Ghi nhận thực tế và nhận định từ những người làm công tác giáo dục lâu năm cho thấy do hoàn cảnh và mục tiêu không giống nhau nên cách thức, xuất phát điểm chọn hướng vào đời của học sinh ở thành thị và nông thôn cũng khác nhau.
|
Vấn đề còn lại là trong hành trình tiếp sau đó, cơ hội cho mọi người là như nhau. Ở đó, ai thật sự giỏi, có ý chí, có tinh thần học hỏi, cầu tiến... sẽ có điều kiện tiến xa hơn.
Trui rèn trong trường chuyên
Theo thống kê của Cục Công nghệ thông tin Bộ GD-ĐT, trong 566 trường THPT có thí sinh đạt điểm cao (từ 27 điểm trở lên), phần lớn là những trường chuyên. Còn những trường THPT khác đều là những trường có truyền thống hiếu học và nhiều năm có những học sinh (HS) đạt thành tích cao trong học tập. Ghi nhận số liệu từ các trường ĐH cũng cho thấy hầu hết các thủ khoa đều xuất thân từ các trường chuyên của tỉnh.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, cho biết: “Đa số thủ khoa của trường đều là HS ở trường chuyên. Đặc biệt, năm nay 100% thí sinh thủ khoa các khối của trường đều học ở các trường chuyên”.
Phó phòng đào tạo một trường ĐH lớn tại TP.HCM cũng cho rằng dù không ở thành phố lớn nhưng nhiều thủ khoa đều được trui rèn trong môi trường học tập tốt từ các ngôi trường chuyên của tỉnh và từng đoạt rất nhiều giải thưởng trong kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh hay quốc gia. Chẳng hạn 5 tân thủ khoa của Trường ĐH Y dược (ĐH Huế) năm nay cùng đạt 28,5 điểm đều tốt nghiệp từ Trường THPT Quốc học Huế. Á khoa Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM năm 2008 Phan Thị Phương Chi là HS chuyên toán của Trường THPT chuyên Lê Khiết (TP.Quảng Ngãi). Võ Văn Nam, thủ khoa Trường ĐH Quy Nhơn (Trường THPT số 1 Phù Cát, Bình Định) giành rất nhiều giải thưởng cao cấp tỉnh. Trần Văn Cường (thủ khoa Trường ĐH Bách khoa TP.HCM năm 2014) đoạt rất nhiều giải thưởng HS giỏi cấp tỉnh và quốc gia.
Đích đến của phần nhiều HS thành phố là du học
Theo tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên, hằng năm số HS ở các trường THPT chuyên tại TP.HCM và Hà Nội đi du học khá lớn. Chẳng hạn như Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), cứ khoảng 300 HS vào lớp 10 thì đến lớp 12 chỉ còn lại khoảng 200 em. Riêng tại Trường phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), hằng năm có khoảng từ 20 - 30% HS du học (khoảng gần 100 trường hợp). Ngoài ra, trường này cũng không chú ý đến việc đào tạo để có HS đậu thủ khoa. Một lãnh đạo của trường này cho biết: “Kỳ thi ĐH 2013, trường có 249 HS lớp 12 dự thi. Điểm ĐH trung bình của HS là 23,31, cao nhất nước. Hầu như HS nào cũng đậu từ 2 trường trở lên”.
Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, phân tích: “Nhiều HS giỏi thực sự của các thành phố lớn không đặt đích đến là thủ khoa các trường ĐH trong nước, thay vào đó là quá trình phấn đấu rất bài bản cho mục tiêu là các suất học bổng du học nước ngoài. Thực tế có rất nhiều HS các trường chuyên tại TP.HCM đã đi du học ngay khi hoàn tất bậc học THCS, hoặc sau khi kết thúc lớp 10, 11 hoặc 12 mà không dự thi vào các trường ĐH trong nước”.
Lãnh đạo một trường ĐH tại TP.HCM cho rằng nhiều trường THPT tại TP.HCM tỷ lệ HS đậu ĐH rất cao và có trường gần như 100% (Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Trường phổ thông Năng khiếu...). Trừ những HS thật giỏi hoặc gia đình có điều kiện tiếp tục du học ra nước ngoài, phần lớn HS giỏi của thành phố tập trung vào các trường ĐH lớn. Chẳng hạn, thống kê riêng số liệu năm 2014 tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, trường chỉ tuyển sinh thí sinh có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM, có hơn 1.000 thí sinh đạt điểm từ 21,5 trở lên. Dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng theo lãnh đạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, số HS đạt điểm cao vào trường này xuất thân từ các trường THPT tại TP.HCM cũng không nhỏ.
Thủ khoa có phải luôn đứng đầu ?
Thủ khoa có phải lúc nào cũng là người đứng đầu, kể cả trong việc làm sau này?
