được làm. Bà đặt câu hỏi về số phận của số tiền trên và khẳng định người dân không chấp nhận phương án đền bù, hỗ trợ hiện tại với các hộ đã ở trước năm 1993.
Theo ông Phạm Đình Hùng, Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh, đóng thuế là nghĩa vụ của nhân dân với Nhà nước, kể cả đất khai hoang cũng cần đóng thuế, nhưng không phải là điều kiện cần để họ được cấp sổ đỏ.
Để làm được sổ đỏ, người dân phải có hồ sơ về các giấy tờ liên quan như: hộ khẩu, chứng minh thư, thông tin về diện tích đất… đề nghị gửi tới chính quyền địa phương, như ở cấp xã có bộ phận chuyên môn là địa chính, để địa phương có cơ sở thẩm định. Nếu người dân không có hồ sơ thì rất khó.
Dù vậy, ông Hùng cho hay, chính quyền xã Tản Lĩnh vẫn đang tìm giải pháp cũng như lắng nghe ý kiến của người dân để kiến nghị lên thành phố có phương án đền bù, hỗ trợ thỏa đáng nhất.
"Quan điểm của tôi là chính quyền địa phương, huyện và nhân dân bây giờ cần phải ngồi chung trên "con thuyền" để "chèo lái" tới một đích chung. Vì thế, người dân đòi quyền lợi cần phải văn minh, không nên chặn xe, chặn bãi rác khiến cả thành phố bị ảnh hưởng," ông Hùng nói.
Theo đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất H.Ba Vì, nếu người dân thấy phương án đền bù hiện tại chưa thỏa đáng thì vẫn có thể tiếp tục khiếu nại theo đường hành chính.
Trên cơ sở đó, cơ quan nhà nước sẽ tiếp thu, lắng nghe và đồng hành cùng bà con để đề xuất, kiến nghị thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi chính đáng, tránh thiệt thòi cho bà con. Tuy nhiên, người dân không nên chặn xe chở chất thải vào bãi rác Xuân Sơn, gây ùn ứ rác cho các huyện, thị xã toàn thành phố, ảnh hưởng tới môi trường.
Bình luận (0)