Vì sao sức mạnh Hải quân Mỹ không ngăn chặn được Houthi?

Khánh An
Khánh An
10/08/2024 16:12 GMT+7

Chỉ huy Bộ tư lệnh Trung tâm Hải quân Mỹ George Wikoff kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép để Houthi ngừng tấn công tàu hàng, sau khi thừa nhận sứ mệnh tấn công và răn đe khó khả thi.

Một phó đô đốc Mỹ vừa thừa nhận rằng sứ mệnh của hải quân nước này không đủ sức ngăn chặn lực lượng Houthi ở Yemen tấn công các tàu thương mại trong khu vực.

Chỉ huy Bộ tư lệnh Trung tâm Hải quân Mỹ, phó đô đốc George Wikoff, cho biết lực lượng và hỏa lực là chưa đủ để đối phó Houthi. Thay vào đó, Washington và các đồng minh phải đưa ra một biện pháp thay thế để gây áp lực lên lực lượng này, theo trang Insider dẫn lời ông Wikoff hôm 9.8.

Vì sao sức mạnh Hải quân Mỹ không ngăn chặn được Houthi?

"Giải pháp sẽ không đến nhờ hệ thống vũ khí mà là cộng đồng quốc tế", Wikoff phát biểu tại một sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS-Mỹ) tổ chức hôm 7.8.

Tấn công bằng vũ lực

Trong hơn 8 tháng, lực lượng Mỹ đã nỗ lực bảo vệ các tuyến hàng hải chính ở biển Đỏ và vịnh Aden khỏi các cuộc tấn công liên tục của Houthi. Houthi đã sử dụng máy bay không người lái (UAV) tấn công một chiều, xuồng không người lái của hải quân và tên lửa chống hạm để tấn công các tàu thương mại và tàu chiến Mỹ được triển khai trong khu vực.

Vì sao sức mạnh Hải quân Mỹ không ngăn chặn được Houthi?- Ảnh 1.

Tàu khu trục USS Gravely của Hải quân Mỹ khai hỏa ở biển Đỏ hồi tháng 3

HẢI QUÂN MỸ

Các tàu chiến và máy bay của Mỹ đã tiêu tốn hàng trăm đơn vị đạn dược thường xuyên đánh chặn tên lửa và thiết bị không người lái của Houthi, cũng như tấn công lực lượng này ở Yemen, nhắm vào các vũ khí, bệ phóng và địa điểm radar.

Các quan chức cấp cao của Mỹ nhiều lần nói rằng những nỗ lực này nhằm mục đích tước đi khả năng tấn công của Houthi. Nhưng tính đến nay, Houthi vẫn tiếp tục phóng tên lửa và UAV vào vùng biển xung quanh.

Vì sao sức mạnh Hải quân Mỹ không ngăn chặn được Houthi?- Ảnh 2.

Các máy bay F/A-18E Super Hornet cất cánh từ tàu khu trục USS Laboon của Hải quân Mỹ ở biển Đỏ hồi tháng 3

HẢI QUÂN MỸ

"Chúng ta chắc chắn đã làm suy yếu khả năng của họ. Không còn nghi ngờ gì nữa. Tuy nhiên, chúng ta đã ngăn chặn được họ chưa? Chưa. Nhiệm vụ của chúng ta vẫn là phá vỡ khả năng của họ và cố gắng duy trì một số hình thức trật tự hàng hải trong khi tạo cơ hội để xây dựng chính sách chống lại Houthi", theo ông Wikoff.

Khó răn đe

Vị phó đô đốc Mỹ cho rằng khó tìm được cách làm cho Houthi luôn phải đối đầu với nguy cơ. Do đó, điều này khiến Mỹ khó áp dụng chính sách răn đe truyền thống.

Giờ đây, ông cho biết ý tưởng là hải quân phải duy trì nguyên trạng để các chính quyền và cộng đồng quốc tế có thể vào cuộc và gây sức ép buộc Houthi ngừng các cuộc tấn công.

"Đây là vấn đề toàn cầu, toàn bộ thế giới đều bị ảnh hưởng bởi vấn đề này. "Chúng ta chắc chắn có thể thử với một số tàu chiến, một số thủy thủ và một số người cố gắng hết sức để bảo vệ an ninh hàng hải. Nhưng điều này sẽ đòi hỏi một giải pháp toàn cầu", ông nhận định.

"Càng có nhiều bên tham gia vào hoạt động ngoại giao thì tôi nghĩ chúng ta sẽ càng có nhiều cơ hội thành công", ông kêu gọi.

Vì sao sức mạnh Hải quân Mỹ không ngăn chặn được Houthi?- Ảnh 3.

Một chiếc F/A-18E Super Hornet cất cánh từ tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower của Mỹ ở biển Đỏ hồi tháng 4

HẢI QUÂN MỸ

Ngoài ra, ông cho rằng dù Iran tiếp tục hỗ trợ Houthi, lực lượng này đang "đa dạng hóa" nguồn hỗ trợ và tự phát triển năng lực.

"Chúng tôi tin rằng có một mối quan hệ với Iran ở đây, mối quan hệ này đã được biết đến rộng rãi và được ghi nhận đầy đủ. Nhưng đánh giá hiện tại của chúng tôi là chúng tôi tin rằng nguồn cung cấp chung của Houthi phức tạp hơn nhiều, dù chúng tôi chắc chắn đang cố gắng phủ nhận khả năng đó", theo ông Wikoff.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.