Vì sao tiểu thương khó livestream bán hàng?

22/05/2024 08:00 GMT+7

'Bán hàng online đòi hỏi phải hiểu rõ công nghệ, chức năng điện thoại, quan trọng nhất là phải hoạt ngôn, có sức khỏe và biết cách lấy lòng người mua, tôi lớn tuổi rồi làm sao mà nhanh nhẹn như vậy được?', bà Hoàng Thị Cúc, tiểu thương bán bì chả ở chợ Đa Kao than thở.

Một tiểu thương livestream để bán vải áo dài

Một tiểu thương livestream để bán vải áo dài

CTV

Tiểu thương hụt hơi

Khi làn sóng bán hàng online đang lan rộng, đặc biệt hình thức bán trực tuyến qua livestream mạng xã hội ngày càng phổ biến thì các tiểu thương ở các chợ đang phải duy trì khách hàng khó khăn hơn. Hơn một năm qua, tình hình kinh doanh ở chợ Phạm Văn Hai đang giảm sút. Bà H.Y.N, 58 tuổi, tiểu thương kinh doanh vải ở ngôi chợ này, bộc bạch: "Khách đi chợ ngày càng ít, khách đến chợ mua vải càng ít hơn. Tôi cũng nghe người ta khuyên nên tìm cách bán trên mạng vì bây giờ người mua tập trung ở trên đó. Nhưng tôi cầm điện thoại chỉ biết gọi video call cho con cháu là giỏi lắm rồi, chứ đâu biết làm sao để vào livestream bán hàng, đâu biết chào mời nói chuyện gì. Nhìn thấy người khác làm được nhưng chưa chắc mình làm được".

Thiếu tự tin, hạn chế kỹ năng giao tiếp và trình độ công nghệ đang là rào cản lớn nhất của các tiểu thương chợ truyền thống. Bà Hoàng Thị Cúc, năm nay đã hơn 70 tuổi, kinh doanh mặt hàng bì heo mấy chục năm nay, có lượng khách quen kha khá nhưng cũng lao đao vì sức mua suy giảm. "Món bì heo cuốn bánh tráng của tôi được rất nhiều người thích, nếu bán online được thì sẽ tăng thêm lượng khách tiêu thụ, nhưng khổ nỗi tôi lớn tuổi rồi, không biết cách nào để bán online chứ đừng nói là livestream. Hiện nay, tôi cũng chỉ duy trì lượng khách quen nhất định, đến khi nào không còn sức khỏe nữa thì thôi".

Trong thực tế, hoạt động bán hàng qua livestream đã được một số tiểu thương kinh doanh tại các chợ sỉ truyền thống thực hiện từ rất sớm. Đơn cử tại chợ An Đông, Bến Thành... Tuy nhiên, số lượng tiểu thương bắt kịp xu hướng mới rất ít. Sau đó, một số ban quản lý chợ học hỏi, có trao đổi và khuyến khích tiểu thương livestream bán hàng để tăng mãi lực, song điều này không dễ. Bởi đa số tiểu thương lớn tuổi, theo mô hình kinh doanh truyền thống, mua bán trực tiếp nên không đủ kỹ năng bán hàng qua mạng.

Ngay như Master Chef Phan Tôn Tịnh Hải, nổi tiếng là giảng viên, giám khảo trong lĩnh vực ẩm thực, cũng gặp khó khăn trong việc quảng bá sản phẩm qua kênh online. Nữ đầu bếp chia sẻ: "Việc bán hàng livestream cần có lượng khách quen và có thời gian để duy trì tương tác liên tục. Tôi có nhiều sản phẩm chất lượng, được khách hàng đánh giá cao nhưng công việc lại quá bận rộn, dù rất muốn và ấp ủ xây dựng một kênh bán hàng qua mạng nhưng hiện nay tôi thỉnh thoảng chia sẻ vài video clip nấu ăn chứ thực tế không thể sắp xếp để bán hàng online được".

Bán hàng livestream có dễ không?

Vì sao tiểu thương khó livestream bán hàng?- Ảnh 2.