Tiến sĩ Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng thủ khoa chưa phải là tất cả để khẳng định người đó chắc chắn làm việc tốt và thành công. “Họ có một lợi thế lớn khi đi xin việc. Nhưng làm việc giỏi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đó là kiến thức về ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống, kỹ năng mềm... Trong quá trình học, nếu thủ khoa không phát huy thế mạnh, không chủ động bổ sung những kiến thức và kỹ năng còn thiếu hụt thì thành tích đó chỉ là trên sách vở”, ông Hoàng nhận định.
Từ kinh nghiệm của mình, Bùi Quang Hùng, từng là thủ khoa Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng đó là 2 chuyện hoàn toàn khác nhau: “Thành tích học tập tốt chỉ phản ảnh được bạn có năng lực học tập tốt. Bạn sẽ có lợi thế khi đi xin việc, đó cũng là điều đầu tiên khiến nhà tuyển dụng tin tưởng và lựa chọn. Tuy nhiên, năng lực làm việc lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa. Lúc đó, danh hiệu thủ khoa không là gì cả”.
Ý kiến: Chỉ là thành công ban đầu Đậu thủ khoa chỉ là thành công ban đầu, là một điều kiện thuận lợi để người khác biết đến mình và có thể tiếp cận những học bổng để vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Các bước cần làm tiếp theo là cố gắng duy trì sức bền trong những năm ĐH và nhất là ứng dụng việc học vào thực tiễn. Để thành công trong cuộc sống, ngoài việc học giỏi còn cần phải có thái độ cầu thị, chịu khó. Trên thực tế, chúng ta thấy có những người học giỏi khi ra trường thường quá kén chọn công việc. Họ chỉ muốn có công việc phù hợp với khả năng, chuyên ngành cũng như mong đợi của mình. Đây chính là một lực cản khiến họ khó tìm được việc làm để phát triển bản thân. Thạc sĩ Dương Hiền Hạnh “Vào ĐH là tự hào cả một miền quê” Các bạn ở nông thôn theo tôi thường có kết quả tốt vì ý chí và tinh thần thi ĐH rất khác so với thành phố. Đối với các bạn ở thành thị và có gia đình khá giả, ĐH là cánh cửa của cá nhân. Đối với các bạn nông thôn, ĐH là tương lai của bản thân, là niềm hạnh phúc và tự hào của cả một miền quê, một ngôi trường, một gia đình. Niềm khát khao đó nếu cộng với ý chí vươn lên, cần cù có sẵn của các bạn nông thôn thì kết quả của những điểm số cao là hoàn toàn dễ hiểu. Đặng Nhật Ánh “Em sẽ du học” Em mới đậu vào lớp 10 nhưng mục tiêu của em là sau THPT, nếu có điều kiện, em sẽ du học (xin học bổng hoặc du học tự túc). Theo em, nếu du học, sau tốt nghiệp em dễ xin việc hơn, hoặc có thể ở lại làm việc tại nước ngoài luôn. Bạch Khai Minh N.Lịch - N.Hạ - M.Luân (ghi) |
Đừng treo giải thưởng vật chất để con học tốt Nếu đặt lên bàn cân thì rõ ràng việc học ở đâu không quan trọng bằng cách thức học để chiếm lĩnh tri thức. Trao cho con những điều tốt đẹp nhất luôn là mong muốn của nhiều bậc cha mẹ. Tuy nhiên, cần trao cho con “cần câu xịn” chứ đừng trao “con cá”. Thường ở gia đình khá giả, việc nhiều phụ huynh có thói quen dùng những giải thưởng có giá trị vật chất đã vô tình đề cao động lực bên ngoài chứ không hề hướng đến việc tạo ra động lực bên trong cho trẻ trong việc hoàn thành công việc để đạt mục tiêu như đối với HS nhà nghèo. Học tập cần có niềm vui, nếu HS tìm thấy được niềm vui trong học tập thì tôi tin chắc, việc có được điểm số cao sẽ nằm trong tầm tay các em. Việc chú ý để tạo ra động cơ bên trong là điều cần được cả phụ huynh quan tâm. Thạc sĩ Đào Lê Hòa An Chỉ là điểm khởi đầu cho một hành trình Việc phụ huynh chạy trường hoặc làm cách này cách khác để con vào được trường tốt trong thành phố là một khía cạnh khác của vấn đề, có thể là phụ huynh mong muốn con mình được hưởng một môi trường giáo dục tốt nhất như mong đợi, hoặc cũng có thể đơn giản vì "ai cũng làm như vậy nên mình cũng phải làm". Thi đầu vào ĐH được điểm cao nhất hay không thì cũng chỉ là vào được ĐH. Còn sự thành công sau này lại liên quan rất nhiều đến quá trình, sự nỗ lực và khả năng tương thích. Có thể việc đạt điểm cao nhất trong kỳ thi ĐH là một cái đà tốt cho các thí sinh có điểm cao nhất, nhưng đó chỉ là điểm khởi đầu cho một hành trình mới vào cuộc đời. Chuyên gia tham vấn tâm lý Ngô Minh Uy Nhật Hạ (ghi) |
V.Thơ - M.Luân - H.Ánh - M.Quyên
Bình luận (0)