Chậm từ chuẩn bị, thủ tục đến giải ngân
Báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội (QH) cho thấy, sau 2 năm triển khai, các chính sách tại Nghị quyết 43 đã góp phần thực hiện "mục tiêu kép", hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, giúp phục hồi và phát triển nền kinh tế sau đại dịch. Tuy vậy, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế khiến kết quả không thể đạt như kỳ vọng, phần lớn xoay quanh chữ "chậm".
Theo đó, công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án chậm, chưa đảm bảo tính sẵn sàng để thực hiện, giải ngân vốn; danh mục dự án trình QH không sát thực tế, phải điều chỉnh nhiều so với dự kiến; việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ vốn còn chậm trễ. Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn nhiều dự án cũng không bảo đảm thời hạn quy định trong 2 năm 2022 - 2023; đặc biệt, các dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin có tiến độ rất chậm nên Chính phủ đã kiến nghị và được QH chấp thuận, cho kéo dài thời gian thực hiện.
Báo cáo giám sát chỉ rõ Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB-XH và các địa phương chịu trách nhiệm trong công tác tham mưu, đề xuất danh mục và mức vốn dự kiến bố trí cho một số dự án trình QH chưa sát với thực tiễn, thiếu tính khả thi. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ người dân, người lao động tại một số địa phương còn chậm, lúng túng; việc thẩm định và giải quyết chi trả kinh phí hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng gặp nhiều khó khăn, chậm so với yêu cầu đề ra…
Hệ quả, nhiều chính sách không đạt mục tiêu đề ra, điển hình như gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm giải ngân rất thấp, chỉ đạt khoảng 3,05% kế hoạch; chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động chỉ đạt 56% kế hoạch, phải chuyển nguồn để thực hiện chính sách khác.
Chậm ban hành văn bản hướng dẫn, quy định chưa thống nhất dẫn đến lúng túng trong triển khai là một trong những nguyên nhân được đoàn giám sát chỉ rõ. Góp ý thảo luận, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) dẫn chứng 21 văn bản được thống kê tại phụ lục báo cáo thì chỉ có 1 văn bản được ban hành đúng thời hạn, 20 văn bản còn lại chậm và muộn. "Nghị quyết 43 có thời hạn thực hiện trong 2 năm thì mất đúng 1 năm cho công tác ban hành văn bản", ĐB Nga nhấn mạnh.
Theo ĐB Nga, câu chuyện chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã nói nhiều, nhưng đến nay chưa thấy thực sự có chuyển biến rõ rệt. Nghị quyết 43 ra đời trong tình thế cấp bách để giải quyết những vấn đề cấp bách, nhưng việc ban hành các văn bản vẫn chậm như thời gian trước.
'Nước ngoài phát mỗi người 1.500 - 2.000 đô nên đi ngay vào nền kinh tế'
Sợ trách nhiệm lây lan rất nhanh
Cùng với chậm ban hành các văn bản, theo ĐB Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh), tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm là hai rào cản lớn nhất dẫn đến tình trạng trì trệ, giảm hiệu lực, hiệu quả của Nghị quyết 43 nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung.
ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng đùn đẩy, sợ trách nhiệm đã trở thành một loại dịch lan rất nhanh trong đội ngũ người thực thi công vụ trong mọi cấp, mọi ngành suốt từ năm 2022 đến hết năm 2023.
ĐB Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) đặt vấn đề: Nguyên nhân của tình trạng sợ trách nhiệm có phải là vì chưa có cơ chế xử lý, đánh giá cán bộ công chức hay chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung?
Theo ĐB này, cả 2 nguyên nhân đều không phải vì hiện đã có nhiều văn bản của Đảng và của Chính phủ về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và chúng ta đã có Kết luận 14 của Bộ Chính trị, Nghị định 73 của Chính phủ về khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Từ đó, ông Thông kiến nghị QH, Chính phủ có đánh giá một cách căn cơ, tìm đúng nguyên nhân và có giải pháp thật sự hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí: 'Có người cho sợ trách nhiệm là đặc điểm nổi bật của cán bộ, thực sự đau'
Hết giờ, không còn hiệu quả!
ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) nêu vấn đề: "Vừa cấp bách cứu dân vừa phải hỗ trợ doanh nghiệp, phải làm mọi thứ hết, nhưng lại sợ hậu kiểm, sợ sai. Chính điều này làm cho chúng ta khó khăn". Ông dẫn chứng gói hỗ trợ lãi suất 2%, doanh nghiệp cũng rất muốn vay nhưng lại sợ hậu kiểm, không biết quy định như thế nào và liệu có an toàn không.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng Nghị quyết 43 là chính sách được ban hành trong bối cảnh đặc biệt nhưng khi triển khai lại vẫn bắt tuân thủ theo các quy định thông thường của pháp luật. "Trong bối cảnh đặc biệt, chính sách cũng đặc biệt, phải nhanh, phải kịp thời. Chúng ta không có giải pháp về thủ tục rút gọn để triển khai chính sách mà vẫn cứ an toàn, phải đúng thủ tục theo quy định của pháp luật cho nên mới chậm, không hiệu quả", ông Hạ nói.
