Vì sao sinh viên năm cuối thường áp lực trước tốt nghiệp và cách vượt qua?

10/10/2022 10:10 GMT+7

'Liệu có chọn sai ngành?', 'Làm việc ở đâu?', 'Lương bao nhiêu?'... là những nỗi lo của sinh viên năm cuối trước khi tốt nghiệp.

Gần ra trường mà vẫn băn khoăn về ngành học và tương lai

Khoảng một tháng trở lại đây, N.M.H (21 tuổi, sinh viên ngành Ngoại ngữ thương mại của một Trường ĐH ở Q.7, TP.HCM) bắt đầu có suy nghĩ “chông chênh” về tương lai.

“Có vẻ tôi đã chọn sai ngành học vì nhận ra mình hứng thú với những lĩnh vực khác. Một số môn trong chương trình đào tạo lại vượt quá khả năng, nhưng đó là môn bắt buộc nên tôi phải ‘ép’ mình ‘học vẹt’ khi không thực sự hiểu gì. Với mục tiêu tốt nghiệp đúng hạn, mọi thứ đều rất gấp gáp và dồn dập. Ngoài ra, những lần bị từ chối đơn xin việc làm cũng khiến tôi thất vọng, rơi vào giai đoạn khủng hoảng tinh thần”, M.H chia sẻ.

Sinh viên năm cuối đối mặt nhiều áp lực trong việc học tập lẫn chuẩn bị hành trang trước khi tốt nghiệp

thành công

M.H cũng cho hay, cô thường mất ngủ vào ban đêm vì suy nghĩ nhiều, dù đã học cả ngày. Tình trạng trên kéo dài khiến nữ sinh viên bị stress, hay đau đầu, dễ cáu gắt và sụt cân.

Nguyễn Khánh Nam (22 tuổi, sinh viên chương trình POHE ngành quản trị lữ hành, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, khu vực TP.HCM) cũng có nhiều băn khoăn về ngành học và tương lai.

“Con đường phía trước mù mịt, không rõ ràng. Tôi cũng rất áp lực khi chứng kiến bạn bè đồng trang lứa có những thành tựu nhất định, trong khi mình bắt đầu từ con số 0. Có lẽ, áp lực lớn nhất để ‘lăn lộn’ với những tranh đua trên đường đời là bố mẹ không còn trẻ và tôi còn đứa em vừa lên năm nhất đại học”, Nam bộc bạch.

Áp lực từ bản thân

Mai Thị Thanh Huyền (22 tuổi, sinh viên ngành marketing, Trường ĐH Greenwich Việt Nam) vừa tốt nghiệp đại học vào tháng 9 năm nay. Trước đó, cô phải chịu áp lực lớn từ việc phân bổ thời gian học và làm, song song đó là định hình, theo đuổi mục tiêu riêng.

“Tôi chìm đắm trong suy tư, lo lắng cho những lựa chọn tiếp theo và hoang mang khi nghe lời khuyên từ nhiều phía. Áp lực học hành, công việc chỉ chiếm một phần, chủ yếu là áp lực trong suy nghĩ của bản thân”, Huyền bày tỏ.

Ở độ tuổi này, nhiều bạn trẻ như Huyền khao khát chứng tỏ và được công nhận bởi mọi người nên vô hình trung tạo sự thúc ép cho mình. “Mông lung, mơ hồ, kiệt sức và đôi lúc muốn ‘bỏ cuộc’ là những điều không thể tránh khỏi. Tôi đã liên tục đối mặt với những lần kiệt quệ sức khỏe lẫn cảm xúc. Trăn trở lớn nhất là tìm hướng đi phù hợp để phát triển bản thân. Tôi sợ ra trường không kiếm được công việc như ý hay bố mẹ không tự hào về mình. Vô vàn nỗi sợ bủa vây khiến tôi phải ‘tăng tốc’ hơn nữa”, Huyền nhớ lại.

Sinh viên năm cuối cần hiểu điều gì?

Gần 20 năm công tác tại trường, thầy Hà Văn Tú, giảng viên khoa giáo dục, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đã gặp nhiều trường hợp sinh viên năm cuối khủng hoảng, bối rối.

“Nguyên nhân thứ nhất là ngành học không như mong đợi. Thứ hai, các bạn chưa đầu tư nghiêm túc và thích đáng cho việc học ngay từ giai đoạn đầu đại học. Thứ ba, một số bạn không xác định rõ định hướng tương lai. Cuối cùng, sự chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng làm việc hay yêu cầu về ngoại ngữ, tin học không tốt”, thầy Tú nói.

Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An nhận định: “Hầu hết ở giai đoạn chuyển tiếp, nhất là đối với sinh viên năm cuối, áp lực sẽ xuất hiện thường xuyên hơn vì chặng đường quen thuộc dần kết thúc và mở ra những cánh cửa cơ hội mới”

thành công

Với trường hợp nhiều sinh viên năm cuối nhận ra mình chọn sai ngành, thầy Hà Văn Tú và chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An (nghiên cứu sinh ngành Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đồng tình rằng "không bao giờ là quá muộn để sống đúng đam mê".

“Tuy nhiên, vấn đề là vì sao đến tận năm cuối, sinh viên mới phát hiện chọn sai ngành và tiêu chí nào khiến bạn nhận ra điều đó? Nếu bạn đã đi đến năm cuối và có ý định chọn lại con đường thì hãy nghiêm túc… 200% để xác nhận đó là điều mình thực sự muốn hay chỉ là cảm xúc nhất thời”, ông Tâm An nhấn mạnh.

Trong khi đó, thầy Tú nói thêm: “Quan trọng là các bạn có dám thử thách bản thân, điều chỉnh những thứ không phù hợp hay không. Nếu cho mình cơ hội học tập ngành khác, hãy đầu tư nghiêm túc. Thà dừng lại để tìm hướng đi phù hợp, còn hơn là ‘vật vờ’, không dám thay đổi” .

3 lưu ý nếu muốn chuyển ngành vào năm cuối

Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An cho rằng sau quá trình phản tư, hỏi thăm những người thân thiết và thực hiện một số bài kiểm tra về năng lực, tính cách... rồi phát hiện cần chuyển hướng, sinh viên hãy lưu ý 3 điều sau:

- Lường trước sự tốn kém (về thời gian, tiền bạc, công sức).

- “Lời ra tiếng vào” của người xung quanh, đặc biệt khi bạn bè cùng trang lứa bắt đầu gặt hái thành công.

- Cám dỗ của việc làm ra tiền và học tiếp để theo đuổi đam mê. Chọn một trong hai hoặc dung hòa giữa học và làm sẽ là thử thách lớn.

Theo thầy Tú, để thoát khỏi áp lực trước tốt nghiệp ĐH, sự cố gắng của bản thân sinh viên là chưa đủ mà cần sự phối hợp từ nhiều bên.

“Sự đồng hành của thầy cô, đặc biệt là giảng viên chuyên ngành - những người gần gũi, có thể phát hiện ra vấn đề của các em là rất quan trọng. Các khoa cần tích cực tổ chức hoạt động định hướng nghề, hỗ trợ kỹ năng tìm việc cho sinh viên để các em chuẩn bị tốt hơn cho tương lai. Lúc này, ngoài vấn đề tiền bạc, sự quan tâm của gia đình nên sâu sắc hơn để thấu hiểu mong muốn của sinh viên”, thầy Tú chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.