Nhẫn cưới là tín vật mang ý nghĩa cam kết của các cặp vợ chồng khi lấy nhau. Tuy nhiên có một thực tế, không phải cặp đôi nào cũng đeo nhẫn cưới sau hôn lễ.
Chỉ đeo nhẫn cưới vào dịp đặc biệt
Cưới nhau được 4 năm, nhưng hai vợ chồng chị Lê Nữ Quỳnh Anh (31 tuổi) và anh Trần Vũ Nhân (34 tuổi), đang sống ở chung cư Lê Thành (Q.Bình Tân, TP.HCM) cho biết chỉ đeo nhẫn cưới vào những dịp đặc biệt, đó là: ngày thử nhẫn để mua, ngày cưới, ngày kỷ niệm cưới. Thời gian còn lại, cặp nhẫn cưới được cất kỹ lưỡng.
Hỏi lý do, anh Nhân cho biết: "Do vợ nhạy cảm nên khi đeo nhẫn bị kích ứng da, dẫn đến ngứa và khiến da bong tróc. Điều này được phát hiện sau ngày cưới, nên từ đó hai vợ chồng tháo nhẫn cất. Đến những ngày kỷ niệm mới lấy ra chụp ảnh cùng nhau".
Trường hợp của chị Quỳnh Anh và anh Vũ Nhân không phải là cá biệt. Nhiều cặp vợ chồng cũng cho biết không còn đeo nhẫn cưới sau khi kết hôn. Nhẫn cưới vẫn vẹn nguyên. Tình yêu vợ chồng vẫn bền chặt. Thế nhưng trên tay họ không còn hiện diện nhẫn cưới.
"Cũng đã từng đeo nhẫn cưới một thời gian, nhưng rồi có vài lần vô tình để nhẫn cưới va chạm vào tường, vào cạnh giường làm nhẫn bị trầy. Theo thời gian, nhẫn bị phai màu, không còn sáng bóng. Thế là mình quyết định cất nhẫn cưới và không đeo nữa", Đỗ Thị Yến Ly (28 tuổi), ngụ tại 76C, đường số 12, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, TP.HCM nói.
Anh Vương Minh Khôi (31 tuổi), ngụ tại 113/27 đường số 8, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức, TP.HCM, cho biết đã kết hôn được 2 năm. Nhiều người nhìn Khôi và đoán rằng "chắc đã ly hôn vợ" vì không thấy chàng trai này đeo nhẫn cưới.
Nhưng sự thật, anh Khôi chia sẻ: "Lúc mới cưới mình chỉ 57 kg. Một năm sau, được vợ chăm sóc kỹ, tăng cân vùn vụt. Để rồi chiếc nhẫn cưới trở nên chật cứng, không còn vừa tay nên đeo vào cảm giác rất khó chịu. Khi mình lấy ra, vợ cũng tháo nhẫn. Nhẫn cưới, vật biểu trưng cho sự thủy chung, gắn kết trọn đời vẫn còn đó, chỉ là vợ chồng không còn đeo nữa. Đôi khi mở tủ lấy ra, đeo vào để chụp tấm hình rồi đăng lên mạng xã hội".
Cũng có trường hợp rơi vào tình cảnh "khóc dở mếu dở", như anh Nguyễn Đại Dương (35 tuổi), ngụ tại 43/10 đường số 10, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức, TP.HCM, đã tháo nhẫn cưới ra để thi đấu bóng đá theo đúng quy định trong giải đấu do công ty tổ chức. Và rồi chàng trai này làm lạc đi tín vật mang ý nghĩa cam kết của các cặp vợ chồng.
"Vợ bảo nhẫn cưới như sợi tơ hồng kết nối vợ chồng mà tôi làm mất thì đâu còn ý nghĩa, nên vợ cũng không đeo. Đã có lúc bảo vợ hay là mua cặp nhẫn cưới khác, nhưng vợ nói nhẫn cưới ban đầu mới có ý nghĩa. Có những lúc nhìn lại bàn tay, không còn nhẫn cưới, thấy thiếu thiếu điều gì đó, thấy buồn và tiếc", anh Dương tâm sự.