Hình thức bán hàng qua livestream đang ngày càng phổ biến

ĐINH ĐANG

Chị Dịu Yến, năm nay 29 tuổi, dù còn khá trẻ nhưng đã có thâm niên gần chục năm kinh doanh online bán hàng thời trang. Dịu Yến chia sẻ: "Tôi từng kinh doanh qua rất nhiều mặt hàng, từ quán ăn, mở shop quần áo nhưng cuối cùng nhận thấy việc livestream bán hàng vẫn thuận tiện nhất. Việc livestream đòi hỏi phải có kỹ năng trò chuyện, có sức khỏe để kéo dài buổi bán hàng có lúc lên đến 8 giờ liên tục. Thử hình dung xem, có những buổi tôi đứng giới thiệu mẫu quần áo, vừa thử vừa trò chuyện, vừa chào mời, đến lúc kết thúc livestream thì đôi chân mỏi muốn rụng luôn".

Võ Văn Hải, một YouTuber khá lâu năm trong lĩnh vực bán hàng online cho biết: Livetream đòi hỏi phải hoạt ngôn, lanh lẹ, nói chuyện có duyên, có câu chuyện để thu hút người xem, thậm chí là phải đu "trend", tham gia vào các cuộc tranh luận trên mạng xã hội để tạo sự chú ý. Với những người xem kênh ủng hộ, họ mua hàng chỉ vì họ thích chủ kênh chứ không hẳn là vì nhu cầu. Chính vì vậy, một số chủ kênh YouTube ban đầu chỉ là lên mạng phân tích, bình luận các câu chuyện thời sự, nhưng khi có một lượng khán giả ủng hộ thì bắt đầu chuyển sang bán hàng online.

Anh Minh Khang, 40 tuổi, một người tham gia vào việc livestream để bán hàng online, nhận xét: "Hiện nay có nhiều kênh, nhiều nền tảng hỗ trợ bán hàng livestream, mỗi nền tảng đều có đặc điểm riêng. Ví dụ, nếu live trên TikTok hay Shopee đòi hỏi phải có nguồn hàng ổn định, có nhân viên bán hàng chuyên nghiệp để livestream cả ngày nhưng đơn hàng có khi bị hủy khá nhiều, thậm chí tỷ lệ "bom" hàng rất cao. Còn live trên Facebook sẽ tiếp cận được khách hàng quen biết lâu năm, có độ tin tưởng nhất định, tuy nhiên mạng xã hội này lại có các quy định về bản quyền, có các nguyên tắc cộng đồng rắc rối nên nhiều khi Fanpage bị "bay màu" đột ngột xem như mất tất cả, phải tìm lại khách hàng rất vất vả".

Chị Bông Nguyễn, thường livestream bán cây kiểng, mai vàng lại gặp tình cảnh khó khăn khác: "Bán hàng bằng hình thức livestream tiếp cận được rất nhiều khách hàng ở khắp mọi nơi, nhưng đối với cây kiểng có những hạn chế như đóng gói cồng kềnh, phí vận chuyển khá cao, thậm chí khi chuyển đến nơi cây bị gãy cành, gãy tán, khách không chịu nhận, khi trả hàng về thì cây héo, có khi bị chết . Để hạn chế tình trạng này, tôi chỉ nhận đơn khu vực phía nam, các tỉnh gần thôi chứ không dám nhận khách mua ở xa".

Mếu máo kinh doanh tụt dốc, tiểu thương chợ nhà giàu bỏ chục triệu học livestream bán hàng

Khách mua rồi nhưng từ chối nhận hàng hoặc "bom" hàng là mặt trái của hình thức kinh doanh online. Để hạn chế tình trạng này, nhiều ứng dụng hỗ trợ bán hàng online như GHTK hay SuperShip đã ứng dụng AI để phân tích các khách hàng đăng ký có tỷ lệ hủy hàng cao hoặc thấp. Hoặc để "chắc ăn" hơn, các chủ shop thường xuyên phải gọi điện thoại xác nhận trước khi giao để tránh bị "lỗ" phí ship.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.