Vì sao nhiều phường, xã ở TP.HCM trở thành vùng cam ?

03/03/2022 05:36 GMT+7

Theo báo cáo đánh giá cấp độ dịch Covid-19 của Sở Y tế TP.HCM trong tuần vừa qua, 13 phường, xã chuyển thành vùng cam (cấp độ 3 - vùng cam, nguy cơ cao).

Cụ thể: P.5 (Q.5); phường 5, 7, 11 và 12 (Q.10); P.11 (Q.11); xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh); xã Bà Điểm (H.Hóc Môn) và phường An Lợi Đông, An Phú, Tam Phú, Tăng Nhơn Phú B (TP.Thủ Đức). Nguyên nhân dẫn đến các việc phường tăng cấp độ dịch chủ yếu do số ca nhiễm tăng, tỷ lệ tiêm vắc xin không đạt và khả năng đáp ứng của hệ thống y tế cơ sở.

TP.HCM tăng lên gần 50.000 ca Covid-19 cách ly tại nhà

Các quận lý giải ra sao ?

Trả lời Thanh Niên chiều 2.3, Phó chủ tịch UBND Q.10 Bùi Thế Hải cho biết theo báo cáo của Sở Y tế thì 4 phường: 5, 7, 11 và 12 của quận là vùng cam nguyên nhân do ca nhiễm tăng và tỷ lệ tiêm vắc xin không đạt. Ông Hải nhìn nhận số ca nhiễm ở các phường có sự gia tăng, nhưng đây là sự gia tăng chung của toàn TP.HCM. Riêng tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19, ông Hải phân trần dữ liệu tiêm vắc xin mà quận đưa lên hệ thống tiêm chủng quốc gia thường bị trả về, dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng trên hệ thống thấp hơn con số đã tiêm thực tế. “Quận đang giao các phường cập nhật lại dữ liệu để cải thiện chỉ số này, bởi thực tế tiêm mũi 2 đã trên 90%”, ông Hải nói.

Lãnh đạo UBND Q.10 cũng cho hay vẫn còn lấn cấn trong tỷ lệ tiêm vắc xin là hệ thống dữ liệu quốc gia thì tính trên tổng số dân chứ không tính theo độ tuổi, nên quận phải rà lại để số liệu tiêm chủng sát với yêu cầu.

Q.11 quản lý F0 ra sao ?

Nói về quản lý F0 của Q.11, theo bác sĩ Vương Anh Tài thì Trung tâm y tế giao 16 trạm y tế cố định, 16 trạm y tế lưu động và 218 tổ chăm sóc F0 cộng đồng. Cứ 10 trạm y tế và trạm y tế lưu động mỗi nơi sẽ quản lý 100 hộ có F0; những tổ chăm sóc F0 cộng đồng có bác sĩ cũng quản lý được 100 hộ, còn nếu không có bác sĩ, điều dưỡng thì phối hợp với các trạm y tế, trạm y tế lưu động và quản lý được 20 hộ có F0.

Theo bác sĩ Vương Anh Tài, Trưởng phòng Y tế Q.11, thì P.11 (Q.11) cũng được đánh giá vùng cam do có 55 ca dương tính, tính tỷ lệ trên tổng số dân thì cao. Còn với tỷ lệ tiêm chủng, Q.11 tiêm mũi 1 là 100%, mũi 2 gần 100%, mũi 3 là 97 - 98%, nhưng không biết vì sao trên dữ liệu tiêm chủng quốc gia không nhập vào. Q.11 đã liên hệ Trung tâm kiểm soát bệnh tật (HCDC) đề nghị hướng dẫn và cho phép quận nhập lại những trường hợp chưa được đưa vào dữ liệu tiêm chủng quốc gia. Nếu giả sử coi tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt, thì về khả năng đáp ứng về y tế của quận rất cao, quận có 2 khu cách ly tổng cộng đến 900 giường. Nên cộng cả số ca mắc mới, tiêm vắc xin và khả năng đáp ứng của quận thì P.11 chỉ ở cấp độ 2 - vùng vàng.

Về cách tính số ca mắc mới, theo bác sĩ Tài, HCDC tính luôn số ca đi xét nghiệm ở các BV khác (do các BV báo về HCDC) cộng với số ca quận, huyện báo lên nhưng hiện HCDC cũng chưa cập nhập số liệu quận báo lên (quy định mới là địa phương test lại một trường hợp người dân báo dương tính thì xem như ca dương tính), nên khi người dân phường nào đó đi xét nghiệm PCR ở BV nhiều thì phường đó số ca cao, còn các phường khác thì không cao dù số ca mắc giữa các phường là gần như tăng ngang nhau.

Covid-19 sáng 3.3: Cả nước 3.709.481 ca | Hà Nội vẫn nối dài “kỷ lục”

Giải quyết tình trạng lấn cấn dữ liệu tiêm chủng

Về vấn đề dữ liệu tiêm chủng, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM Võ Thị Trung Trinh cho biết hiện số liệu đánh giá cấp độ dịch và số liệu tiêm chủng của TP.HCM đang dùng chung dữ liệu của Bộ Y tế. Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng ở các phường không đúng thực tế vì phần mềm của Bộ Y tế tính theo tài khoản của địa điểm tiêm. Ví dụ, một người dân ở Q.10, địa chỉ nhà ở P.9 nhưng qua P.8 tiêm thì kết quả trên hệ thống tính vào tỷ lệ tiêm của P.8.

Trong khi đó, việc tiêm chủng hiện nay khá dễ dàng, người dân có thể đến các điểm tiêm khác nhau để tiêm chứ không nhất thiết phải tiêm tại nơi cư trú. Một bất cập khác của việc tính tỷ lệ tiêm theo tài khoản là người dân từ các tỉnh thành khác đến TP.HCM làm việc, học tập sẽ tính vào tỷ lệ tiêm ở TP.HCM, thay vì các địa phương nơi người dân thường trú.

“Tổng người tiêm thì không sai nhưng khi chia nhỏ ra từng quận, phường thì phường này thì dư, phường kia thì thiếu, nên dẫn đến tình huống có nơi tỷ lệ tiêm chủng cao hơn 100%”, bà Trinh dẫn chứng.

Trước phản ánh của nhiều địa phương về trục trặc này, Sở TT-TT và Sở Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế tính tỷ lệ tiêm theo địa chỉ người dân tiêm, thay vì tính theo tài khoản đơn vị nhập dữ liệu tiêm chủng. Trước lấn cấn của Q.10 về tính tỷ lệ tiêm theo tổng số dân hay độ tuổi, bà Trinh cho biết hiện tỷ lệ tiêm chủng vẫn tính theo độ tuổi, chứ chưa tính theo tổng số dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.