Vì sao 'Nhà bà Nữ' thắng lớn mùa phim tết?

01/02/2023 13:12 GMT+7

Nhà bà Nữ do Trấn Thành đạo diễn đại thắng mùa phim tết năm nay. Đâu là nguyên nhân chính dẫn đến sự thành công của bộ phim này?

Tính đến hết ngày 31.1, tức là sau khi khởi chiếu 10 ngày, Nhà bà Nữ đạt doanh thu "khủng": hơn 278 tỉ đồng, vượt xa phim Việt chiếu tết còn lại là Chị chị em em 2 của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng (58 tỉ đồng). Nhà bà Nữ cũng bỏ xa các phim ngoại nhập như Mèo đi hia: Điều ước cuối cùng, Mèo béo siêu đẳng, Phi vụ toàn sao, Xác ướp: Cuộc phiêu lưu đến London… về doanh thu phòng vé.

Vì sao 'Nhà bà Nữ' thắng lớn mùa phim tết? - Ảnh 1.

Cảnh trong phim Nhà bà Nữ

ĐPCC

Chị chị em em 2 do Vũ Ngọc Đãng đạo diễn kể câu chuyện cách đây 100 năm tại Sài thành, xoay quanh 2 người đẹp là cô Ba Trà (Minh Hằng) và cô Tư Nhị (Ngọc Trinh).

Điểm hạn chế của Chị chị em em 2 vẫn là kịch bản. Phim xây dựng nhân vật Ba Trà cực kỳ khôn ngoan nhưng dễ vào bẫy cô gái điếm tên Nhi (Ngọc Trinh) không phải một mà là nhiều lần. Cảnh sát Pháp lẫn Việt trên phim đều buồn cười, ngây thơ như con nít. Phim có nhiều chi tiết hài nhưng nhạt, không ăn nhập gì đến nội dung phim. Do vậy doanh thu phim chỉ bằng 1/5 Nhà bà Nữ thì không có gì lạ.

Song Luân kể khổ khi hợp tác cùng Trấn Thành trong Nhà bà Nữ

Trấn Thành không thể "ăn may"

Khi Bố già cũng do Trấn Thành sản xuất, đồng đạo diễn với Vũ Ngọc Đãng thắng lớn hồi năm 2021 với 420 tỉ đồng doanh thu, nhiều người cho rằng do… ăn may. Nhưng đến Nhà bà Nữ thì rõ ràng không thể tính đến yếu tố này vì khó ai trúng số độc đắc liên tiếp đến… 2 lần.

Nhà phê bình phim kiêm nhà báo Lê Hồng Lâm nhận định trên trang cá nhân: "Tôi nghĩ sức hút của Trấn Thành cùng lắm chiếm 3/10, chưa kể anti-fan của anh này đông như kiến.

Phim mà dở, không đáp ứng được thị hiếu của đại chúng thì có mười Trấn Thành cũng ế chỏng chơ. Hollywood cũng vậy thôi, hai phim Amsterdam Babylon gom cả dàn sao bự hạng A, đạo diễn thắng hay ôm cả mớ đề cử Oscar vẫn chết 'thẳng cẳng' như thường.

Với tôi, hai kỷ lục phòng vé chưa từng có của Bố giàNhà bà Nữ nói một cách ngắn gọn, là nhờ Trấn Thành khai thác được những chất liệu bình dân của đời sống xã hội Việt Nam đương đại, chạm vào được những vết thương kiểu 'vô thức tập thể' rồi tìm cách chữa lành và để lại những bài học vừa vặn. Nói cách khác, phim của Thành là dòng phim về thị dân và đưa ra được những triết lý bình dân gần gũi. Làm được điều này, tức là anh chạm vào được 80% người Việt rồi. Thế nên khán giả cứ thế rồng rắn đến rạp xem phim thôi.

Vì sao 'Nhà bà Nữ' thắng lớn mùa phim tết? - Ảnh 2.

