Chúng ta đều biết, khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) là thông lệ phổ biến mà các quốc gia áp dụng để bảo vệ sản xuất trong nước khi có dấu hiệu bất thường về lượng và giá bán của hàng nhập khẩu. Cuối tháng 2 vừa rồi, Mỹ đã cảnh báo Trung Quốc rằng Mỹ và các đồng minh sẽ hành động nếu Trung Quốc cố gắng giảm bớt vấn đề dư thừa công suất công nghiệp bằng cách bán phá giá hàng hóa trên thị trường quốc tế. Trước đó, EU đã tiến hành một cuộc điều tra chống trợ cấp đối với ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Tại VN, từ đầu năm tới đây, lượng thép HRC nhập khẩu đã vượt cả lượng sản xuất trong nước và đó là lý do một số doanh nghiệp (DN) sản xuất thép HRC trong nước đã có đơn đề nghị điều tra CBPG với thép nhập.
Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu không có sự phản đối khởi động điều tra CBPG của một số DN khác. Xin được nhắc lại là, đây mới chỉ là đề nghị điều tra xem có hay không việc bán phá giá thép ngoại vào VN, và dựa trên kết quả điều tra mới quyết định có áp thuế CBPG hay không. Chính vì thế, việc phản đối khởi động một cuộc điều tra mà hầu hết các nước trên thế giới đều đã và đang thực hiện để bảo vệ nền sản xuất trong nước khiến nhiều người khó hiểu.
Thực tế, hàng Việt khi xuất khẩu cũng đối mặt với hàng loạt vụ kiện CBPG. Thế nhưng ở chiều ngược lại, những vụ điều tra hay áp thuế của VN với hàng nhập ngoại vẫn còn khiêm tốn. Cũng vì thế, nhiều DN gặp khó khăn ngay trên chính sân nhà khi phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ, chất lượng kém. Chúng ta đã chứng kiến có thời điểm thịt gà nhập chỉ chục ngàn một ký, một mức giá không tưởng khiến ngành chăn nuôi gia cầm nội địa điêu đứng. Tương tự, quần áo ngoại nhập thống lĩnh phân khúc giá rẻ tại nội địa mà VN, dù là nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới, cũng bất lực.
Nhưng những nghịch lý này chỉ nên xảy ra ở thời điểm chúng ta mới hội nhập, hàng rào kỹ thuật trong nước chưa hoàn thiện, pháp luật liên quan đến vấn đề này còn thiếu. Còn giờ chúng ta đã tham gia WTO gần 2 thập kỷ. Về chủ quan, hành lang pháp lý, kinh nghiệm của chúng ta đã có. Nội lực của hàng Việt đã được củng cố về cả số lượng và chất lượng. Về khách quan, nếu để hàng ngoại nhập giá rẻ tràn vào nội địa có thể dẫn đến nguy cơ mượn xuất xứ để bán qua các thị trường khác như đã từng xảy ra, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của hàng Việt.
Trở lại với câu chuyện của thép, đây là mặt hàng thường được tiến hành điều tra CBPG ở cả VN và từ các quốc gia. Theo thống kê, có 27 vụ việc yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp CBPG với thép HRC được khởi xướng những năm gần đây và Trung Quốc chiếm nhiều nhất. Trong khi đó, những dấu hiệu bán phá giá như lượng thép HRC nhập khẩu tăng mạnh, sản lượng thép nội giảm, giá bán thấp hơn giá thành sản xuất... đều có số liệu cụ thể, rõ ràng. Tất cả đã đủ để khởi động một cuộc điều tra xem thép HRC Trung Quốc có bán phá giá vào thị trường VN hay không.
Chưa kể về nguyên tắc, không phải cứ điều tra là sẽ đi đến áp dụng thuế CBPG hay áp thuế tự vệ. Tuy nhiên, qua điều tra, các cơ quan quản lý sẽ có những phác thảo rõ ràng và chính xác về hiện trạng sản xuất trong nước và hoạt động xuất nhập khẩu. Từ đó có các chính sách phù hợp để quản lý sản xuất, xuất nhập khẩu, tạo dựng một nền kinh tế vững mạnh và không bị chảy máu ngoại tệ.
Vậy thì có lý do gì mà phải ngại khởi động điều tra CBPG với thép HRC để bảo vệ người tiêu dùng và ngành sản xuất trong nước?
Bình luận (0)