Nêu câu hỏi liên quan đến các dự án xử lý rác thải trên địa bàn TP.Hà Nội, đại biểu (ĐB) Nguyễn Nguyên Quân nêu: “Sau 7 năm phê duyệt quy hoạch, 2 dự án xử lý rác thải Ứng Thoong và Châu Can vẫn chưa được triển khai, gây áp lực cho 2 hệ thống xử lý rác thải tập trung của thành phố. Cử tri e ngại nhà đầu tư không đủ năng lực triển khai, thành phố sẽ xử lý ra sao”?
Ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội |
Xuân hải |
Theo ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội, nhà máy xử lý rác Ứng Thoong chậm do khó khăn giải phóng mặt bằng (GPMB). Tới tháng 9.2017, tức là sau 9 năm khi được phê duyệt, H.Chương Mỹ mới hoàn thành GPMB. Hiện nhà đầu tư đề nghị điều chỉnh quy mô và nâng công suất lên 200 tấn/ngày, nhưng quy mô này không phù hợp với quy hoạch của thành phố nên phải xây dựng lại chủ trương điều chỉnh. Chủ đầu tư là Công ty CP đô thị Xuân Mai hiện đã hoàn thiện hồ sơ trình chủ trương điều chỉnh đầu tư.
Với nhà máy xử lý rác Châu Can, theo ông Tuấn, Sở KH-ĐT đã có ý kiến đôn đốc nhà đầu tư. Sau khi HĐND TP chất vấn, chủ đầu tư cũng đã nộp hồ sơ điều chỉnh, nâng công suất từ 500 lên 1.000 tấn phù hợp với công nghệ đốt rác phát điện cơ khí, mở rộng diện tích từ 4,85 ha lên hơn 20 ha, vốn cũng tăng lên hơn 2.000 tỉ đồng.
“Quan điểm của Sở là dự án chậm triển khai, tới nay vẫn chưa thực hiện GPMB, mất nhiều thời gian tìm kiếm công nghệ phù hợp. Nguyên nhân chủ quan do năng lực chủ đầu tư còn hạn chế. Nhà đầu tư đề xuất tăng thêm diện tích nhà máy là không khả thi. Sở cũng đã báo cáo thành phố về tính khả thi của dự án, xem xét tạm dừng mở rộng và đề nghị thu hồi quyết định đầu tư”, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội, nội dung này đã được lãnh đạo Sở QH-KT trả lời tại phiên chất vấn cuối năm 2021. “Tình hình vẫn chậm như thế thì tháo gỡ thế nào, đề nghị không trả lời lại các nội dung cũ. Vướng thế nào, bao giờ xong, chứ tái chất vấn lại vẫn nói đi nói lại việc cũ đã trả lời rồi”, Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội nêu.
Ngõ 127 Xuân Thủy (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) về đêm với bãi rác khổng lồ (ảnh chụp lúc 23 giờ 30 ngày 17.6) |
nguyệt quỳnh |
Thông tin thêm, theo ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, dự án xử lý rác Châu Can, trường hợp nhà đầu tư không triển khai thì xem xét thu hồi, lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực, thành phố cũng đã chỉ đạo nghiên cứu sử dụng nguồn vốn đầu tư công.
Về dự án Núi Thoong công suất 450 tấn, Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai đề xuất 2.000 tấn, Sở Xây dựng đã làm việc với Bộ Xây dựng xem xét trường hợp cần thiết cập nhật quy hoạch.
Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông yêu cầu xem kỹ năng lực của chủ đầu tư. “Dự án 7 - 8 năm chưa triển khai vẫn đề nghị điều chỉnh quy mô và công suất, Sở KH-ĐT phải xem xét rõ năng lực để thu hồi dự án chậm triển khai, xem xét chuyển đầu tư công. Trong 1 tháng tới, thành phố cam kết sẽ yêu cầu các sở ngành báo cáo rõ”, ông Đông nêu rõ.
‘Không để thành phố làm con tin’
Liên quan đến dự án đường trục phía Nam Hà Tây do Công ty Cienco 5 thực hiện nhiều năm nay vẫn chưa triển khai xong, Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, vướng mắc chủ yếu do chủ đầu tư và doanh nghiệp dự án. “Thanh tra Chính phủ đã có kết luận rõ, nhưng nhiều năm nay vẫn vướng mắc, phải có giải pháp rõ ràng, không thể để thành phố làm con tin trong tranh chấp giữa các doanh nghiệp”, ông Tuấn nêu.
Theo Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn, năm 2017, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về dự án đường trục phía Nam Hà Tây, theo đó Cienco 5 phải nộp vào ngân sách 1.428 tỉ đồng, các doanh nghiệp dự án đã nộp trên 1.510 tỉ, còn 920 tỉ đang tranh chấp phức tạp giữa chủ đầu tư và doanh nghiệp dự án. Ban cán sự Đảng thành phố cũng đã họp, giao thanh tra thành phố triển khai đồng bộ các nội dung của Thanh tra Chính phủ, trước 15.7 báo cáo thành phố.
Bình luận (0)