Báo cáo cuối phiên giám sát, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết phương thức hỗ trợ của chúng ta khác các nước. Trong khi các nước hỗ trợ ngay bằng tiền mặt, mỗi người dân được phát 1.500 - 2.000 USD nên việc hỗ trợ đi ngay vào nền kinh tế, kích thích tiêu dùng thì chúng ta hỗ trợ thông qua chính sách. "Mà chính sách thì phải có văn bản hướng dẫn, rồi lại giám sát, quy trình, thủ tục thì nó hết giờ, không còn hiệu quả. Nhiều khi chúng ta làm xong thủ tục thì vấn đề không còn thời sự nữa", ông Dũng nói.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cũng đồng tình với nhiều ĐB, cho rằng việc triển khai vẫn gặp phải "một rừng vướng mắc". Bộ trưởng Bộ KH-ĐT đề nghị việc phân cấp, phân quyền phải triệt để, kể cả giữa T.Ư và địa phương, giữa QH và Chính phủ. Ông Dũng dẫn ví dụ, các danh mục dự án trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế phải trình đi trình lại nhiều vòng nên mất rất nhiều thời gian, không cần thiết. "QH tập trung làm những vấn đề lớn, quyết sách, thể chế, giám sát. Những vấn đề chi tiết trong điều hành nên giao lại cho Chính phủ thì vấn đề sẽ nhanh mà QH vẫn quản lý được mục tiêu, vẫn giữ được vai trò của mình, không cần đi sâu. Thời gian sẽ rút đi rất nhiều", Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nói.
Đầu tư cần thời gian, trong khi có một rừng thủ tục
Thảo luận tại tổ chiều 25.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá "chương trình phục hồi chưa có tiền lệ".
Trong đó, việc đầu tư hạ tầng cao tốc, chưa có lúc nào cả đất nước như một công trường, toàn bộ các dự án trọng điểm đi qua 45 tỉnh thành. Tuy nhiên, các dự án sau khi làm thủ tục mất 2 năm, bây giờ mới đưa vào làm. "Chậm là đúng, nhưng phải đánh giá nguyên nhân, làm thủ tục, xây dựng dự án đâu thể nhanh, phải tính toán cả", Thủ tướng nêu.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp "có cái được, có cái chưa" như gói 40.000 tỉ đồng. Ban đầu theo hướng "vay, trả", cho vay thì phải có khả năng trả, nhưng sau đó nâng lên một cấp là có khả năng phục hồi, tức là sang đầu tư phát triển, nên cần thời gian dài hơn 2 năm. Cách tiếp cận chưa đúng, chưa trúng với thực tiễn, nên chính sách này không ai dám vay.
"Doanh nghiệp vay có rất nhiều mục tiêu sau dịch, nhưng bắt đánh giá có khả năng phục hồi. Thôi an toàn là em không vay. Bởi vay mà các anh đánh giá em không phục hồi được thì anh lại xử lý em thì em cũng chết. Vậy thôi thà rằng là em ngồi im", Thủ tướng dẫn chứng thực tế và đề nghị Quốc hội cho chuyển phần còn lại từ gói 40.000 tỉ đồng sang Ngân hàng Chính sách xã hội.
Nhìn nhận có những điểm chưa được, song người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh "đánh giá phải bình tĩnh, khách quan và nhìn vào giá trị tổng thể của chương trình", để thấy những quyết định của Quốc hội là đúng đắn, là kịp thời. Đồng thời, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn, là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.
Cụ thể, theo Thủ tướng, việc đầu tư còn chậm do cần thời gian, trong khi có nhiều thủ tục ràng buộc. Chưa kể có hiện tượng sợ trách nhiệm, né tránh đang nhiều là vì thể chế còn vướng mắc nhiều. Do đó, sắp tới Quốc hội và Chính phủ phải tiếp tục tập trung tháo gỡ thể chế.
Với đầu tư cao tốc, hiện cả nước đang làm cao tốc từ Cao Bằng đến mũi Cà Mau, các đường xương cá từ Hà Nội đi Lào Cai, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình... Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng, tháo gỡ khó khăn dần và phải có cơ chế chính sách đặc thù liên quan đến tách giải phóng mặt bằng.
Nhấn mạnh vấn đề quan trọng là con người, tổ chức thực hiện, theo Thủ tướng, nếu chỉ thay thế một vài người trong bộ máy lãnh đạo của một đơn vị thì sẽ thay đổi hẳn theo hướng tích cực. "Thay vì phải làm rất nhiều việc thì chỉ cần làm một việc là thay người, thay một vài người như đường sắt, PVN hay EVN", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng mong Quốc hội ủng hộ việc thực hiện cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, đây là con đường rất chiến lược, tiến đến Tây nguyên cho nhanh nhất.
Có nên gia hạn giải ngân đến hết năm 2025?
Báo cáo gửi đoàn giám sát, Chính phủ đề xuất cho phép kéo dài thời hạn giải ngân các dự án thuộc chương trình phục hồi đến hết năm 2025, ngoài ra đề xuất giảm 2% VAT với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế 10% thêm 6 tháng (tới cuối 2025).
Tuy nhiên, theo ĐB Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách QH, đây là "bài toán cần xem xét thận trọng", vì không cho phép kéo dài sẽ dở dang, lãng phí, nhưng thực tế 107/272 dự án thuộc chương trình có tỷ lệ giải ngân dưới 50%. Bà Mai đề xuất một số dự án có hiệu quả giải ngân thấp và chưa thực hiện nghiêm các quy định liên quan thì có thể hủy dự toán, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.
ĐB Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho rằng chính sách giảm thuế VAT 2% cần cân nhắc, vì một số lĩnh vực "chưa chắc đã cần thiết". Ví dụ người dân đi qua BOT Bắc Thăng Long (Hà Nội) phải trả phí 10.000 đồng, khi được giảm thuế thì chi phí này còn hơn 9.000 đồng. Mức giảm này không khác biệt gì nhiều với người dân, nhưng Nhà nước lại thất thu. Do đó, cần hết sức cân nhắc việc gia hạn chính sách giảm thuế.
Bình luận (0)