Vì sao nhiều động vật hoang dã xuất hiện trở lại ở Đà Nẵng?

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
01/07/2024 08:59 GMT+7

Nhiều loài động vật hoang dã xuất hiện trở lại tại TP.Đà Nẵng cho thấy môi trường, hệ sinh thái đang dần tốt lên. Nhưng thành phố còn nhiều việc phải làm để thực hiện các "đơn đặt hàng" từ thiên nhiên.

Cá heo, chim mòng biển đuôi đen trở lại

Người yêu thiên nhiên tại TP.Đà Nẵng vừa liên tục đón nhận nhiều tin vui, khi nhiều loại động vật tìm đến trú ngụ hoặc tái xuất hiện sau một thời gian vắng bóng.

Vì sao nhiều động vật hoang dã xuất hiện trở lại ở Đà Nẵng? - Ảnh 1.

Chim mòng biển đuôi đen xuất hiện tại vùng biển P.Thọ Quang

ẢNH: THANH TÙNG

Tại bán đảo Sơn Trà, các nhiếp ảnh gia bất ngờ khi chứng kiến loài chim mòng biển đuôi đen ở bãi biển P.Thọ Quang. Từ năm 2023, bán đảo Sơn Trà cũng chào đón đàn cá heo "nhảy múa" khiến người dân, du khách thích thú. Ngay trung tâm TP.Đà Nẵng, đoạn chân cầu Trần Thị Lý, gần đây xuất hiện đàn cò trắng trú ngụ cùng với sự phát triển của những rừng cây ngập nước kéo dài từ sông Hàn lên đến sông Cẩm Lệ.

Vì sao nhiều động vật hoang dã xuất hiện trở lại ở Đà Nẵng? - Ảnh 2.

Cò trắng trú ngụ ở sông Hàn

ẢNH: VĂN DŨNG

Kỹ sư môi trường Lê Thị Trang, chuyên gia tư vấn cho các dự án bảo tồn, cho biết cá heo và các loài chim di cư hay rùa biển, cá voi trước đây từng xuất hiện tại TP.Đà Nẵng, nhất là tại bán đảo Sơn Trà, nơi đã được giới khoa học khẳng định là điểm sinh thái quan trọng cho nhiều loài, trong đó các loài chim di cư dừng chân vài tuần trên hành trình.

"Tất nhiên động vật hoang dã, các loài sinh vật biển, chim di cư xuất hiện ở thành phố biển Đà Nẵng là điều không lạ. Nhưng sự vắng bóng của một số loài và gần đây trở lại đã chứng tỏ chúng ta duy trì được khu vực ven biển bình yên, ít sự tác động, ồn ào đến động vật hoang dã, nguồn cá ven bờ làm thức ăn nhiều, nên các loài đã chọn quay lại", bà Trang giải thích.

Tiến sĩ sinh thái học Hà Thăng Long khẳng định sự xuất hiện của các loài chim và cá heo nêu trên là dấu hiệu cho thấy môi trường sống tự nhiên của các loài động vật hoang dã ở TP.Đà Nẵng đã được cải thiện theo hướng tích cực. Đơn cử loài mòng biển trở lại bãi biển ở Sơn Trà, liên quan đến nguồn thức ăn trở nên phong phú hơn như cá, giáp xác, côn trùng ở khu vực này. Rặng cây ngập nước phát triển mạnh dưới chân cầu Trần Thị Lý, trở thành nơi ngủ và kiếm mồi lý tưởng cho loài cò trắng khi thủy triều xuống. Đối với hai loài chim này, người dân địa phương cũng không bẫy bắt nên chúng "cảm thấy" an toàn khi đến sinh sống.

"Riêng cá heo xuất hiện ở TP.Đà Nẵng cũng do nguồn thức ăn phong phú và môi trường biển xung quanh bán đảo Sơn Trà trong lành hơn. Cụ thể là những hoạt động xây dựng lớn trên bán đảo không còn, biển không bị ô nhiễm đất bụi, rặng san hô và thảm cỏ biển cũng phục hồi…", tiến sĩ Hà Thăng Long nhận định.

