Vì sao Trường ĐH Thủ Dầu Một phải ‘đóng cửa’ 13 ngành đào tạo?

Đỗ Trường
Đỗ Trường
09/04/2024 16:03 GMT+7

Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương) lý giải việc phải ngừng tuyển sinh 13 ngành đào tạo do ít sinh viên lựa chọn hoặc ngành suy giảm người học.

Ngày 9.4, TS Ngô Hồng Điệp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủ Dầu Một, cho biết từ năm 2022, nhà trường đã chủ động ngừng tuyển sinh 11 ngành đào tạo; đến năm 2023 tiếp tục ngừng tuyển sinh thêm 2 ngành khác.

Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủ Dầu Một cho hay khi mở một mã ngành mới, nhà trường phải dựa trên nhu cầu thực tế của người học, kết quả khảo sát thị trường lao động và cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy phải đảm các yêu cầu theo quy định.

"Khi dừng tuyển sinh một mã ngành nào, trường phải dựa trên những dự báo, căn cứ khách quan để đưa ra quyết định và cũng đã báo cáo đầy đủ cho Bộ GD-ĐT", TS Ngô Hồng Điệp cho biết.

Theo TS Điệp, đa số mã ngành trường ngừng tuyển sinh trong những năm qua nhận được ít sự lựa chọn theo học của sinh viên hoặc ngành suy giảm người học. 

Cụ thể, trong những năm đầu tuyển sinh, số lượng sinh viên theo học từng ngành đủ để duy trì. Tuy nhiên, càng về những năm sau, số lượng thí sinh chọn lựa các ngành học đó càng giảm, dịch chuyển sang những ngành học khác theo xu thế phát triển của thị trường lao động.

"Đa số ngành ngừng tuyển sinh rơi vào các ngành khoa học cơ bản như: lịch sử, vật lý học, địa lý học, chính trị học, văn học...", Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủ Dầu Một cho biết thêm.

Vì sao Trường ĐH Thủ Dầu Một phải ‘đóng cửa’ 13 ngành đào tạo?- Ảnh 1.

Trường ĐH Thủ Dầu Một

ĐỖ TRƯỜNG

Ngoài ra, theo TS Điệp, một trong những lý do để "đóng" ngành là sự thay đổi theo quy định về đội ngũ nhân sự giảng viên đứng mã ngành. Trường ĐH Thủ Dầu Một gặp không ít khó khăn về đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ đáp ứng quy định mới. 

Theo TS Điệp, cụ thể là Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ban hành ngày 18.1.2022. Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT trước đây chỉ yêu cầu mỗi ngành có ít nhất 10 giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ trở lên cùng ngành hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo, trong đó có ít nhất 1 tiến sĩ và 4 thạc sĩ, hoặc 2 tiến sĩ và 2 thạc sĩ cùng ngành đăng ký đào tạo. Nay Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT (áp dụng từ ngày 4.3.2022) yêu cầu phải có ít nhất 1 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu, không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ đại học của các ngành khác; 5 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp để chủ trì giảng dạy chương trình, trong đó mỗi thành phần của chương trình đào tạo phải có giảng viên với chuyên môn phù hợp chủ trì giảng dạy.

"Việc nhà trường tạm dừng tuyển sinh một số ngành do còn thiếu một số điều kiện duy trì ngành như: tự đảm bảo tính tuân thủ quy định của Bộ GD-ĐT, cũng như làm đúng cam kết về chất lượng đối với xã hội", TS Điệp đúc kết. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.