Lượng phim ngoại chiếu rạp nhiều gấp 5 lần phim Việt
Theo thống kê đưa ra tại Hội thảo thúc đẩy điện ảnh Việt hậu Covid-19, giai đoạn trước dịch Covid-19, số lượng phim Việt Nam phát hành tại rạp là khoảng 40 phim. Trong khi đối với phim nước ngoài, con số này xấp xỉ 220 phim, tức gấp hơn 5 lần. Trong giai đoạn từ 2016 - 2019, thị phần phim Việt tính theo số lượng phim dao động từ 14,5 - 21%, còn nếu tính theo doanh thu thì thị phần ở mức 19,7 - 29,9%. Riêng năm 2019 được đánh giá là một năm đầy khởi sắc của điện ảnh nước nhà thì tổng doanh thu 1.253 tỉ đồng vẫn thua kém nhiều so với phim ngoại quốc (2.895 tỉ đồng). Đứng đầu doanh thu phòng vé năm đó cũng là bom tấn nước ngoài The Avengers: Endgame khi thu về 290 tỉ đồng.
Avengers: Endgame là phim nước ngoài có doanh thu cao nhất tại Việt Nam |
DISNEY |
Những con số trên cho thấy rõ phim nước ngoài chiếm ưu thế tại các rạp chiếu đã nhiều năm nay. Nếu không may đụng thời gian chiếu với những “người khổng lồ” thì phim Việt hoàn toàn không có sức cạnh tranh. Tiền lệ này từng xảy ra vào dịp lễ 30.4 năm 2018 khi Lật mặt 3 và 100 ngày bên em chiếu trùng với bom tấn nhà Marvel Avengers: Infinity war. Ở CGV - đơn vị phát hành phim và chuỗi rạp lớn nhất Việt Nam, Avengers: Infinity War khi đó chiếm 60 - 70% số suất mỗi ngày. Vì vậy, phim Việt chỉ biết ngậm ngùi lỗ vốn.
Bố già là phim Việt duy nhất vượt mặt doanh thu loạt bom tấn Avengers |
Tuy nhiên khi nhìn nhận một cách thẳng thắn, khán giả từng phải trải qua một thời gian dài mất lòng tin trầm trọng vào nền điện ảnh nước nhà khi phần lớn những phim ra rạp đều là phim hài rẻ tiền hoặc phim tình cảm kiểu “mì ăn liền”. Mặt bằng chất lượng phim Việt Nam chỉ mới được cải thiện trong khoảng 5 năm đổ lại đây, trồi sụt cũng rất bất thường. Trong khi đó, điện ảnh Mỹ và Hàn đang trên đà “xưng bá” với tốc độ lan tỏa chóng mặt.
Sang 2020, điện ảnh Việt nhen nhóm lấy lại lợi thế do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới trong khi Việt Nam kiểm soát được tình hình ổn định. Hàng loạt bom tấn quốc tế hoãn chiếu đã nhường chỗ cho phim nội địa được tỏa sáng. Tính trong cả hai năm 2020 và 2021, chỉ có vài bom tấn ngoại được chiếu như: Birds of prey, Mulan, Tenet, Wonder woman 1984, Godzilla vs Kong, Raya và rồng thần cuối cùng… nhưng đều thua sút sức nóng so với những “hàng nội địa” Bố già, Tiệc trăng máu, Gái già lắm chiêu hay Lật mặt: 48h…
Wonder Woman rất được mong chờ trong năm 2020 nhưng lại thành "bom xịt" |
WARNER BROS |
Hành động, giật gân: Thế mạnh khó đánh bại của phim ngoại
Nhìn chung, khán giả Việt Nam rất ưa chuộng thể loại phim giải trí hành động, siêu anh hùng. Đây là dòng phim đòi hỏi nguồn kinh phí khổng lồ cho dàn dựng, kỹ xảo. Với một nền điện ảnh non trẻ và còn khó khăn trăm bề, phim Việt thuộc thể loại này khó lòng làm hài lòng người xem. Vì vậy, khán giả luôn ưu tiên thưởng thức phim hành động nước ngoài. Chưa kể, các hãng phim lớn của Mỹ đã sớm xây dựng được dòng phim thương hiệu hái ra tiền trên khắp thế giới.
Loạt phim Fast & Furious vẫn rất ăn khách tại Việt Nam sau 8 phần phim |
universal |
Những nhân vật hoạt hình của Pixar-Disney mê hoặc đối tượng khán giả nhi đồng lẫn người lớn |
disney |
Thay vì làm các phim đơn lẻ, họ thực hiện một loạt phim với hệ thống nhân vật có liên đới và kiến tạo cả một “vũ trụ điện ảnh” thay phiên nhau ra phim như gà đẻ trứng. Những bom tấn siêu anh hùng của Marvel, DC Warner Bros, loạt Fast & Furios, loạt 007, X-Men, Star Wars và các nhân vật hoạt hình Disney là những thương hiệu bảo chứng. Những thương hiệu giúp trấn an khán giả rằng họ sẽ được xem một bộ phim chất lượng trung bình trở lên, hiếm khi là thảm họa. Bởi lẽ, người xem sẽ thấy an tâm hơn với số tiền họ bỏ ra để mua vé.
