Vì sao rừng vẫn liên tục bị thảm sát?: Gần 400 ha rừng bị đốn, chính quyền, kiểm lâm 'ngơ ngác'

11/04/2022 09:09 GMT+7

Tại Đắk Lắk vừa xảy ra vụ phá rừng tự nhiên lên đến 382 ha. Điều đáng quan tâm là vì sao một diện tích rừng “khủng” như vậy đồng loạt bị “thảm sát” nhưng không được phát hiện kịp thời?

Dân biết phá rừng nhưng không dám báo

Khi đang thực hiện loạt bài Vì sao rừng vẫn liên tục bị thảm sát?, PV Thanh Niên nhận thông tin về vụ phá rừng diện tích rất lớn vừa phát hiện tại các tiểu khu 205 và 202 thuộc địa bàn xã Ya Tờ Mốt, H.Ea Súp (Đắk Lắk).

H.Ea Súp là địa bàn xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp đội lốt dự án bảo vệ rừng nhưng vẫn vô sự khi để rừng bị triệt hạ hàng loạt, mà Thanh Niên ngày 6.4 phản ánh trong bài Rừng bị xóa trắng, cán bộ vô can?

Ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk (bìa phải), chỉ đạo lực lượng chức năng xử lý tại hiện trường vụ phá rừng

CTV

PV Thanh Niên đã tiếp cận hiện trường để ghi nhận thực tế vụ phá rừng diện tích rất lớn vừa phát hiện tại các tiểu khu 205 và 202 thuộc địa bàn xã Ya Tờ Mốt. Đường vào các khu rừng này heo hút, xa khu dân cư, cách trung tâm xã Ya Tờ Mốt hơn 20 km. Sau khi đi xe máy len lỏi qua các cánh rừng thuộc địa phận xã Ia R’Vê (giáp xã Ya Tờ Mốt), chúng tôi phải nhờ người chèo thuyền chở qua một con suối và lội bộ vài ki lô mét nữa mới tới điểm bị phá rừng hàng loạt.

Ghi nhận tại tiểu khu 205, hàng ngàn cây rừng lớn nhỏ, đường kính gốc từ 10 - 30 cm, chủ yếu cây họ dầu, bị cưa hạ nằm ngổn ngang. Đa số dấu vết phá rừng còn mới, nhiều cây bị cắt hạ chưa khô nhựa. Trên các vạt rừng, đường mòn, lối nhỏ, dấu vết xe cơ giới in hằn chi chít khắp nơi...

Tại hiện trường rừng bị phá, các đơn vị công an, kiểm lâm cùng lực lượng chức năng địa phương vẫn đang đo đạc, kiểm đếm, phân loại gỗ, đánh dấu từng gốc cây bị cưa hạ. “Diện tích rừng bị phá rất lớn, nhìn hút mắt vẫn chưa hết. Nhiều khả năng đây là vụ phá rừng có chủ đích, có tổ chức. Chúng tôi vào đây đóng quân mấy ngày nay, chia ra 2 tổ để kiểm đếm. Dự kiến, phải mất khoảng một tuần nữa mới xong công việc”, một cán bộ làm nhiệm vụ tại hiện trường nói.

Chúng tôi gặp anh N.V.T, một người dân có vườn rẫy gần tiểu khu 205. Anh T. cho biết từ giữa tháng 3.2022, đêm nằm canh rẫy anh luôn nghe tiếng máy cưa rền vang trong các cánh rừng gần đó. Không lâu sau, anh T. phát hiện rừng bị cưa hạ với diện tích lớn nhưng không dám báo cáo cơ quan chức năng: “Tôi chẳng biết ai phá rừng, nhưng đêm nào cũng nghe tiếng máy cưa. Mấy lần vào lúc chập tối, tôi có gặp nhóm thanh niên tụ tập ăn nhậu trong rừng, nhưng không dám báo chính quyền vì sợ lộ thông tin thì bị trả thù”.

Theo ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, đây là một trong những vụ phá rừng có diện tích lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh này. Do diện tích quá lớn nên ngành kiểm lâm và các cơ quan liên quan phải mất gần cả tuần mới đo đạc, xác định được có 382 ha rừng tại tiểu khu 202 và 205 xã Ya Tờ Mốt bị phá.

Ông Hưng cũng cho biết đơn vị đã báo cáo UBND tỉnh và Sở NN-PTNT để có hướng chỉ đạo, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan; đồng thời chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, xử lý các đối tượng phá rừng.

Nhiều cây rừng bị cưa hạ ở tiểu khu 205 xã Ya Tờ Mốt

HOÀNG BÌNH

Sao lại “không kịp thời phát hiện” ?

Lý giải về việc để xảy ra phá rừng thời gian dài, quy mô lớn trên địa bàn nhưng chính quyền địa phương không hay biết, ông Vũ Văn Quảng, Phó chủ tịch UBND xã Ya Tờ Mốt, cho rằng tiểu khu 205 nằm giáp với xã Ia R’Vê, cách xa trung tâm xã, đường sá đi lại rất khó khăn (!).

