(TNO) Một người được xác định có liên hệ với các nhóm Thánh chiến Hồi giáo chưa chắc bị đặt dưới sự giám sát 24/24 của an ninh Pháp, và nhiều khả năng các nghi phạm lợi dụng khe hở này để thực hiện vụ thảm sát Charlie Hebdo, AFP dẫn lời các chuyên gia.
Hai nghi phạm vụ tấn công tuần báo châm biếm Charlie Hebdo - Ảnh: Reuters
|
Các chuyên gia tình báo nhận định phát hiện phần tử quá khích là nhiệm vụ dễ dàng, nhưng liên tục theo dõi từng đường đi nước bước của họ là điều gần như không thể.
“Không phải cứ hễ bị phát hiện là bạn bị giám sát vĩnh viễn”, ông Eric Denece, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tình báo Pháp, cho hay.
Hôm 7.1, Cherif Kouachi, 32 tuổi, cùng anh trai Said, 34 tuổi, được cho là đã tiến hành vụ thảm sát tại tòa soạn tuần báo châm biếm Charlie Hebdo ở Paris, khiến 12 người chết.
Cherif từng ngồi tù vì tội đưa các tay súng sang Iraq và tên người này từng được nhắc đến trong vụ cướp ngục giải cứu bất thành phiến quân Hồi giáo Smain Ait Ali Belkacem hồi năm 2010, theo AFP. Smain Ait Ali Belkacem bị kết án chung thân về tội đánh bom tàu điện hồi năm 1995 ở Paris.
Sau vụ thảm sát Charlie Hebdo, nhiều người đặt câu hỏi thắc mắc vì sao tín đồ Hồi giáo có quá khứ không minh bạch và khét tiếng với giới tình báo Pháp như vậy lại có thể sắm được một khẩu AK, rồi thực hiện một vụ thảm sát đẫm máu tại nơi được cảnh sát bảo vệ nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, ông Denece biện hộ rằng nhà chức trách không thể theo dõi toàn bộ các nghi phạm suốt được.
“Tới một lúc nào đó thì việc giám sát phải dừng lại, đặc biệt là trong trường hợp các nghi phạm đã đủ khôn ngoan để hành động cẩn thận trong một thời gian. Đó là những lỗ hổng không tránh khỏi trong hệ thống”, chuyên gia an ninh này cho hay.
Hôm 8.1, Thủ tướng Pháp Manuel Valls phát biểu mặc dù “các cá nhân này hầu như đều bị giám sát, nhưng trên đời không có chuyện không xảy ra rủi ro” khi có đe dọa tấn công.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve thì xác nhận các nghi phạm vụ tấn công tờ Charlie Hebdo đều bị “giám sát”, nhưng “đã không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ có một cuộc tấn công được thực hiện”.
Nguồn tin từ cảnh sát Pháp của AFP cho biết Cherif gần đây không ra nước ngoài và 2 anh em nghi phạm này không bị đặt dưới chế độ theo dõi “đối với các đối tượng có thể ra tay hành động”.
Pháp giám sát các phần tử cực đoan như thế nào?
Một thành viên cảnh sát đặc nhiệm Pháp tham gia chiến dịch truy lùng nghi phạm vụ tấn công Charlie Hebdo ở vùng đông bắc Pháp - Ảnh: Reuters
|
Lực lượng cảnh sát có nhiệm vụ lùng tìm những người đã rời quê nhà đi tham chiến và những phần tử đã bị cực đoan hóa quay về từ chiến trường hiện rất nhiều.
“Dĩ nhiên là chúng tôi không có các phương tiện để theo dõi vĩnh viễn những người này. Nên việc của chúng tôi là tạo ra các danh sách”, một quan chức giấu tên làm việc trong ngành chống khủng bố Pháp nói với AFP.
Những ai có vẻ là nguy hiểm bậc nhất, những người có khả năng ra tay cao nhất, sẽ bị giám sát vĩnh viễn. Đối với những đối tượng khác, ít có khả năng hơn, thì sẽ được xử lý tùy theo nguồn lực”, ông này nói.
“Danh sách này đang không ngừng biến động, một số thì tăng khả năng hành động, số khác thì giảm. Yêu cầu ở đây là phải có được những cái tên chính xác đúng thời điểm và điều này không dễ dàng gì”, quan chức giấu tên của Pháp cho biết.
Một chuyên gia chống khủng bố giấu tên của Pháp nhận định: “Để theo dõi 24/24 một nghi phạm dùng từ 3 đến 4 điện thoại di động khác nhau, thì cần phải có 30 cảnh sát. Vậy bạn sẽ phải làm gì? Giải pháp duy nhất là tạo ra một danh sách ưu tiên”.
Bình luận (0)