Đó là vấn đề được đại diện các trường ĐH chia sẻ trong chương trình tư vấn trực tuyến "Sau khi biết kết quả thi, thí sinh cần làm gì?" của Báo Thanh Niên chiều 18.7.
Xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT: Cần đặc biệt lưu ý về chỉ tiêu
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đến hết 17 giờ ngày 30.7. Thí sinh có thể đăng ký, bổ sung và điều chỉnh không giới hạn số lần trên hệ thống trực tuyến của Bộ GD-ĐT. Đồng thời, thí sinh được quyền đăng ký không giới hạn số nguyện vọng vào các ngành, các trường.
Với cách thức đăng ký này, thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc marketing và phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng cơ hội xét tuyển vào ĐH của người học rất lớn. "Thí sinh có thể lựa chọn ngành đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm hoặc đăng ký thêm nguyện vọng mới. Nguyên tắc quan trọng là ưu tiên nguyện vọng yêu thích theo thứ tự ưu tiên giảm dần, số nguyện vọng tối ưu được khuyến cáo trong khoảng 5-7 nguyện vọng", thạc sĩ Phương nói.
Thạc sĩ Ngọc Phương cho rằng thí sinh có 2 lựa chọn sau khi kết quả thi tốt nghiệp THPT được công bố vào ngày 18.7. Nếu thấy số điểm chưa phù hợp thì thí sinh có thể làm đơn phúc khảo. Nếu không phúc khảo, thí sinh tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng để đặt nguyện vọng phù hợp nhằm trúng tuyển vào nguyện vọng yêu thích nhất.
"Tôi nghĩ, nếu muốn tìm được sự an toàn trong xét tuyển, các bạn nên tập trung vào những nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm. Dù trúng tuyển phương thức nào thì việc học tập và bằng cấp cũng như nhau, thì tại sao chúng ta không lấy nguyện vọng trúng tuyển sớm làm nguyện vọng 1 để có cơ hội trúng tuyển cao?", thạc sĩ Phương đặt vấn đề.
Điểm chuẩn ĐH khối khoa học tự nhiên ngành nào tăng, ngành nào giảm
Về cơ hội xét điểm thi tốt nghiệp THPT, Giám đốc marketing và phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cho rằng: "Thí sinh xét tuyển bằng phương thức này sẽ bước vào cuộc cạnh tranh gay gắt. Các bạn sẽ phải tìm điểm sàn xét tuyển của các trường ở mức nào, chỉ tiêu từng ngành năm nay và tham khảo điểm chuẩn những năm trước. Việc tính toán các khả năng và tình huống có thể xảy ra sẽ giúp thí sinh đỡ bỡ ngỡ với kết quả sau này".
Đặc biệt, ông Phương nhấn mạnh, thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng khi xét tuyển vào các ngành "hot", ngành có sự tăng trưởng mạnh điểm chuẩn qua từng năm. Trong đó, thí sinh cần xem kỹ chi tiết phân bổ chỉ tiêu của các trường cho từng phương thức xét tuyển.
"Tổng chỉ tiêu một ngành có thể là con số lớn nhưng khi được phân bổ cho nhiều phương thức, chỉ tiêu còn lại cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT ở mức rất thấp. Tuy nhiên, nếu một trường dù chỉ tuyển 50 tổng chỉ tiêu nhưng dành toàn bộ chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT thì cơ hội cho thí sinh vẫn cao", ông Phương lưu ý.
Cách đăng ký để không mất hết cơ hội trúng tuyển
Chuyên gia tuyển sinh các trường ĐH cũng cảnh báo nguy cơ thí sinh bị trượt ĐH dù trúng tuyển sớm nhưng lại không tuân thủ đúng các quy định xét tuyển năm nay.
PGS-TS Phạm Huy Hoàng, Trưởng khoa Công nghệ cơ khí Trường ĐH Công thương TP.HCM, cho rằng nếu thí sinh đã trúng tuyển sớm và đó là ngành yêu thích nhất thì nên đặt nguyện vọng 1 khi đăng ký xét tuyển. Nếu đó chưa phải ngành yêu thích nhất thì thí sinh có thể sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để lựa chọn ngành ở nguyện vọng 1. Tuy nhiên, trong trường hợp này thí sinh lưu ý không quên đưa ngành đã trúng tuyển sớm vào danh sách nguyện vọng đăng ký để đảm bảo không rơi vào tình trạng rủi ro, mất hết cơ hội trúng tuyển.
Từ thực tế tuyển sinh những năm trước, thạc sĩ Nguyễn Thanh Trọng, Phó phòng tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho biết dù thí sinh trúng tuyển sớm nhưng vẫn thật sự không trúng tuyển ĐH là tình huống vẫn có thể xảy ra. Do đó, chuyên gia này đưa ra lời khuyên tương tự: "Để tránh rủi ro, thí sinh đã trúng tuyển sớm thì cần đặt nguyện vọng này vào nguyện vọng 1 trong số các nguyện vọng sẽ đăng ký trên hệ thống của Bộ GD-ĐT".
Thạc sĩ Trọng còn lưu ý, dù không đăng ký bổ sung hay điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sớm vẫn phải tuân thủ đúng các bước đăng ký xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT. Đó là sắp xếp nguyện vọng, thực hiện xác nhận qua số điện thoại bằng mã OTP, nộp lệ phí xét tuyển và thực hiện bước xác nhận nhập học sau khi có kết quả trúng tuyển chính thức.
Bình luận (0)