Vì sao phương Tây có thể đau đầu một khi Ấn Độ trỗi dậy?

26/02/2023 19:23 GMT+7

Trong một thế giới bị chia rẽ với vô vàn bất định, Ấn Độ đang tìm cách trở thành một siêu cường có thể lấn át Trung Quốc, nhưng đây có thể không phải là tin vui đối với phương Tây.

Tại Hội nghị Tiếng nói Nam bán cầu, một sự kiện trực tuyến do Ấn Độ tổ chức vào tháng 1 vừa qua, New Delhi đã thể hiện tham vọng có thể đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề thế giới. Theo chính phủ Ấn Độ, 125 quốc gia đang phát triển đã tham gia hội nghị, thảo luận về một loạt vấn đề trong 10 phiên, mỗi phiên tập trung vào các lĩnh vực chính sách cụ thể.

"Tiếng nói của quý vị là tiếng nói của Ấn Độ và các ưu tiên của quý vị cũng là ưu tiên của Ấn Độ... Mục đích của chúng tôi là khuếch đại Tiếng nói của Nam bán cầu", Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu trong phiên khai mạc, theo Nikkei Asia.

Ấn Độ cũng đang tìm cách sử dụng vai trò chủ tịch nhóm G20 để nói lên sự bất bình của các quốc gia đang phát triển, nhiều trong số đó đang chật vật vì giá lương thực và năng lượng tăng cao cũng như hứng chịu những tác động của tình trạng nóng lên toàn cầu và căng thẳng địa chính trị.

Vì sao phương Tây có thể đau đầu một khi Ấn Độ trỗi dậy? - Ảnh 1.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhận búa chủ tịch G20 từ Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại Bali hồi tháng 11.2022

REUTERS

Sự trỗi dậy của Ấn Độ

Tham vọng lãnh đạo "Nam bán cầu" của Ấn Độ phản ánh sự tự tin ngày càng tăng của nước này. Với dân số vượt 1,4 tỉ người, Ấn Độ đang trên đà vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất trong năm nay - lần đầu tiên điều này xảy ra kể từ khi Liên Hiệp Quốc bắt đầu theo dõi dữ liệu nhân khẩu học toàn cầu vào những năm 1950.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, vào năm 2022, Ấn Độ có thể đã vượt Anh, "mẫu quốc" trước đây của nước này, về tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đưa quốc gia Nam Á trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. Ngân hàng Phát triển Châu Á dự báo nền kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng với tốc độ chóng mặt 7,2% trong năm nay, cao nhất trong số 46 nền kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ấn Độ vẫn là khách hàng vũ khí lớn của Nga, mua 13 tỉ USD trong 5 năm

Tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ được thúc đẩy bởi xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng đang diễn ra trên toàn cầu, xuất phát từ sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như do đại dịch Covid-19.

Bị thu hút bởi thị trường khổng lồ đầy tiềm năng của Ấn Độ, Apple đã bắt đầu lắp ráp những chiếc iPhone 14 mới nhất của mình tại đây, chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc và các địa điểm khác. Tập đoàn Hon Hai Precision Industry của Đài Loan, được biết đến nhiều hơn với tên Foxconn, đã hợp tác với Vedanta, một tập đoàn tài nguyên thiên nhiên của Ấn Độ, để cùng sản xuất con chip tại Ấn Độ. Theo một cuộc khảo sát của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đối với các công ty nước này trong năm tài khóa 2022, Ấn Độ đứng đầu danh sách các điểm đến khả thi để mở rộng ở nước ngoài, giành lại vị trí đầu bảng lần đầu tiên sau ba năm.

Theo các dự báo, GDP của Ấn Độ sẽ vượt Đức vào năm 2025 và Nhật Bản vào năm 2027 để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Trung Quốc. Thủ tướng Modi đã cam kết đưa Ấn Độ trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2047, khi nước này kỷ niệm 100 năm độc lập.

Ấn Độ cũng là nguồn cung cấp nhân tài hàng đầu trong lĩnh vực chính trị và kinh doanh. Ngành công nghệ Mỹ được hỗ trợ bởi một nhóm chuyên gia công nghệ gốc Ấn, bao gồm Satya Nadella, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Microsoft, và Sundar Pichai, CEO của Alphabet. Các chính trị gia phương Tây nổi tiếng có gốc gác Ấn Độ bao gồm Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và Thủ tướng Anh Rishi Sunak.