Giữ bán đảo Sơn Trà, sông Hàn

"Điểm hẹn" mà các loài động vật trên cạn, dưới nước hình thành tại ven biển, ven sông ở Đà Nẵng đã gợi mở về môi trường sinh thái. Chuyên gia Lê Thị Trang cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần phân vùng các khu vực để hạn chế thấp nhất việc ảnh hưởng đến động vật hoang dã, ví dụ giữ bãi bồi đàn cò trú ngụ bên cầu Trần Thị Lý, khoanh vùng khu vực chim di cư về chân núi Sơn Trà. "Điều này sẽ tạo tiền đề vững chắc để Đà Nẵng hướng đến thành phố đáng sống, không chỉ cho con người mà còn cho động vật hoang dã", bà Trang nhận định.

Vì sao nhiều động vật hoang dã xuất hiện trở lại ở Đà Nẵng? - Ảnh 3.

Nguồn thức ăn tự nhiên khu vực biển Đà Nẵng phong phú nên các loài chim hoang dã tìm về

ẢNH: LÊ HUỲNH NGHĨA

Tiến sĩ Hà Thăng Long đề nghị cần bảo vệ nghiêm ngặt vùng rừng và biển bán đảo Sơn Trà để tạo cơ hội cho các quần thể động thực vật trên bờ, dưới biển phục hồi trong 10 năm tới. Môi trường và hệ sinh thái sông Hàn cũng vậy, cần giữ thật sạch, an toàn bằng cách giảm nước thải trực tiếp vào dòng sông. Cộng đồng và du khách cũng cần chung tay bảo vệ.

"Ở góc độ khác, hiện nay các dịch vụ liên quan hoạt động trải nghiệm thiên nhiên, tour ngắm cảnh, chụp ảnh các loài chim, voọc đang rất thu hút đối với nhóm khách độc đáo, chấp nhận chi trả nhiều hơn để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên. Do đó, chỉ có giữ được thiên nhiên phong phú thì các hoạt động này mới có thể tiếp tục phát triển, và hình ảnh về du lịch của TP.Đà Nẵng sẽ được mở rộng sang một nhóm du khách mới ít tác động đến thiên nhiên hơn. Đây chính là xu hướng phát triển xanh, du lịch xanhthế giới cũng như TP.Đà Nẵng đang hướng đến", kỹ sư Lê Thị Trang gợi mở.

Tất nhiên động vật hoang dã, các loài sinh vật biển, chim di cư xuất hiện ở thành phố biển Đà Nẵng là điều không lạ. Nhưng sự vắng bóng của một số loài và gần đây trở lại đã chứng tỏ chúng ta duy trì được khu vực ven biển bình yên, ít sự tác động, ồn ào đến động vật hoang dã, nguồn cá ven bờ làm thức ăn nhiều, nên các loài đã chọn quay lại.

Kỹ sư môi trường Lê Thị Trang

Hạn chế tác động đến tự nhiên

Ông Lê Tự Gia Thạnh, Chủ tịch UBND Q.Hải Châu (TP.Đà Nẵng), cho biết trước sự phát triển của rừng cây ngập nước dọc theo sông Hàn và sông Cẩm Lệ cùng với nhiều đàn cò trú ngụ, địa phương đã cùng Sở Xây dựng, Sở TN-MT, các chuyên gia môi sinh Đại học Đà Nẵng khảo sát, nghiên cứu lập đề án giữ gìn hệ sinh thái đa dạng sinh học ven sông Hàn. UBND Q.Hải Châu cũng kiến nghị và sẽ giám sát các công trình khu vực này hạn chế tối đa tác động đến rừng cây ngập nước, tránh ảnh hưởng đến môi trường sinh sống tự nhiên của cò và các động thực vật khác.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.