Vì sao Nguyễn Phương Hằng không bị xử lý tội vu khống, làm nhục người khác?

Phan Thương
Phan Thương
07/09/2023 06:07 GMT+7

Theo Viện KSND TP.HCM, chuỗi hành vi phạm tội của bị can Nguyễn Phương Hằng đã cấu thành tội danh theo điều 331 bộ luật Hình sự nên không xem xét xử lý về tội 'làm nhục người khác', 'vu khống'.

Ngày 21 và 22.9, TAND TP.HCM sẽ xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Phương Hằng (52 tuổi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) và 4 đồng phạm về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Vì sao Nguyễn Phương Hằng không bị xử lý tội vu khống, làm nhục người khác? - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Phương Hằng trước khi bị bắt tạm giam

CHỤP MÀN HÌNH

Cuối tháng 5 vừa qua, hồ sơ vụ án từng bị tòa án trả để làm rõ hành vi của bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm có dấu hiệu của tội “làm nhục người khác”, “vu khống”; đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại của 10 cá nhân có đơn tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng, thì yêu cầu họ cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh; làm rõ ông Huỳnh Uy Dũng (chồng bà Hằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Nam) có hay không đồng phạm với vợ.

Lý do không xử lý ông Huỳnh Uy Dũng là đồng phạm với Nguyễn Phương Hằng

Điều tra bổ sung, Cơ quan CSĐT và viện kiểm sát đánh giá, xét về nguyên nhân, điều kiện, động cơ, mục đích, diễn biến chuỗi hành vi của bà Nguyễn Phương Hằng đã cấu thành tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” của điều 331 bộ luật Hình sự nên không xem xét xử lý về tội “làm nhục người khác”, “vu khống”.

Về yêu cầu 10 cá nhân tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng cung cấp tài liệu, chứng cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại, theo Cơ quan CSĐT, quá trình điều tra họ đã ghi lời khai những cá nhân có yêu cầu bồi thường và đề nghị cung cấp tài liệu chứng minh, nhưng có một số cá nhân cung cấp, một số cá nhân chưa cung cấp đầy đủ, vì vậy, tòa xử lý theo quy định pháp luật.

Vì sao Nguyễn Phương Hằng không bị xử lý tội vu khống, làm nhục người khác? - Ảnh 2.

Ông Huỳnh Uy Dũng (ngoài cùng, bìa phải) trong một buổi livestream với bà Nguyễn Phương Hằng

CHỤP MÀN HÌNH

Ông Huỳnh Uy Dũng có mặt sau khi bà Nguyễn Phương Hằng phạm tội

Về nội dung ông Huỳnh Uy Dũng có đồng phạm với bà Nguyễn Phương Hằng hay không, Cơ quan CSĐT và viện kiểm sát đều xác định "không có cơ sở xác định ông Dũng đồng phạm giúp sức cho bà Hằng”.

Cụ thể, bà Nguyễn Phương Hằng thực hiện rất nhiều livestream, trong đó có 57 buổi mang nội dung xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự cá nhân; đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật.

Trong 57 buổi livestream này, ông Huỳnh Uy Dũng tham gia 1 buổi vào ngày 31.12.2021 (có nội dung xúc phạm theo đơn tố cáo của nhà báo Nguyễn Đức Hiển) nhưng video thu giữ thể hiện ông Dũng có mặt "sau khi bà Hằng đã chấm dứt việc phát ngôn xúc phạm" ông Hiển.

Cơ quan CSĐT xác định, bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội tại nhà riêng ở Q.3 (TP.HCM) 27 lần; 12 lần tại Khu du lịch Đại Nam (ông Huỳnh Uy Dũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Nam); 7 lần trên ô tô và nhiều lần khác tại Khu công nghiệp Sóng Thần 3 (Bình Dương) nhưng cũng không liên quan đến ông Dũng. Bởi bà Hằng và ông Dũng có quan hệ vợ chồng, bà này có quyền quyết định việc sử dụng ô tô và các tài sản trên.

Đối với buổi livestream ngày 19.3.2022, buổi đua chó, ngựa, thì ông Huỳnh Uy Dũng có tham gia, nhưng nội dung buổi livestream được giám định thể hiện không có nội dung vi phạm. Làm việc với các cá nhân liên quan xác định tại các buổi đua thú trước đó tại trường đua Đại Nam cũng đã có việc đặt tên người nổi tiếng, tên nhân vật hoạt hình, tên phim cho chó đua, ngựa đua. Còn việc đặt tên chó đua, ngựa đua vào ngày 19.3.2022 là do bà Nguyễn Phương Hằng yêu cầu các đồng phạm khi dẫn chương trình lấy tên Đức Hiển, Hàn Ni, Vy Oanh… làm tên chó đua, ngựa đua, khi ra buổi livestram ông Dũng mới biết việc này.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh

Điều 17: Đồng phạm

1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.