Song nỗ lực nâng cao vị thế toàn cầu của New Delhi không phải lúc nào cũng thành công.

Sự thất vọng của phương Tây

Khoảng một năm sau khi đại dịch bắt đầu, Ấn Độ đã phát động chiến dịch xuất khẩu vắc xin sản xuất trong nước để cạnh tranh với "chính sách ngoại giao vắc xin" của Trung Quốc. Song New Delhi đã đột ngột chấm dứt nỗ lực này sau khi bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát Covid nghiêm trọng trong nước, khiến nhiều quốc gia nhận viện trợ cảm thấy bất mãn.

Ấn Độ đã bị nghi ngờ vì nước này không lên án Nga sau khi xung đột ở Ukraine bùng nổ. Việc Ấn Độ miễn cưỡng hợp tác với phương Tây đã khiến một số nước vô cùng thất vọng. Họ biết Nga và Ấn Độ có lịch sử liên minh lâu đời, nhưng họ vẫn khó hiểu tại sao một quốc gia chia sẻ nhiều giá trị và lợi ích chiến lược lại cố giữ khoảng cách với họ trước những hành động của Moscow.

Mùa xuân năm ngoái, các nhà lãnh đạo phương Tây, bao gồm Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã đến thăm Ấn Độ. Tổng thống Mỹ Joe Biden họp trực tuyến khẩn cấp với ông Modi. Tất cả họ đều cố gắng thuyết phục Ấn Độ tham gia liên minh bao gồm các cường quốc phương Tây chống lại Nga.

Vì sao phương Tây có thể đau đầu một khi Ấn Độ trỗi dậy? - Ảnh 2.

Quân nhân tham gia diễu binh Ngày Cộng hòa ở New Delhi hôm 26.1

REUTERS

Vào tháng 9.2022, ông Modi đã khiến mọi người ngạc nhiên khi công kích Tổng thống Nga Vladimir Putin vì xung đột ở Ukraine trong một cuộc gặp song phương được tổ chức bên lề một hội nghị quốc tế ở Uzbekistan. "Ngày nay không phải là thời đại chiến tranh", ông Modi nói với ông Putin trước mặt báo giới.

Song còn quá sớm để cho rằng những lời lẽ cứng rắn của ông Modi xuất phát từ sức ép từ phương Tây. Trên thực tế, Ấn Độ đã tham gia các cuộc tập trận quân sự với Nga vào tháng 8 và tháng 9.2022 và đã bỏ phiếu trắng vào tháng 10 năm đó trong cuộc bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc lên án "sự sáp nhập bất hợp pháp" của Moscow đối với 4 tỉnh vực phía đông và nam của Ukraine.

Sau khi chiến sự xảy ra, Ấn Độ đã đẩy mạnh nhập khẩu dầu thô từ Nga, mua hơn 1 triệu thùng mỗi ngày kể từ tháng 9. Nga trở thành nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất cho Ấn Độ, thay thế Iraq và Ả Rập Xê Út. New Delhi đã từ chối tuân thủ chính sách giá trần đối với dầu Nga, vốn được nhóm G7 thông qua như một phần của lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Moscow. Có thể đúng là Ấn Độ đã không tích cực hỗ trợ "chiến dịch" của Nga ở Ukraine nhưng họ cũng gần như không làm gì để giúp các bên đi đến một thỏa thuận hòa bình.

Ấn Độ nói thỏa thuận dầu với Nga có lợi

Mặc dù vậy, mối quan hệ giữa Ấn Độ với phương Tây không bị tổn hại nghiêm trọng. Thay vào đó, nước này dường như đã tăng cường sự hiện diện của mình trong các vấn đề toàn cầu giữa lúc các quốc gia phương Tây cố gắng hòa giải với New Delhi. Toru Ito, giáo sư tại Học viện Quốc phòng Nhật Bản, nhận định: "Một khi họ nhận ra rằng họ sẽ không thể đưa Ấn Độ vào hàng ngũ của mình, Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đã thay đổi chiến thuật để tránh đẩy nước này về phía bên kia".

"Con đường Ấn Độ"

Không còn nghi ngờ gì nữa, trọng tâm trong chiến lược địa chính trị của Ấn Độ là chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Một cuốn sách do Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar xuất bản vào năm 2020 cung cấp những hiểu biết có giá trị về tư duy chiến lược của đất nước.

