Còn ông Địa ở chợ thì sướng hơn, không đợi mất đồ mà mỗi sáng vẫn được gia chủ mời cà phê, thuốc lá để... lấy hên.
Có ông Địa… làm chứng
Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường thì tập tục thờ ông Địa đầu tiên xuất hiện trong các chùa, trên thờ Phật, dưới thờ Thổ Địa và các miễu bà Chúa Xứ cũng có thờ ông Địa. Vào khoảng giữa thập niên 1950, khi kinh tế phát triển thì người dân bắt đầu thờ ông Địa trong nhà. Chẳng ai biết mặt mũi ông Địa ra sao, nhưng mỗi khi bị mất một vật gì đó thì người ta nghĩ ngay tới ông Địa và nhờ ông giúp đỡ.
Cũng theo ông Tường thì người Việt, người Hoa đều có tục thờ ông Địa, nhưng mỗi dân tộc ông Địa có hình tượng khác nhau. Ví dụ như thần cai quản làng của người Việt là ông Thành hoàng, còn người Hoa thì ông Địa, tức Phước Đức chánh thần, còn gọi là ông Viên ngoại. Vì vậy khi xem phim Tây du ký ta thấy Tề thiên Đại thánh tới đâu cũng gọi Thổ Địa ra để tra hỏi, mỗi khi có yêu quái lộng hành, ức hiếp dân tình. Còn trong dân gian thì khi có chuyện gì khuất tất, tranh cãi, người ta thường đem ông Địa ra để… làm chứng.
Trong nhà ông Địa cũng giống như người quản gia. Đối với người Hoa, hình tượng Thổ Địa là ông viên ngoại hay còn gọi là ông Thần Tài, có hàm râu bạc trắng, tay cầm nén vàng sẵn sàng cho. Còn ông Địa của người Việt là anh nông dân, bụng bự, mặc áo hở ngực hoặc ở trần, tay cầm cái quạt, rất bình dân, ai vái gì cũng được. Ăn thì chuối xiêm, chè xôi nước, là những thứ rẻ tiền nhất.
Đặc biệt, có vùng trước khi cúng ông Địa nải chuối, gia chủ còn bẻ ăn trước một trái vì ông Địa sợ… bị ngộ độc.
Vì sao ông Địa luôn cười?
Lại có câu chuyện cười trong dân gian kể rằng có người lái buôn nọ nhiều lần gạt… ông Địa, vì ông Địa vốn rất dễ dãi, dễ bị châm chọc. Lần đầu đi buôn, anh ta vái ông Địa phù hộ cho trót lọt, sẽ cúng ông Địa “con 2 chân”. Nghe qua, ông Địa tưởng là sẽ được cúng con gà, con vịt. Nhưng rồi sau đó anh ta lật kèo, hẹn lần sau nếu làm ăn thuận lợi sẽ cúng “con 4 chân”. Nhưng rồi con 4 chân (như con heo) anh ta cũng không cúng, mà tiếp tục hẹn lần sau, nhất quá tam, anh ta sẽ cúng “con 8 chân”. Lần này anh ta không khất nữa, mà cúng thiệt “con 8 chân”, đó là con… cua luộc! Thấy mình thua trí gã lái buôn, vì vậy lúc nào ông Địa cũng cười. Chỉ cười thôi chớ chẳng giận hờn ai.
Hình tượng ông Địa trong dân gian rất đa dạng. Đầu tiên là các ông Địa được người dân tưởng tượng ra và nắn bằng đất sét để thờ. Nghĩ sao nắn vậy, thô sơ, không ông nào giống ông nào, nhưng nhiều ông Địa rất độc đáo. Về sau thì có ông Địa được làm bằng gỗ, bằng đất sét nung do thợ thủ công hoặc lò gốm chuyên nghiệp sản xuất hàng loạt, rồi tới ông Địa tráng men. Ngoài ra còn có những mẫu đặc biệt như ông Địa bằng đá ở núi Bửu Long (Đồng Nai). Thậm chí, bây giờ có cả ông Địa hoặc ông Thần Tài được nhập từ Trung Quốc về. Có nơi, trên bàn thờ ông Địa còn có 2 cái chum nhỏ, ngụ ý gánh vàng đổ vào kho.
Thời gian sau này, ở một số gia đình làm nghề kinh doanh, mua bán, nơi thờ ông Địa còn có thêm một dĩa tỏi. Hỏi ra mới biết, vì gia chủ sợ bị mất cắp ông Địa nên mới… trấn bùa bằng dĩa tỏi. Nếu có bị mất cắp thì ông Địa cũng… hết linh. Ở những gia đình làm ăn phát đạt, người ta tin rằng bị mất ông Địa là chuyện rất xui xẻo, vì vậy phải giữ gìn cẩn thận. Có người còn hàn kiếng bít lại vì sợ ông Địa bị “bắt cóc” thì sẽ mất khách hàng và mất luôn người quản gia.
Theo ông Tường thì hình tượng ông Địa rất đa dạng, hàng trăm ông Địa nhưng rất khó tìm được ông Địa giống nhau. Có nhiều tượng ông Địa rất xưa nhưng không đẹp. Ông Địa đẹp có trong dân gian nhưng rất hiếm, vì không làm theo khuôn đúc nên chỉ độc bản. Đa số ông Địa đều cười nhưng cũng có những ông Địa không cười. Ngoài ra, tượng ông Địa bằng đồng cũng là loại hiếm, ngày xưa chỉ có ở các ngôi chùa. Khi đúc tượng Phật còn dư đồng, các chùa đúc thêm tượng ông Địa.
Bình luận (0)