Những hình ảnh quen thuộc đã trở lại trong mùa tuyển sinh lớp 1 năm nay tại Trường tiểu học Thực hành thuộc Trường ĐH Sài Gòn. Sáng sớm ngày 17.6.2024, hàng trăm phụ huynh đã xếp hàng dài trước cổng trường tiểu học này để chờ mua hồ sơ lớp 1 cho con. Năm học 2024-2025, trường chỉ tuyển 150 học sinh lớp 1 nhưng số phụ huynh có nhu cầu cho con vào trường là rất lớn. Để "chắc ăn", nhiều thành viên trong gia đình đã thay phiên nhau xếp hàng từ đêm 16.6 để có được những vị trí đầu tiên chờ nhận được bộ hồ sơ vào lớp 1 cho con.
Một số ý kiến phụ huynh cho rằng "Vì sao phụ huynh phải cực khổ như vậy, có năng lực thì học đâu chẳng được". "Phổ cập giáo dục tiểu học, trẻ đến tuổi là đủ chỗ học lớp 1, được phân tuyến bằng tuyển sinh trực tuyến của Sở GD-ĐT TP.HCM, đâu phải xếp hàng". Hay có người nêu quan điểm "Con học trường làng thì vẫn thành công".
Vậy, vì sao nhiều phụ huynh ở TP.HCM vẫn sẵn sàng xếp hàng dài hơn 10 tiếng đồng hồ để mua hồ sơ lớp 1 cho con vào trường này? Ý kiến của phụ huynh đang (hoặc đã) con học trường này nói gì?
"Cái gì cũng có cái giá của nó"
Anh T.K, một phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Thực hành thuộc Trường ĐH Sài Gòn, cho biết: "Cái gì cũng có cái giá của nó. Đúng vậy, cái gì cũng có cái giá trị riêng, giá trị ở mức nào thì tùy vào mục tiêu, định hướng và quy chuẩn của mỗi gia đình trong việc nuôi dạy và lựa chọn môi trường học tập cho con. Cá nhân mình có con đang theo học tại trường, tới thời điểm hiện tại, mình chưa bao giờ thấy hối hận khi đã bỏ công đi xếp hàng và chạy bao nhiêu bận lo thủ tục giấy tờ để con được trúng tuyển".
Anh T.K không đưa các lý do về học phí và nội dung học tập, vì phần này đã theo chuẩn. Tuy nhiên, lý do anh sẵn sàng xếp hàng để con được học ở trường này, theo anh: Mô hình trường tiên tiến hội nhập, sĩ số lớp không quá 35 bạn. Văn minh và văn hóa tôn trọng lẫn nhau. Các thầy cô và bảo mẫu trường tôn trọng phụ huynh. Bất cứ thời điểm nào phụ huynh liên hệ, đều được hỗ trợ và hồi đáp đàng hoàng. Sự kết nối giữa thầy cô và phụ huynh cao.
"Các thầy cô đều trẻ và tận tâm. Con mình đi học, lỡ bị bạn làm té là cô liên hệ chia sẻ và xin lỗi liền. Con học ở lớp, tình hình học tập như thế nào đều được cô chủ động cập nhật. Bài vở của con luôn được cô giám sát và thông báo cho phụ huynh kỹ lưỡng. Phương pháp giảng dạy sáng tạo. Bất cứ thông báo, báo bài hay nội dung gì đều được thầy cô thiết kế rất bắt mắt và sáng tạo. Ngày đầu tiên đi nhận lớp, phụ huynh bất ngờ vì sự chu đáo của các cô chuẩn bị cho con. Con mình đi học, ngày nào cũng vui vẻ đến lớp, chưa bao giờ thấy con than vãn gì về cô hay trường lớp. Thậm chí, hỏi con có thích đi học không? Dạ có, đi học vui, ở nhà chán lắm", phụ huynh T.K cho biết.
Anh cũng nêu thêm một số lý do khác, như các khoản thu đều có phiếu báo rõ ràng và minh bạch. Môi trường học tập văn minh. Phụ huynh đa số đều có sự đầu tư cho con về ngoại ngữ, kỹ năng cũng như các môn năng khiếu. Các con có môi trường để học hỏi lẫn nhau và cùng nhau phát triển toàn diện. Nhà vệ sinh sạch sẽ. Chất lượng bữa ăn ổn.
Đáng chú ý, anh T.K cũng nêu tới lý do quan trọng khác là học sinh không áp lực bài vở và không học thêm. "Thấy con đi học, nhẹ nhàng và thoải mái như đi học mầm non vậy. Đến kỳ thi học kỳ, thì cô có gửi đề ôn thi, còn lại trong năm học, không có bài tập về nhà nên con đi học về rất thoải mái. Mình bận, mình có hỏi cô có nhận dạy bé ngoài giờ không? Cô nói là cô không dạy thêm các bạn trong lớp, để đảm bảo công bằng cho tất cả các bạn".
"Trường mới thành lập từ 2019, chắc chắn sẽ có điểm mạnh và những điểm cần cải thiện. Con học ở trường công, nhưng sự chăm sóc và chất lượng con mình nhận được không thua kém gì các trường tư/quốc tế… Con đi học có môi trường tốt, học vui, ba mẹ không phải bận tâm nhiều. Như vậy là đủ với gia đình mình", phụ huynh này chia sẻ thêm.
