Vì sao nhiều người 'chốt đơn' lúc nửa đêm?

Thảo Phương
Thảo Phương
26/04/2024 17:06 GMT+7

Không ít người trẻ thừa nhận rằng việc lướt các sàn thương mại điện tử vào lúc nửa đêm khiến họ dễ dàng “chốt đơn” với nhiều món hàng hơn là ban ngày.

"Chốt đơn" vào ban đêm

Việc mua sắm vào lúc nửa đêm đã trở thành trào lưu của giới trẻ. Huỳnh Thị Thanh Cúc, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM thừa nhận rằng đa số những món đồ mà cô nàng mua đều được “chốt đơn” vào lúc nửa đêm.

Cúc kể: “Vì không ngủ được nên nửa đêm mình hay lướt Shopee để xem đồ cho vui thôi. Tự nhiên thấy mấy món đồ lạ lạ rồi tiện tay mình thêm vào giỏ hàng và thanh toán luôn mà không suy nghĩ gì. Sáng hôm sau xem lại thì không biết lý do vì sao mình lại mua món đồ đó vì nó không cần thiết”.

Vì sao nhiều người 'chốt đơn' lúc nửa đêm?- Ảnh 1.

THẢO PHƯƠNG

Bình thường khi mua một món đồ gì đó vào ban ngày, Cúc phải đắn đo suy nghĩ khá nhiều. Cô nàng chỉ mua khi nó thật sự cần thiết và phải dùng đến. Thế nhưng, khi màn đêm buông xuống những thứ mà Cúc “chốt đơn” mà không cần suy nghĩ.

“Mình nghĩ là đêm khuya tinh thần không còn tỉnh táo hay sáng suốt, thấy gì cũng dễ thương và muốn mua. Lúc này, mua đồ theo cảm tính chứ không còn lý tính nữa”, Cúc nói.

Những món đồ Cúc cho là

Những món đồ Cúc cho là "vô tri" được cô nàng "chốt đơn" lúc 2 giờ sáng

NVCC

Tương tự, những đơn hàng trực tuyến của Trần Ngọc Ánh Trúc (24 tuổi), ngụ tại đường Trần Thị Điệu, P.Phước Long B, TP.Thủ Đức (TP.HCM), cũng được cô nàng “chốt đơn” lúc nửa đêm. Trúc chia sẻ: “Ban ngày đi làm không có thời gian nên tối đến mình hay lướt các sàn thương mại điện tử để xem quần áo, giày dép… Mục đích chỉ để xem giải trí thôi nhưng lát sau chuyển sang mua hàng luôn”.

Trúc cho biết quyết định mua hàng vì thấy món đồ đó xinh, hợp với gu thời trang của mình. Thế nhưng, đôi lúc cũng chốt đơn một cách thiếu suy nghĩ. “Có khi món đồ đó không dùng đến nhưng vì nó đang giảm giá nên mình mua”, Trúc nói.

Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An, nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng có nhiều lý do khiến người trẻ mua sắm nhiều hơn vào ban đêm. “Vào ban ngày, nhiều người bận đi học, làm việc nên tối muộn mới có thời gian rảnh để vào các sàn thương mại điện tử, xem livestream (phát trực tiếp - PV) bán hàng. Thế hệ trẻ bây giờ lại có thói quen thức khuya nên những người bán hàng trên nền tảng trực tuyến cũng nắm bắt thời điểm đó để livestream và tung các mã khuyến mãi. Người Việt Nam lại rất thích mua hàng giảm giá, kèm quà tặng nên họ sẽ “chốt đơn””, thạc sĩ Hoàng An cho hay.

Thạc sĩ Hoàng An cũng chỉ ra rằng ban đêm là thời điểm đầu óc con người không còn minh mẫn sau ngày dài học tập và làm việc nên dẫn đến mua hàng thiếu suy nghĩ. Bên cạnh đó là sự tĩnh lặng của đêm muộn cộng thêm những lời nói từ người bán hàng, nêu bật lên những công dụng, giá trị của món đồ khiến khách hàng khó kiểm soát được bản thân.

Nhiều món đồ không sử dụng được vẫn mua

Việc mua sắm vào ban đêm sẽ không có gì đáng nói nếu tất cả món hàng được "chốt đơn" đều có giá trị sử dụng. Thế nhưng, không ít người trẻ thừa nhận những món đồ mình mua lúc nửa đêm ít được sử dụng”.

Vì sao nhiều người 'chốt đơn' lúc nửa đêm?- Ảnh 3.
Vì sao nhiều người 'chốt đơn' lúc nửa đêm?- Ảnh 4.

Những món đồ Thư mua lúc 2 giờ sáng và không thể sử dụng được

NVCC

Thường xuyên “chốt đơn” vào lúc 1 - 2 giờ sáng nên hậu quả là nhận về rất nhiều món đồ ít sử dụng. Nguyễn Thị Minh Thư (20 tuổi), ngụ tại Khu B, ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, chia sẻ: “Thời điểm ban đêm khiến mình mua hàng mà chẳng kịp suy nghĩ. Nhiều lúc thiếu tỉnh táo còn ấn nhầm mua phải những món đồ không cần thiết. Ví dụ như tóc mình rất nhiều nhưng không hiểu sao lại mua những cái kẹp bé tí không dùng được hay cục tẩy, cây bút khổng lồ; mấy món đồ trang trí bàn học mặc dù biết không có chỗ để vẫn mua”.

Vì chốt đơn không kiểm soát vào ban đêm nên ngày nào cô nàng này cũng phải đi nhận hàng. Có tuần Thư nhận hơn 10 đơn hàng. “Nhiều khi nhận hàng xong khui ra mình cũng không biết vì sao lại mua những món đồ đó”, Thư nói.

Thạc sĩ Hoàng An chia sẻ: “Cách để kiểm soát việc mua sắm nhiều vào ban đêm là xây dựng cho mình cơ chế tự ý thức và phải có kế hoạch chi tiêu. Các bạn trẻ phải ý thức rằng lúc về đêm khó kiểm soát được bản thân nên hạn chế lướt các sàn thương mại điện tử. Sau khi đặt mua những món hàng ít sử dụng cũng nên rút ra bài học cho bản thân để tránh phí phạm. Trước khi mua hàng nên cân nhắc túi tiền của mình và nghĩ xem nó có thật sự cần thiết hay không”. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.