Trước sự kiện bi thảm ở Mỹ ngày 11.9, an ninh cho phép hành khách đi vào sân bay với những chiếc túi chứa mọi thứ mà một người có thể cần cho kỳ nghỉ, bao gồm dao, chất lỏng và nhiều thiết bị điện tử khác nhau. Nhưng kể từ sau vụ khủng bố 11.9, đã có những thay đổi trong quy định an ninh sân bay trên toàn cầu nhằm tránh chất nổ tự chế.
Chất lỏng hiện được phép mang theo trong hành lý xách tay nếu không quá 100 ml (mặc dù, với việc triển khai các máy quét hiện đại hơn, quy tắc này đang bị loại bỏ ở các sân bay lớn), trừ một số trường hợp ngoại lệ hiếm hoi. Đáng chú ý, máy tính xách tay và các thiết bị điện tử khác cũng phải được đưa ra khỏi hành lý xách tay để soi chiếu.
Theo SimpleFly, lý do chính khiến hành khách phải bỏ máy tính xách tay ra khỏi túi là pin và các bộ phận của máy quá dày đặc nên tia X không thể dễ dàng xuyên qua, đặc biệt là với các hệ thống soi chiếu thế hệ cũ. Điều tương tự cũng áp dụng cho dây nguồn và các thiết bị khác như máy tính bảng và máy ảnh.
Việc để máy tính xách tay bên trong túi cũng có thể chặn tầm nhìn của các vật dụng khác có thể gây nguy hiểm. Quét riêng biệt cho phép nhân viên an ninh nhìn rõ các bộ phận bên trong trên màn hình. Trong một số trường hợp nhất định, hành khách có thể được yêu cầu bật máy tính xách tay để chứng minh đang hoạt động.
Hơn nữa, tất cả pin máy tính xách tay đều được làm bằng vật liệu lithium-ion rất dễ cháy. Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã đưa ra cảnh báo về khả năng pin máy tính xách tay bị quá nhiệt nếu được cất giữ trong khoang hàng hóa của máy bay. "Các thiết bị có chứa pin lithium metal hoặc lithium ion (máy tính xách tay, điện thoại thông minh, máy tính bảng…) phải được mang trong hành lý xách tay. Tổ bay được đào tạo để nhận biết và ứng phó với các vụ cháy pin lithium trong cabin. Hành khách nên thông báo ngay cho tổ bay nếu pin hoặc thiết bị lithium của họ quá nóng, giãn nở, bốc khói hoặc cháy", FAA đã nói.
Tuy nhiên, một khi các sân bay trên toàn thế giới áp dụng máy quét thế hệ mới có khả năng kiểm tra hành lý xách tay từ nhiều góc độ như sân bay Milan Linate (LIN), Amsterdam Schiphol (AMS), Rome Fiumicino (FCO), London City (LCY) và Sân bay Eindhoven (EIN)… sự bất tiện khi lấy máy tính xách tay sẽ trở thành quá khứ.
Còn lí do phải cởi giày khi kiểm tra an ninh sân bay bắt nguồn từ vụ tấn công khủng bố do Richard Reid thực hiện vào tháng 12.2001 trên chuyến bay của hãng American Airlines, không lâu sau vụ khủng bố 11.9. Hắn đã cố gắng kích nổ một quả bom giày trên chuyến bay này từ Paris đến Miami.
Phi hành đoàn phát hiện ra vụ việc và máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống Logan ở Boston. Gần 200 hành khách trên chuyến bay không ai bị thương.
Do đó, TSA (Cơ quan An ninh Giao thông Vận tải Mỹ) đã tiến hành khám xét giày để ngăn chặn sự cố trong tương lai. Mặc dù TSA là cơ quan của Mỹ nhưng đây là biện pháp đã được sao chép tại các sân bay ở khắp nơi khác trên thế giới - bao gồm cả ở Anh và nhiều nước châu Âu.
Năm 2006, việc cởi giày trước khi đi qua máy soi chiếu là bắt buộc đối với tất cả hành khách - điều này đã được nới lỏng vào năm 2011 để cho phép trẻ em từ 12 tuổi trở xuống và người lớn từ 75 tuổi trở lên được mang giày.
Theo một khảo sát được thực hiện bởi Hiệp hội Du lịch Mỹ, 37% hành khách đi máy bay coi việc cởi giày tại sân bay là khía cạnh không hài lòng nhất trong trải nghiệm bay.
Geoff Freeman, Phó chủ tịch điều hành của Hiệp hội Du lịch Mỹ cho biết trên CNN: "Vấn đề cởi giày đối với hành khách là minh chứng cho sự kém hiệu quả và thiếu sáng tạo trong hệ thống soi chiếu ngày nay. Nếu chúng ta tập trung vào việc đó, chúng ta có thể giúp mọi người giữ đôi giày của họ trên đôi chân".
Bình luận (0)