Vì sao Thủ tướng Nhật phải đau đầu với vấn đề 'Giáo hội Thống Nhất'?

18/08/2022 10:41 GMT+7

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida dự kiến sẽ cải tổ nội các vào hôm 17.8 sau khi vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe gây tác động tiêu cực lên ủng hộ dành cho đảng cầm quyền, được cho là có mối quan hệ với tổ chức "Giáo hội Thống nhất".

Kể từ khi ông Shinzo Abe qua đời, một giáo phái ở Nhật Bản đã trở thành nguồn cơn phẫn nộ của công chúng.

Vốn nổi tiếng với những đám cưới tập thể, Giáo hội Thống nhất cũng bị những người chỉ trích xem là tà giáo.

Đối với Thủ tướng Fumio Kishida thì nó lại là một vấn đề chính trị đau đầu.

Và đây là nguyên nhân.

Nghi phạm ám sát ông Abe vốn mang một mối hận thù với Giáo hội Thống nhất, với lý do là chính tổ chức tôn giáo này đã làm mẹ của nghi phạm phá sản.

Nghi phạm cũng đổ lỗi cho cố Thủ tướng Abe vì ông đã quảng bá hình ảnh của Giáo hội Thống nhất thông qua các bài đăng trên mạng xã hội.

Thủ tướng Kishida nói rằng ông không hề có mối quan hệ gì với giáo phái. Nhưng chỉ số tín nhiệm của ông vẫn bị giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức. Nguyên nhân là do một số thành viên nội các của ông lại có mối quan hệ với giáo phái này.

Đảng LDP của ông Kishida đã tuyên bố cắt đứt toàn bộ quan hệ với Giáo hội Thống nhất và cố gắng xoa dịu những lo ngại của cử tri bằng việc thay đổi thành viên nội các.

Thủ tướng Fumio Kishida nói rằng “Tôi muốn giải quyết một số vấn đề liên quan đến Giáo hội Thống nhất. Trước hết, tôi muốn nói rằng tôi không có bất kỳ mối liên hệ nào với nhà thờ này”.

Trong khi đó, các thành viên của Giáo hội Thống nhất nói rằng họ bị phỉ báng và phải đối mặt với nhiều lời đe dọa kể từ khi ông Abe bị ám sát.

Giáo hội Thống nhất được thành lập vào năm 1950 tại Hàn Quốc bởi ông Sun Myung Moon, một người tự xưng là Đấng cứu thế.

Nhiều người từng là tín đồ nói rằng giáo phái này chiêu dụ thành viên bằng cách đến tận từng nhà, tìm kiếm ở ga tàu điện ngầm, và nhắm vào người thân của các tín đồ.

Giáo phái được cho là đã xây dựng mối quan hệ với các chính trị gia để thu hút tín đồ và tìm kiếm tính chính danh.

Nhật Bản được cho là nơi mang lại nguồn thu lớn nhất của giáo phái trong nhiều thập kỷ qua.

Giáo hội Thống nhất và đảng LDP được cho là có chung một số quan điểm, chẳng hạn như phản đối hôn nhân đồng giới và ủng hộ việc sửa đổi hiến pháp theo chủ nghĩa hòa bình của Nhật Bản.

Nghi phạm ám sát ông Abe đã nói trên mạng xã hội rằng Giáo hội Thống nhất đã thuyết phục mẹ mình quyên góp số tiền khoảng 100 triệu yen, tương đương hơn 17 tỉ đồng.

Sau khi vụ việc xảy ra, giáo phái cho biết đã trả lại khoản tiền tương đương hơn 9 tỉ đồng cho người mẹ, đồng thời cũng phủ nhận việc ép buộc và từ chối bình luận về vấn đề số tiền quyên góp trên.

Giáo phái cũng cho biết ông Abe không phải là một thành viên cũng không phải là một cố vấn.

Ông Tomihiro Tanaka, Chủ tịch Giáo hội Thống Nhất, tại Nhật Bản cho biết “Câu hỏi chúng tôi có ảnh hưởng đến các chính trị gia Nhật Bản hay không, tôi nghĩ đây là điều cần được người khác đánh giá một cách khách quan. Nhưng đúng là chúng tôi có mối liên hệ chặt chẽ với chính trị thông qua các tổ chức liên kết”.

Chưa truy tố được kẻ bắn ông Shinzo Abe vì còn chờ giám định tâm thần

Theo đài NHK, mức ủng hộ nội các của Thủ tướng Kishida đã giảm còn 46%, tức là mức thấp nhất kể từ khi ông lên nắm quyền vào tháng 10.2021. Nhiều người tham gia cuộc thăm dò ý kiến cho rằng cần có một lời giải thích cho mối quan hệ giữa các chính trị gia trong nội các và giáo phái.

Ông Kishida nói rằng các thành viên nội các và các quan chức đảng cầm quyền mới được bổ nhiệm phải “rà soát kỹ lưỡng” liên hệ với Giáo hội Thống nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.