Đây là lý do phổ biến!
Qua tìm hiểu của người viết, ngoài những lý do như những lời kể trên, thì nguyên nhân mà nhiều cặp vợ chồng không còn đeo nhẫn cưới sau khi kết hôn đó là đã từng có quãng thời gian rạn nứt tình cảm.
Chỉ vì những phút giây nóng giận đối phương, một trong hai người tháo nhẫn cưới, suy nghĩ đến những điều tiêu cực trong hôn nhân, để rồi kể từ đó, họ không còn đeo nhẫn cưới nữa.
"Một lần cãi vã, chồng nóng quá nên rút nhẫn cưới ra khỏi tay. Trước đó, vợ chồng đã cùng hứa là không bao giờ dù chỉ một lần tháo nhẫn cưới. Chồng phạm phải điều ấy, mình đã giận nên... cất nhẫn cưới vào tủ", chị Lê Thu Nhụy (32 tuổi), làm việc ở Phương Spa (33 đường số 5, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, TP.HCM), cho biết.
H.T.K.L. (28 tuổi), đang làm việc tại một công ty truyền thông trên đường Phạm Ngọc Thạch, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM, kể lại đã từng có thời gian không tin tưởng chồng, nghi ngờ chồng có mối quan hệ với người khác. Trong cơn "giận quá mất khôn", L. đã... vứt nhẫn cưới xuống một dòng kênh. Đến khi tìm hiểu sự tình cụ thể, L. ân hận khi trách nhầm chồng, trong khi nhẫn cưới cũng đã không còn nữa. Để rồi hơn 2 năm nay, cặp nhẫn cưới ngày nào chỉ còn một chiếc trên tay chồng L.
Ngoài ra, theo chia sẻ của những người trẻ đã có gia đình, còn có khá nhiều lý do khác. Có thể kể như khi bước vào cuộc sống hôn nhân, gặp không ít khó khăn về tài chính để lo trang trải cái ăn, cái mặc, lo cho con cái. Khi cái túng thiếu bủa vây, họ quyết định bán nhẫn cưới.
Cũng có trường hợp, hoặc vợ hoặc chồng phát hiện đối phương "gian gian díu díu mập mờ" với người thứ ba, họ quyết định "chia tay nhẫn cưới" vì cảm thấy vật thiêng liêng trong hôn nhân đã không còn ý nghĩa.
Theo chuyên gia tâm lý Phạm Thị Minh Khuê, Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Tâm, TP.HCM thì từ bao đời nay có quan niệm nhẫn cưới là minh chứng cho sự thủy chung, một lòng một dạ vì chồng vì vợ. Đeo nhẫn cưới thể hiện người đó đã lập gia đình.
Khi đeo nhẫn cưới, tự mỗi người sẽ hiểu rằng bản thân đã có chồng, có vợ, tự răn bản thân nói không với những mối quan hệ tình cảm yêu đương khác giới, cũng như sẽ cố gắng vun bồi tình cảm vợ chồng.
Có những ý kiến bảo rằng nếu tháo nhẫn cưới sẽ là "điềm" không tốt dẫn đến tình yêu tan vỡ hay nhạt nhòa dần, sẽ khiến hôn nhân dễ "đứt gánh giữa chừng"...
Tuy nhiên thực tế không phải vậy. Trong tình yêu vợ chồng, sự tin tưởng nhau, biết lắng nghe, tôn trọng, bao dung và thấu hiểu nhau mới là những yếu tố giúp cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Có thể nhẫn cưới quan trọng thật, nhưng không đeo nhẫn cưới không phải là vấn đề quá to tát làm ảnh hưởng đến hạnh phúc.
Hãy cứ yêu nhau thật lòng và thương nhau hết mình, thì dù có còn đeo nhẫn cưới hay không đi chăng nữa, hạnh phúc vẫn sẽ viên mãn.
Bình luận (0)