Phần đất mà chính quyền thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh) quyết liệt thu hồi thuộc Nông trường cao su Bời Lời (NTCSBL) trước đây (sau này là Nông trường cao su 30/4) đã giao cho bà Huỳnh Thị Lan Phương và nhiều hộ dân. Cụ thể, diện tích đất hơn 50 ha của NTCSBL giao cho bà Phương hợp pháp (Hợp đồng giao đất căn cứ pháp lệnh Hợp đồng kinh tế ngày 25.9.1989 của Hội đồng Nhà nước ban hành về chế độ Hợp đồng kinh tế; căn cứ Nghị định số ngày 16.1.1990 của Hội đồng Bộ trưởng; căn cứ Quyết định số 318 ngày 29.9.1991 của UBND huyện Trảng Bàng) được thể hiện qua hai thông báo liên tiếp (ngày 3.12.2020 và ngày 14.1.2021) trong đó có nội dung: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, bà Huỳnh Thị Lan Phương có trách nhiệm thu dọn nhà cửa, vật kiến trúc và thanh lý tài sản để giao lại đất cho UBND thị xã Trảng Bàng quản lý theo quy định pháp luật. Nếu quá thời gian trên mà bà Huỳnh Thị Lan Phương không thu dọn nhà cửa, vật kiến trúc và thanh lý tài sản thì UBND thị xã sẽ thành lập Hội đồng thẩm định để định giá xử lý tài sản và thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định pháp luật.
|
Thu hồi đất nhưng không bồi thường ?
Theo phân tích của luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM), NTCSBL đã được UBND huyện Trảng Bàng giao đất theo quyết định số 318, đồng thời được cấp giấy chứng nhận. Vì vậy NTCSBL là người sử dụng hợp pháp mảnh đất. NTCSBL ký hợp đồng kinh tế về việc giao khoán đất để sản xuất nông nghiệp và toàn bộ phần đất trên đã được nông trường bàn giao cho bà Huỳnh Thị Lan Phương quản lý, sử dụng không ai tranh chấp. Bà Huỳnh Thị Lan Phương là người quản lý trực tiếp phần đất này, các cấp chính quyền của tỉnh Tây Ninh đều biết việc này. Nhà nước đang có chủ trương thu hồi đất thì phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về thu hồi đất. Đối tượng bị thu hồi là NTCSBL (sau này là Nông trường cao su 30/4). Nông trường cao su muốn giao đất lại cho chính quyền địa phương thì phải chấm dứt hợp đồng với các hộ dân, cá nhân được giao khoán đất, bồi thường thiệt hại (điểm d, khoản 1, điều 7; điểm c, điểm d khoản 1, điều 8 Nghị định số 01-CP ngày 04/01/1995). Sau khi quan hệ giữa nông trường cao su với bà Huỳnh Thị Lan Phương (người được giao khoán đất được giải quyết xong) thì bà Huỳnh Thị Lan Phương giao lại đất cho chính quyền mới phù hợp.
Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Lan Phương khẳng định các cấp chính quyền tỉnh Tây Ninh chưa giải quyết xong mối quan hệ giữa NTCSBL với người được giao khoán đất là bà và những hộ dân khác, nhưng nay đã quyết thu hồi đất. Bà Phương cho biết thêm: “Từ năm 2010, tỉnh Tây Ninh đã có chủ trương thu hồi toàn bộ khu vườn cao su trên diện tích hơn 50 ha mà NTCSBL được sự đồng ý chính quyền tỉnh Tây Ninh lúc đó, ký hợp đồng giao khoán cho tôi. Chúng tôi thấy quá bất hợp lý nên đã có đơn khiếu nại nhiều lần nhưng tỉnh Tây Ninh đã không thực hiện đúng tinh thần của hợp đồng mà đổ lỗi cho NTCSBL, nhiều lần gây áp lực để chúng tôi phải chặt bỏ vườn cao su đang khai thác hiệu quả để thu hồi đất sớm”.
Cũng theo bà Phương, trường hợp chính quyền thị xã Trảng Bàng vẫn quyết tâm thu hồi đất của bà khi chưa giải quyết xong mối quan hệ giữa nông trường cao su với bà, thì cần phải xem phương án đền bù có thỏa đáng? “Trong tình thế UBND thị xã Trảng Bàng bỏ qua nhiều khiếu nại chính đáng của tôi và một số người dân để thu hồi đất như thông báo ngày 3.12.2020 và ngày 14.1.2021, chúng tôi dù chịu thiệt đủ đường rồi nhưng vẫn có thể chấp nhận, nếu như họ có phương án đền bù thỏa đáng. Chúng tôi đã bỏ rất nhiều công sức tiền của đầu tư rồi. Thế nhưng, cho đến nay chính quyền chưa có phương án đền bù gì cả. Như vậy chúng tôi thiệt đơn, thiệt kép. Cả cái lý cái tình chính quyền cũng không quan tâm gì cả”, bà Phương bức xúc.
