Ngứa da có thể là một trong những dấu hiệu cảnh báo tổn thương gan. Trên thực tế, không phải ai bị vấn đề về gan cũng sẽ bị ngứa da, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Ngứa da do vấn đề về gan thường sẽ trở nên nghiêm trọng hơn vào buổi tối và ban đêm. Nhiều người bị ngứa ở lòng bàn tay, bàn chân, trong khi một số khác lại bị ngứa khắp người. Người bị ngứa sẽ không thấy phát ban hay tổn thương. Tuy nhiên, nếu gãi quá nhiều thì da sẽ bị kích ứng, đổi màu và nhiễm trùng.
Tổn thương gan gây ngứa da là do những thay đổi sau trong cơ thể:
Muối mật
Khi gan bị tổn thương, dịch mật di chuyển từ gan đến ruột bị gián đoạn. Hệ quả là làm ứ đọng muối mật trong máu và các mô cơ thể. Muối mật gây kích thích dây thần kinh dưới da, dẫn đến cảm giác ngứa dữ dội, đặc biệt ở lòng bàn tay, bàn chân.
Tăng histamin
Một trong những chức năng của gan là phân giải và loại bỏ histamin. Nếu gan bị tổn thương thì nồng độ histamin trong cơ thể có thể tăng lên và gây ngứa da. Các loại thuốc kháng histamin thường không hiệu quả trong trường hợp này.
Tăng enzyme ALP
Gan bị tổn thương của sẽ làm tăng mức lkaline phosphatase (ALP) trong máu. Đây là loại enzyme loại bỏ các chất trong nhóm phosphate ra khỏi cơ thể. Các nghiên cứu cho thấy những người có nồng độ lkaline phosphatase cao thường kèm theo triệu chứng ngứa da.
Cách giảm ngứa da
Các chuyên gia khuyến cáo người bệnh không nên gãi vì gãi có thể khiến da bị rách và nhiễm trùng. Để ngăn ngừa kích ứng da và giảm ngứa thì khi tắm, người bệnh cần tắm nước mát hay nước ấm thay vì nước nóng, tắm vòi sen thay vì ngâm trong bồn tắm.
Họ cũng cần tránh tiếp xúc nhiều với ánh mặt trời hay tiếp xúc với môi trường nóng trong thời gian dài. Loại xà phòng tắm nên có tính tẩy rửa thấp và không có hương liệu. Các loại kem dưỡng ẩm nhẹ nhàng, không mùi sẽ giúp ngăn ngừa khô da.
Nếu cơn ngứa khó chịu thì có thể đắp khăn lạnh ướt lên da cho đến khi cơn ngứa dịu lại. Người bệnh cũng cần tránh tiếp xúc các chất có thể gây kích ứng da, theo Healthline.
Bình luận (0)