Ngọc Trinh (Tư Nhị) và Minh Hằng (Ba Trà) trong phim Chị chị em em 2

ĐPCC

Bố già đơn giản chỉ là chuyện cha con/tình phụ tử, Nhà bà Nữ kể chuyện mẹ con/tình mẫu tử. Cả hai đều là góc nhìn của hai đứa con trong mối quan hệ bất hòa, xung đột thế hệ với bố, mẹ của chúng.

'Hiểu rồi mới thương', 4 từ đơn giản ngắn gọn của thầy Thích Nhất Hạnh nhưng đôi khi chúng ta phải trả giá thật đắt mới nhận ra. Cả hai phim của Trấn Thành đều cho khán giả thấy được điều đó.

Đề tài hay rồi, chủ đề bắt trúng 'sóng' rồi, nhưng kể sao cho duyên, cho 'đời' lại là một chuyện khác. Cái này thì phụ thuộc vào biệt tài kể chuyện của mỗi đạo diễn. Và với tôi, Trấn Thành là một 'storyteller' - người kể chuyện giỏi và khôn ngoan.

Trấn Thành kể chuyện từ trải nghiệm cá nhân của mình nhưng nó cũng là câu chuyện phổ quát mà hàng triệu người Việt Nam đã và đang trải qua. Anh thông minh khi biết cách biến hóa chúng thành những chi tiết rất 'đời', rất sống động với những nhân vật cứ như từ một cái hẻm lao động hay quán ăn nào đó lên phim. Tôi đồ rằng nhiều người xem Bố già sẽ nhận thấy cái hẻm phố lao động ồn ào hỗn tạp rất giống với cái phố mình ở, tình cha con khắc khẩu giữa ông Sang và thằng Quắn từa tựa chuyện nhà mình. Tương tự thế, cái quán bánh canh cua 'chửi' của bà Nữ, cú livestream bán kem trộn của con Như chửi chồng như hát hay... cũng thấy đâu đó cái quán ăn mình thường ghé qua hay mấy cái món hàng biết rởm mà mình mua vì bị 'thao túng tâm lý'...

Cả hai phim đều phơi bày ra một thực trạng của rất nhiều gia đình Việt Nam hiện tại, đặc biệt là tầng lớp thị dân: bố mẹ áp đặt con cái, áp đặt không được thì chửi, 'tao đẻ mày ra', 'trứng mà đòi khôn hơn vịt', 'thương cho roi cho vọt'.... Vợ chồng thì quen hơi bén mùi xong là mất hết 'tương kính như tân', 'tao', 'mày' búa xua, lỗi lầm nhất định thuộc về đứa khác...

Bố già có cảnh bữa tiệc đại gia đình tổ chức ngay giữa con hẻm lao động, kết quả thằng em mất dạy phang luôn chai bia vào đầu ông anh chảy máu. Nhà bà Nữ là cảnh bữa ăn 5 người trôi qua trong câm lặng nặng nề khi ai cũng nghĩ những kẻ khác là người có lỗi. Thế cho nên đạo diễn mới tung ra một cái triết lý bình dân bắt đúng thóp của hầu hết chúng ta khi ở trong một mối quan hệ đổ vỡ: ai cũng có lỗi nhưng ai cũng nghĩ mình là nạn nhân".

Đạo diễn Charlie Nguyễn thì cho rằng hiệu ứng Nhà bà Nữ, trước đó là Bố già cho thấy dòng phim tâm lý, gia đình vẫn là một trong những thể loại ăn khách hàng đầu tại thị trường nội địa hiện nay.

Đại diện hệ thống phát hành phim Lotte Cinema nhận định Nhà bà Nữ gặp nhiều điều kiện thuận lợi về thời điểm phát hành, nhất là không phải đối đầu với bom tấn Hollywood nào vào dịp tết Nguyên đán.

Em gái Trấn Thành: Anh trai lật tôi như lật bánh tráng!

Khen chê đều có đủ

Nhà bà Nữ đạt doanh thu cao nhất phim tết nhưng không có nghĩa là một tác phẩm điện ảnh hay, đậm chất nghệ thuật, trái lại phim nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Nhiều cư dân mạng chê Nhà bà Nữ như Web Drama, thoại nhiều, lạm dụng chửi thề, thiếu chất điện ảnh, xem phim theo trào lưu, tâm lý số đông, vì tò mò, vì không có phim nào khác để xem… Có khán giả còn cho rằng rất nhiều người bị lừa khi mua vé xem Nhà bà Nữ.