Trong cuốn Con đường Ấn Độ: Chiến lược đối với một thế giới bất định, ông Jaishankar viết "Chính sách đối ngoại của Ấn Độ mang ba gánh nặng lớn từ quá khứ", nhắc đến sự kiện "Phân chia năm 1947", khi lãnh thổ do Anh cai trị bị tách thành Ấn Độ và Pakistan. Nhà ngoại giao lập luận rằng việc này đã khiến "đất nước trở nên nhỏ hơn cả về nhân khẩu học và chính trị" đồng thời mang lại cho Trung Quốc "không gian chiến lược lớn hơn ở châu Á".

Vì sao phương Tây có thể đau đầu một khi Ấn Độ trỗi dậy? - Ảnh 3.

Một khu vực tại Ấn Độ gần biên giới với Trung Quốc

GETTY IMAGES

Có thể nói rằng nhận thức của phương Tây về Ấn Độ với tư cách là một thành viên trong khối của họ có thiếu sót ở hai điểm.

Một là, Ấn Độ đã mở rộng quan hệ chiến lược với các nền dân chủ phương Tây thông qua Bộ Tứ và hợp tác với châu Âu để chống lại nỗ lực trên biển của Trung Quốc nhằm bao vây Ấn Độ bằng mạng lưới quân sự và thương mại được gọi là "chuỗi ngọc trai". Song khi nói đến việc chống lại nỗ lực của Trung Quốc trong việc tăng cường ảnh hưởng ở các quốc gia như Pakistan, Afghanistan và Myanmar, quan hệ chiến lược giữa Ấn Độ với phương Tây không mang lại nhiều lợi ích.

Hai là, các quốc gia phương Tây đã đánh giá sai lầm rằng Ấn Độ cũng như họ. Chính phủ Modi, hành động theo chương trình nghị sự dân tộc chủ nghĩa Hindu giáo của đảng Bharatiya Janata cầm quyền, đã thực hiện một loạt biện pháp để trấn áp các nhóm tôn giáo thiểu số trong nước. Vào tháng 8.2019, chính phủ đã thu hồi quyền tự trị hiến định của bang Jammu và Kashmir đang tranh chấp để siết chặt sự kiểm soát đối với khu vực này. Chính phủ cũng đã trao quyền công dân cho những người theo đạo Hindu và những người nhập cư bất hợp pháp khác từ Afghanistan, Bangladesh và Pakistan, nơi đa số dân theo đạo Hồi, trong khi cố gắng loại trừ người Hồi giáo khỏi sổ đăng ký công dân quốc gia.

Trên thực tế, Ấn Độ đã và đang theo đuổi một chính sách ngoại giao riêng biệt, chính sách mang tính "tự chủ chiến lược". Những phản ứng gần đây của họ đối với xung đột Nga - Ukraine và các vấn đề khác chắc hẳn đã khiến các nền dân chủ phương Tây hiểu rằng lợi ích và giá trị chiến lược của quốc gia Nam Á này không phải lúc nào cũng tương đồng với lợi ích và giá trị chiến lược của họ.

Theo một cách nào đó, Hội nghị Tiếng nói Nam bán cầu gợi nhớ đến Hội nghị Bandung năm 1955, sự kiện quy tụ các quốc gia châu Á và châu Phi được tổ chức tại Indonesia. Tuy nhiên, không giống như hội nghị tại Bandung, được tổ chức thông qua sự hợp tác giữa thủ tướng Ấn Độ lúc bấy giờ là Jawaharlal Nehru và thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ là Chu Ân Lai - những vị thủ tướng đầu tiên của hai nước, Hội nghị Tiếng nói Nam bán cầu được tổ chức bởi một mình Ấn Độ. Thực tế rằng hơn 120 quốc gia đã tham gia hội nghị mới đây báo hiệu sức mạnh chính trị và dân số ngày càng tăng của Ấn Độ.

Không giống như Trung Quốc, Ấn Độ luôn tự hào là "nền dân chủ lớn nhất thế giới". Song những hành động của Ấn Độ trong những năm gần đây dường như cho thấy rằng nước này đang rời xa phương Tây khi quyền lực của họ ngày càng lớn. Nếu thế kỷ 21 trở thành thời đại của Ấn Độ, chứ không phải của Trung Quốc, thì phương Tây sẽ phải đối phó với một siêu cường không dễ nhân nhượng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.