HLV Luis Enrique của TBN khẳng định: giả sử có thêm quả phạt đền nữa, Ramos vẫn sẽ sút bóng. Sắp tới, Ramos vẫn sẽ sút bóng, khi TBN được hưởng phạt đền.
Vấn đề: có phải Enrique nói sai chuyên môn, hoặc ông đã... lạc hậu với dòng trôi chóng mặt của những diễn tiến ngày càng điên đảo trong môn bóng đá? Thôi thì, quyền đá phạt đền của Ramos là chuyện riêng của đội tuyển TBN và HLV Enrique. Ở đây có một bức tranh bao quát, đáng bàn hơn: quả phạt đền đang chi phối môn bóng đá đến một mức độ mà những người trong cuộc sẽ phải thay đổi cái nhìn về nó.
Bản thân quả phạt đền trong môn bóng đá luôn có cùng lúc hai điều tương phản với nhau. Một mặt, nó gần như "sẽ thành bàn thắng". Mặt khác, nó "không hề đảm bảo" sẽ có bàn thắng. Đây không phải là suy luận suông, mà là thực tế đã được nghiên cứu, kiểm nghiệm qua hàng trăm năm, thuộc đủ mọi đẳng cấp trong môn thể thao vua. Với cự ly ấy, những giới hạn ấy về những khả năng của loài người, kích thước ấy của khung thành, quả phạt đền trong môn bóng đá được quy ra một xác suất cỡ 80%-85% khả năng thành bàn, giảm đi khoảng 5%-10% trong thể thức đá luân lưu 11m.
Đâu phải ngẫu nhiên mà cự ly phạt đền phải là 11m - chứ không phải 10m trở xuống hay 12m trở lên! Chỉ ở cự ly ấy, quả phạt đền mới vừa đủ sức răn đe các cầu thủ phạm lỗi trong vùng cấm địa (sẽ đối diện một bàn thua), lại vừa duy trì được kịch tính, vốn là yếu tố quan trọng nhất trong trò chơi bóng đá (dù là phạt đền đi nữa, cũng chưa chắc thành bàn).
|
Trên nguyên tắc, nếu không biết chắc người ta phạm lỗi, thì bạn không được kết tội. Quả phạt đền trong môn bóng đá cũng vậy. Trước một diễn tiến phức tạp, ở tốc độ cao, trong rừng cầu thủ hỗn loạn, hiếm ai dám quả quyết chắc chắn rằng đấy là một pha phạm lỗi. Quả phạt đền xuất hiện ít hơn so với sự thật là vì vậy. Nhưng cần nhấn mạnh: ít hơn hẳn.
Từ khi có VAR thì hễ phạm lỗi là dính phạt đền, đơn giản vì người ta được coi lại những điều mà trước đó, theo khoa học, mắt và não của loại người không thể theo kịp. Trong khi nhiều người mải loay hoay với luật mới về khái niệm "handball", thì VAR mới là nguyên nhân lớn nhất làm cho tần suất xuất hiện của quả phạt đền tăng vọt trong bóng đá đỉnh cao. Tăng lên bao nhiêu? Xin thưa là 110% ở Premier League, và cũng tương tự như tế ở mọi giải đấu quan trọng khác. Tóm lại là tăng hơn gấp đôi!
Tập sút phạt đền là điều bắt buộc, chưa kể còn phải có chiến thuật, chiến lược sút phạt đền nữa. Trong cái thời buổi mà người ta sẵn sàng ca ngợi chuyện Liverpool có HLV ném biên, Cristiano Ronaldo có... HLV ngủ, thì quá phản khoa học, phản bóng đá, khi giới bóng đá lại tỏ ra thờ ơ với việc sút phạt đền.
|
"Ramos vẫn sút" - nếu không phải là sự động viên tinh thần, thì HLV Enrique đã nói một câu phản bóng đá rồi. Thật ra, khá nhiều đội khác - từ CLB đến ĐTQG - cũng đang có thông lệ này (luôn định sẵn ai sút phạt đền, ai là người tiếp theo). Và đấy chính là những đội sẽ có nguy cơ thất bại vì quả phạt đền.
Cả thủ môn lẫn người sút bóng đã có thói quen nghiên cứu lẫn nhau từ nhiều năm nay. Sao cứ phải là Ramos? Không ít "chuyên gia sút phạt đền", như Bruno Fernandes (M.U) hoặc Jorginho (Chelsea), đều đã sút hỏng trong thời gian gần đây. Xem kiểu sút "nhảy chân sáo" của các ngôi sao này, người xem rất dễ cảm nhận thái độ xem thường đối phương và sự tự tin quá lố của họ. Jamie Vardy hoặc Harry Kane thì khác hẳn. Đấy là những cú sút căng, chính xác, đa dạng về điểm rơi, nói chung là "không thể chống đỡ". Kane luyện khoảng 50 quả phạt đền, đều đặn trong mỗi buổi tập!
Ngoài chuyện sút 11m thế nào, một bài quan trọng khác sẽ xuất hiện trên sân tập trong những ngày sắp tới: làm sao để hạn chế nguy cơ phải chịu phạt đền. Làm sao thì làm, đây là lúc quả phạt đền đang lên ngôi trong bóng đá đỉnh cao.
Bình luận (0)