Bên cạnh các phim thương hiệu của Mỹ, điện ảnh Hàn Quốc cũng đang chiếm thế thượng phong tại thị trường Việt Nam. Ở lĩnh vực truyền hình, thế mạnh của Hàn Quốc vẫn là phim tình cảm. Nhưng với phim điện ảnh, các phim hành động, giật gân lại vô cùng ăn khách. Tiêu biểu nhất thời gian gần đây có thể kể đến trường hợp của phim Peninsula. Được “trình làng” vào 24.7.2020, bom tấn xác sống của Hàn Quốc "càn quét" rạp chiếu và thu về doanh thu ấn tượng hơn 85 tỉ đồng bất chấp dịch Covid-19. Phim đứng vị trí số 2 trong top 10 phim có doanh thu cao nhất nửa đầu năm 2020, chỉ sau Gái già lắm chiêu 3. Peninsula cũng là phim điện ảnh Hàn có doanh thu cao nhất tại Việt Nam.
Peninsula dù bị chê nhưng vẫn khiến khán giả tò mò ra rạp |
IMDB |
Dòng phim nghệ thuật của xứ kim chi cũng đang dần được khán giả Việt quan tâm. Điều này khởi nguồn từ chiến thắng mang niềm tự hào châu Á của Ký sinh trùng trên khắp các mặt trận giải thưởng hàn lâm quốc tế. Khi được công chiếu ở Việt Nam, Ký sinh trùng (Parasite) thu về 73,5 tỉ đồng. Những phim như: Điều ba mẹ không kể (doanh thu 34 tỉ đồng), Lối thoát trên không (20 tỉ đồng), Kẻ xâm nhập (14 tỉ đồng)… cũng là những phim rất ăn khách tại nước ta trong những năm qua.
Parasite vừa mang tính giải trí, vừa có giá trị nghệ thuật cao nên được khán giả Việt Nam yêu thích |
IMDB |
Bên cạnh Mỹ và Hàn, Thái Lan cũng là đối thủ cạnh tranh mới nổi của phim Việt. Kể từ sau Thiên tài bất hảo (2017) ra mắt và thu về 24 tỉ đồng tại thị trường Việt Nam, phim Thái dần được đối tượng khán giả trẻ yêu thích và lựa chọn khi ra rạp. Năm 2019, phim tình cảm hài Friend Zone trở thành phim Thái có doanh thu cao nhất mọi thời đại, thu 53 tỉ đồng tại Việt Nam. Hè 2020, giới mộ điệu điện ảnh ngạc nhiên khi phim ma hài nhảm Pee Mak của Thái Lan có doanh thu trên 30 tỉ đồng, vượt xa doanh thu của bộ phim giật gân Việt Nam Bằng chứng vô hình khi cùng công chiếu. Trong năm 2021, Lừa đểu gặp lừa đảo của Thái Lan cũng khá thành công tại nước ta khi đạt doanh thu trên 26 tỉ đồng.
Phim Thái Lan cũng đang được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam |
NETFLIX |
Nhà phát hành có ưu ái phim ngoại?
Thực tế, doanh nghiệp nước ngoài đang giữ miếng bánh lớn trên thị trường chiếu và phát hành phim. Khi ngành công nghiệp điện ảnh nước nhà được xã hội hóa, các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc đã nhanh chóng đầu tư và làm bá chủ trong lĩnh vực này. Hiện tại, có bốn ông lớn trong ngành là CGV, Lotte, BHD và Galaxy. Trong đó, CGV và Lotte đều do Hàn Quốc sở hữu và nắm thị phần lớn. Khi hoạt động tại thị trường Việt Nam, tất nhiên ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp nước ngoài vẫn là phải tối đa hóa lợi nhuận. Nếu phim không ăn khách, họ buộc phải cắt giảm, hủy suất chiếu để dành cho các phim ăn khách hơn. Vòng đời của một bộ phim bị ảnh hưởng trực tiếp do quy luật cung cầu. Ngay cả đối với doanh nghiệp phát hành do người Việt làm chủ thì vẫn phải ưu tiên vận hành theo cơ chế này để tồn tại và cạnh tranh.
Bàn về vấn đề này, đại diện của BHD cho biết: “Do chưa có một chế tài nào từ các văn bản luật để điều chỉnh về suất chiếu sao cho có lợi cho phim Việt nên hiện tại thị trường vận hành theo cách phim nào có khán giả phim đó sẽ được ưu tiên, điều đó cũng tạo nên sự yếu thế của phim Việt do số lượng phim Việt Nam ít, và khán giả thì yêu thích tính giải trí của các bộ phim nước ngoài hơn, đặc biệt là các phim của những studio lớn của Mỹ”.
Black Widow là một trong hàng loạt bom tấn nước ngoài sẽ quay trở lại vào cuối năm nay sau 4 tháng rạp phim phải đóng cửa do giãn cách xã hội |
DISNEY |
Tuy nhiên nếu tiếp tục thả nổi theo quy luật thị trường thì phim Việt rất có nguy cơ sẽ còn bị “nuốt chửng” dài dài bởi phim nước ngoài. Bởi nước ta có một nền điện ảnh còn non trẻ, thiếu thốn quá nhiều về nhân lực, vật lực nên đường đua này không hề cân sức. Song, phim Việt cũng chưa nhận được chính sách bảo trợ từ phía nhà nước như cách mà Hàn Quốc, Trung Quốc đã thực hiện để tối ưu hóa sân chơi cho điện ảnh nước họ. Dịch Covid-19 càng về sau sẽ càng có tác động đến sự lựa chọn phim của khán giả. Nếu như lúc trước, họ sẵn sàng bỏ tiền để xem nhiều phim, thì sau đại dịch, người xem nhiều khả năng chỉ chọn một để tiết kiệm. Và khả năng lớn là các phim bom tấn nước ngoài sẽ được ưu tiên.
Bình luận (0)