Người viết đã vào rạp ngồi bên cạnh những khán giả trẻ đang xem Nhà bà Nữ để lắng nghe những bình luận của họ khi xem phim. "Câu này sao nghe y chang bà già tao nói ở nhà"; "Bà bán bún ở xóm tao cũng có cái miệng ào ào như bà Nữ trong phim"; "Ham chi mấy thằng Việt kiều, có cái mã chứ sống chỉ biết xin tiền ông bà bô khi về nước!"; "Thời này mà còn để dính bầu như con Nhi, ngu thiệt!"…

Vì sao 'Nhà bà Nữ' thắng lớn mùa phim tết? - Ảnh 3.

Trấn Thành và em gái Uyển Ân đều xuất hiện trong phim Nhà bà Nữ

ĐPCC

Bấy nhiều đó đủ hiểu Nhà bà Nữ đã len lỏi vào từng suy nghĩ, cảm nhận của giới trẻ về cuộc sống thời nay. Nhiêu đó thôi là đủ để lớp lớp khán giả ùn ùn xếp hàng mua vé vào rạp xem. Rất nhiều phim Việt ra rạp thời gian qua được giới phê bình đánh giá khá hay tạm ổn nhưng không chạm được đến khán giả, đặc biệt là giới trẻ, trong khi Trấn Thành thừa sức làm điều đó.

Chuyên gia truyền thông Châu Quang Phước cho rằng doanh thu phim Việt mùa tết năm nay là tín hiệu cho thấy sự khởi sắc trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hàng loạt phim Việt ra rạp trước đó đều… lỗ. "Nói cho cùng, các nhà đầu tư phim Việt giai đoạn này cũng chỉ cần có thế. Tín hiệu này đủ để hy vọng nhiều dự án phim Việt sắp tới sẽ được tiếp thêm động lực", anh cho biết.

Vẫn còn một số ý kiến cho rằng Nhà bà Nữ thắng lớn không có nghĩa nền điện ảnh Việt đang phát triển mà ngược lại thể hiện sự mông lung về trình độ thưởng thức nghệ thuật, đặc biệt là điện ảnh của công chúng, nhất là giới trẻ. Tuy nhiên như cách suy nghĩ của Châu Quang Phước thì: "Đơn giản là vì đằng sau sự thắng thua của một bộ phim luôn là 'sinh mệnh' của người làm nghề, của ê-kíp liên quan. Trong thời đoạn hậu đại dịch và nền kinh tế nhìn chung đang khó khăn thì doanh thu phòng vé của phim Việt còn là thứ chỉ dấu mang tính quyết định cho việc còn có thể theo nghề giữ nghiệp hoặc không.

Thỉnh thoảng thấy bạn bè mê phim hay trách là sao tôi chỉ nói về phim Việt bằng thông số này nọ, còn nghệ thuật đem bỏ đi đâu? Thiệt ra nó vẫn ở tại đấy, quan trọng là còn sống hoặc đã 'tèo' thôi.

Tôi vẫn cho rằng, phim Việt buộc phải qua cửa sống sót thì mới nên nói chuyện trên trời dưới đất. Bởi tôi đã từng thấy, từng biết nhiều hãng phim đóng cửa, nhiều người làm phim bỏ nghề, nhiều nhà đầu tư phim câm lặng trên Facebook một thời gian dài, chỉ vì 'đứa con cưng' của họ ngã ngựa trên chiến trường khốc liệt của phim chiếu rạp tại xứ mình".

Và như nhận định của Lê Hồng Lâm thì: "Thành công về doanh thu của hai bộ phim Bố già, Nhà bà Nữ, với tôi, đơn giản là chúng chạm vào một chủ đề lớn, gần gũi, phổ quát, đậm đặc chất thị dân đồng thời đưa ra được những triết lý bình dân có tính chữa lành của người Việt Nam đương đại".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.