Theo ông Quảng, tiểu khu 205 có diện tích hơn 953 ha, trước đây được H.Ea Súp giao cho 4 nhóm hộ nhận quản lý, bảo vệ rừng nhưng không hiệu quả. Năm 2020, H.Ea Súp thu hồi giao về cho UBND xã Ya Tờ Mốt quản lý. Gần đây, Công ty TNHH Đất Vàng Ban Mê xin chủ trương để khảo sát, thực hiện dự án trồng rừng và quản lý bảo vệ rừng, trồng cây ăn trái, cây nông nghiệp tại tiểu khu 205. Trong quá trình công ty này đang khảo sát thì xảy ra vụ phá rừng trên.

Điều đáng nói, việc phá gần 400 ha rừng xảy ra không phải trong một sớm một chiều, nhưng phụ trách bảo vệ rừng trên địa bàn là Hạt Kiểm lâm H.Ea Súp lại không nắm được tình hình.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, đơn vị này nhận được tờ trình ngày 25.3 của Công ty TNHH Đất Vàng Ban Mê về việc có nhiều lâm tặc phá rừng tại các tiểu khu 202, 205, 218 (H.Ea Súp). Đồng thời, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng nhận được thông tin phá rừng trên địa bàn H.Ea Súp do Chi cục Kiểm lâm vùng 4 cung cấp.

Sau khi nhận thông tin trên, ngày 1.4, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo Hạt Kiểm lâm H.Ea Súp phối hợp cùng các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh, và sau đó “bước đầu xác định rừng bị phá với diện tích lớn, vị trí rừng bị phá thuộc các tiểu khu 202, 205 trùng với thông tin cung cấp của Công ty TNHH Đất Vàng Ban Mê”.

Trong một báo cáo mới đây, Hạt Kiểm lâm H.Ea Súp lý giải trong tháng 3, đơn vị có 13/17 người bị nhiễm Covid-19. Một số nhân viên cách ly tại gia đình, một số vì tính chất công việc và nơi làm việc xa nhà phải cách ly tại cơ quan. Do vậy, không đủ nhân lực tiếp cận địa bàn để tuần tra kiểm soát, dẫn đến một số địa bàn xảy ra nhiều vụ vi phạm như khai thác, tàng trữ lâm sản, phá rừng trái pháp luật nhưng không kịp thời phát hiện.

Nhằm làm rõ thêm trách nhiệm quản lý trong việc để xảy ra vụ phá rừng quy mô lớn trên, trong ngày 9.4 PV Thanh Niên nhiều lần liên hệ qua điện thoại để làm việc với ông Nguyễn Như Hoàng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.Ea Súp. Lúc đầu, ông Hoàng nhận cuộc gọi và báo “tôi đang bận việc”. Những cuộc gọi sau, ông Hoàng không bắt máy. (còn tiếp)

Hướng dẫn lâm tặc phá rừng, cán bộ kiểm lâm lãnh án

Mới đây trong tuần đầu tháng 4.2022, TAND H.Ea Kar (Đắk Lắk) đã tuyên án 40 bị cáo liên quan vụ án phá rừng xảy ra tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Trong số 3 bị cáo bị xét xử cùng về tội “nhận hối lộ”, có 2 nguyên cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, là Hoàng Công Ý (trạm trưởng kiểm lâm), Vương Thế Cao (trạm phó kiểm lâm), lần lượt bị tuyên phạt 7 năm 6 tháng tù và 7 năm tù.

37 bị cáo là “lâm tặc” nhận hình phạt tù và cải tạo không giam giữ; trong đó cao nhất là Lê Mô Y Cum (38 tuổi, trú H.Sông Hinh, Phú Yên) bị phạt 10 năm tù về tội “vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” và tội “đưa hối lộ”.

Theo cáo trạng, trong năm 2020, do quen biết nhau từ trước, Ý đồng ý và hướng dẫn cho nhóm Lê Mô Y Cum vào khai thác hơn 25 m3 gỗ căm xe ở Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Đổi lại, Ý nhận từ Lê Mô Y Cum 35 triệu đồng; sau đó chia một phần tiền cho Vương Thế Cao và Hoàng Công Nhật (em trai Ý).

Lãnh đạo tỉnh vào hiện trường chỉ đạo xử lý

Sau khi nắm thông tin vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra tại địa bàn xã Ya Tờ Mốt, ngày 8.4, ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, đã trực tiếp vào hiện trường rừng bị phá để chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ xác minh, điều tra, làm rõ.

“UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, lực lượng chức năng phối hợp Kiểm lâm vùng 4 (thuộc Cục Kiểm lâm, Bộ NN-PTNT) cùng chính quyền địa phương khẩn trương kiểm tra, đo đếm diện tích rừng bị tác động, đánh giá trữ lượng, mức độ ảnh hưởng về tài nguyên rừng, giá trị thiệt hại… làm căn cứ để xử lý nghiêm vụ việc theo quy định của pháp luật”, ông Y Giang Gry Niê Knơng cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.