Nhiều ý kiến phản biện môi trường học tập
Trong cộng đồng phụ huynh học sinh Trường tiểu học Thực hành thuộc Trường ĐH Sài Gòn với hơn 4.500 thành viên trên mạng xã hội, một số phụ huynh nêu quan điểm về việc vì sao phụ huynh sẵn lòng xếp hàng để mua hồ sơ lớp 1 ngôi trường này.
Một phụ huynh tên H.X cho biết: "Môi trường là yếu tố đầu tiên hình thành nên một đứa trẻ tương lai... Những người chịu khó xếp là những người thực sự quan tâm tới giáo dục một đứa trẻ , biết khó khăn mà vẫn làm vì con. Mình rất tôn trọng và nể phục người cha, người mẹ ngồi xếp hàng ấy".
Ở phương diện khác, vẫn có một số phụ huynh nêu ý kiến riêng về trường như "cơ sở vật chất cũ", "chất lượng món ăn bán trú tùy khẩu vị nhưng ở mức tạm chấp nhận", "cô giáo và bảo mẫu vẫn la mắng các bạn như bình thường. Không phải tiên tiến (trường tiên tiến, hội nhập quốc tế - PV) là nhìn nhau cười cả ngày nha phụ huynh. Một bạn làm sai cả lớp nghe la, y như hồi mình đi học vậy đó".
Quyết tâm đưa con vào trường có chất lượng là điều dễ hiểu
Trao đổi với PV Thanh Niên, tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền, cố vấn xây dựng chương trình giáo dục phổ thông ở các trường ngoài công lập ở Việt Nam, cho rằng có nhiều lý do để phụ huynh sẵn sàng xếp hàng từ đêm, để mong cho con trúng tuyển lớp 1 một ngôi trường được đánh giá là tốt. Trong đó bao gồm cả lý do học phí. Trường tốt, vị trí thuận tiện, học phí thấp, nên kể cả gia đình có điều kiện vẫn muốn đưa con vào.
"Chất lượng các trường học nói chung hiện nay trên thị trường bao gồm cả hệ thống trường công lập lẫn tư thục đều có sự chênh lệch rõ. Điều đó dẫn đến việc các trường tốt (cả công lập và tư thục) đều thu hút phụ huynh và họ sẵn sàng đầu tư cả thời gian, công sức để nộp hồ sơ vào, thậm chí gửi con vào các lớp luyện thi để vượt qua bài đánh giá đầu vào của các trường tư nổi tiếng. Phụ huynh Việt Nam rất coi trọng việc học của con và tin rằng giáo dục nhà trường đóng vai trò quyết định trong thành công học thuật của trẻ, do đó, quyết tâm cho con vào các trường có chất lượng tốt là dễ hiểu", tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền nói.
Những thách thức lớn hơn trong xã hội hiện đại
Thạc sĩ Trần Công Thái, Phó hiệu trưởng Hệ thống Pathway Tuệ Đức Q.7, TP.HCM, cho rằng vấn đề phụ huynh đợi, xếp hàng từ đêm để mua hồ sơ cho con vào học lớp 1 phản ánh một số thực tế và cả những mặt thách thức trong giáo dục hiện nay.
Đầu tiên, đó là áp lực và cạnh tranh quá mức. Số lượng hồ sơ có hạn so với số lượng phụ huynh quan tâm. Hiện tượng này cũng thể hiện sự tôn trọng và kỳ vọng cao của phụ huynh đối với những trường có uy tín hoặc được coi là "trường vàng", "trường điểm". Phụ huynh quan tâm sâu sắc đến việc giáo dục và phát triển của con cái, có thể đặt quá nhiều hy vọng vào việc con mình học tại những nơi này.
Hiện tượng xếp hàng, chen chân chờ mua hồ sơ vào lớp 1 cho con cũng có thể phản ánh tình trạng thiếu hụt nơi học, cơ sở vật chất trong hệ thống giáo dục chưa phát triển đồng đều.
Thạc sĩ Trần Công Thái cho rằng: "Cần thiết phải cân nhắc lại giá trị giáo dục. Chúng ta có thể đặt câu hỏi liệu việc chọn trường học có nên dựa trên tiêu chí "trường tốt, trường điểm sẽ giúp con thành công hơn" hay không. Giáo dục là một quá trình phát triển toàn diện của con người, cần phải xem xét không chỉ về mặt học thuật mà còn về mặt giáo dục đạo đức, kỹ năng sống và sự phát triển tinh thần. Việc phụ huynh phải đợi từ đêm, xếp hàng từ đêm để mua hồ sơ cho con vào học lớp 1 không chỉ đơn thuần là một vấn đề cá nhân hay gia đình mà còn là một dấu hiệu của những thách thức lớn hơn trong hệ thống giáo dục và xã hội hiện đại".
Theo quan điểm của nhà giáo dục trên, cần có những giải pháp cấp bách để cải thiện tình trạng này, nhằm đảm bảo quyền lợi giáo dục cơ bản và bình đẳng cho tất cả trẻ em. "Tuy nhiên, cũng cần nhận thức rằng mỗi trường hợp có thể có những động lực và yêu cầu riêng biệt, và sự chọn lựa của phụ huynh cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố cá nhân và gia đình. Quan trọng là các tổ chức giáo dục và các nhà quản lý giáo dục cần phải đáp ứng được những mong đợi này một cách công bằng và hiệu quả, để hỗ trợ sự phát triển toàn diện của các thế hệ trẻ trong xã hội", thạc sĩ Trần Công Thái nói.
Bình luận (0)