|
Nhiều hộ dân phản đối
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 4.11.2013, 15 hộ dân đã có đơn khiếu nại lên UBND tỉnh Tây Ninh về việc thu hồi đất trước thời hạn hợp đồng với NTCSBL. Ngày 19.3.2014, UBND tỉnh Tây Ninh dưới sự chủ trì của bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Chủ tịch UBND tỉnh, tổ chức buổi làm việc với bà Huỳnh Thị Lan Phương và một số hộ dân. Tại cuộc họp này, các hộ dân phản đối ý định thu hồi đất của tỉnh Tây Ninh, trong đó bà Phương đặt vấn đề: “Việc UBND tỉnh Tây Ninh cho rằng NTCSBL làm sai, việc làm sai này đã gần 20 năm, tại sao không xử lý mà đến nay mới thông báo thu hồi đất của dân. Ngoài ra, việc thu hồi đất nhưng không có phương án đền bù nào thỏa mãn lợi ích của người dân...”. Còn ông Trần Văn Hiệp bức xúc: “Gia đình tôi đăng ký đất với nông trường (NTCSBL - PV) năm 1992, phải đóng tiền cho nông trường. Lúc đó gia đình tôi không có tiền phải bán hết ruộng đất, trâu bò để đóng. Nay nhà nước lấy lại đất mà không đền bù cho tôi là không thỏa đáng”. Tương tự, ông Phùng Văn Ga cho biết: “Tôi hợp đồng trồng cao su với NTCSBL với thời hạn 50 năm, nhưng nay có văn bản của tỉnh là chỉ được trồng cao su 25 năm. Tôi không đồng ý việc này. Nếu nhà nước thu hồi đất thì phải có những chính sách thỏa đáng...”.
Không chỉ những hộ trên, nhiều hộ dân khác cũng cho rằng cách làm của chính quyền thị xã Trảng Bàng không thỏa đáng. “Bây giờ, nếu chính quyền quyết định chính thức thu hồi thì phải bồi thường hợp đồng còn lại cho tôi là 22 năm sao cho thỏa đáng”, bà Bùi Thị Huệ (xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP.HCM) nói. Ông Nguyễn Quang Bội (An Nhơn Tây, Củ Chi, TP.HCM) cũng cho biết: “Tôi là người lính làm nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia 8 năm. Khi ra quân, tôi là bệnh binh mất khả năng lao động 51%, ảnh hưởng chất độc da cam tỷ lệ 40%. Trước đây, hưởng ứng chủ trương cho phép người dân khai hoang và thuê đất trồng cao su, tôi đã bán hết tài sản, vay mượn thêm để đầu tư trồng cao su trên NTCSBL. Kể cả việc năm 2010 tôi mua thêm 2 ha đất trong khu đất thuộc NTCSBL với giá trị lên tới 570 triệu (có xác nhận của UBND xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng). Ai cũng biết số tiền đó lúc bấy giờ rất lớn. Nay chính quyền thu hồi đất mà không bồi thường thỏa đáng đẩy gia đình tôi vào cảnh điêu đứng”. Còn ông Nguyễn Huỳnh Thanh Quang (ngụ xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM) nói thẳng: “Phòng Tài nguyên và Môi trường Trảng Bàng mời người dân lên giải thích rằng lý do thu hồi là do thế hệ trước làm sai. Vậy ai làm sai phải xử lý người làm sai đó để đảm bảo quyền lợi của người dân. Thế hệ trước làm sai, người dân phải chịu thiệt hại hay sao?”.
Liên quan đến việc thu hồi đất NTCSBL trước thời hạn hợp đồng hơn 20 năm đã ký với bà Huỳnh Thị Lan Phương và nhiều hộ dân khiến người dân bức xúc, chiều 5.2, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến có văn bản trả lời chính thức Báo Thanh Niên. Trong văn bản, ông Chiến khẳng định nguồn gốc 149,52 ha các hộ dân nhận giao khoán trồng, khai thác cao su là đất do nhà nước quản lý, không phải là đất được nhà nước giao cho các hộ dân quản lý sử dụng. Các hộ dân là người được nhận khoán trồng cây cao su theo hợp đồng mà hợp đồng không còn hiệu lực pháp lý (khi NTCSBL giải thể từ năm 1998). Tuy nhiên, để tránh thiệt hại cho người dân, chính quyền địa phương cho phép các hộ được khai thác cây cao su trọn vẹn chu kỳ 25 năm (theo quy trình kỹ thuật của Tập đoàn cao su VN), dù việc UBND huyện Trảng Bàng (nay gọi là thị xã Trảng Bàng) linh hoạt giải quyết là không phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo ông Chiến, trong suốt 25 năm khai thác cây cao su, nhiều hộ không thực hiện nghĩa vụ tài chính đã gây thiệt hại cho nhà nước. Trong khi đó, nhờ vào việc khai thác hết chu kỳ cây cao su nên nhiều hộ dân đã có điều kiện cuộc sống tốt. “Qua đó cho thấy không có sự thiệt thòi hay thiệt hại về kinh tế của các hộ dân bởi 25 năm qua nhà nước không khai thác, không thu được tiền thuê đất dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước và không phát huy được lợi ích kinh tế đối với diện tích trên”, ông Chiến khẳng định và cho biết thêm hiện UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm vụ việc trong thời gian sớm nhất.
|
Bình luận (0)