Vì sao tượng 'mèo vẫy tay' mang lại may mắn cho chủ nhân?

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
08/11/2022 14:54 GMT+7

Ở Việt Nam, tượng mèo vẫy tay rất quen thuộc. Loại tượng này có nguồn gốc từ Nhật Bản, tên gọi là Maneki-neko ( 招 き 猫), được cho là sẽ mang lại may mắn cho chủ nhân của nó.

Maneki-neko có nghĩa là “mèo vẫy tay”, ngày nay người ta thường trưng bày chúng gần cửa ra vào của các cửa hàng, nhà hàng, khách sạn, tiệm giặt ủi, quán bar, sòng bạc hoặc các cơ sở kinh doanh khác.

Theo truyền thống, tượng mèo Nhật Bản có màu đen, với một cái chân giơ lên giống như vẫy gọi. Người Nhật cho rằng con mèo giơ tay phải (chi trước phải) lên mời gọi là may mắn về tài chính, còn giơ tay trái (chi trước trái) lên là mời gọi khách hàng.

Ở Nhật Bản, mèo đen được coi là biểu tượng xua đuổi ma quỷ, giơ tay phải tượng trưng cho may mắn tài chính, giơ tay trái là mời gọi khách hàng

leafkyoto.net

Mỗi màu mang ý nghĩa khác nhau

Ở Nhật Bản, mèo đen được coi là biểu tượng xua đuổi ma quỷ; mèo đỏ có ý nghĩa xua đuổi bệnh tật. Riêng màu vàng thì tượng trưng cho việc cải thiện kết quả học tập, thịnh vượng và giàu có hoặc một mối quan hệ tốt; xanh lam là an toàn giao thông, sự nghiệp thành công; còn màu hồng là tình yêu suôn sẻ; màu tím biểu tượng cho cái đẹp và sự khỏe mạnh; riêng màu trắng (và tam thể) thì tiêu biểu nhất, tượng trưng cho may mắn.

Ngày nay, Maneki-neko còn nhiều màu sắc và kiểu dáng khác nữa. Ngoài tượng, người ta còn làm Maneki-neko dưới dạng móc khóa, con heo đất, chậu hoa và nhiều phương tiện khác.

Tư thế và cử chỉ

Thông thường, người Nhật chế tác loại mèo này trong tư thế ngồi, cầm một đồng xu koban, với một tay (chi trước) giơ lên ra hiệu. Khi thấy Maneki-neko lần đầu, nhiều người phương Tây nghĩ rằng con mèo này đang vẫy tay hơn là mời gọi. Chẳng qua là do sự khác biệt trong cử chỉ và ngôn ngữ cơ thể giữa người phương Tây và người Nhật mà thôi. Cử chỉ vẫy gọi của người Nhật là giơ bàn tay lên, úp lòng bàn tay xuống và liên tục gập các ngón tay xuống, còn nhiều nước ở phương Tây thì ngược lại. Do đó một số mèo Maneki-neko dành cho thị trường phương Tây được sản xuất một cách đặc biệt, có bàn tay (chi trước) hướng lên trên theo cử chỉ ra hiệu quen thuộc của phần lớn người phương Tây.

Mèo đực và mèo cái

Mèo may mắn chính thống ở Nhật Bản có thể chia thành 2 giới tính: mèo đực giơ tay phải tượng trưng cho may mắn và tài lộc; mèo cái giơ tay trái tượng trưng cho sự may mắn và vạn sự như ý. Hầu hết mèo trong các cửa hàng Nhật Bản là mèo cái, bởi vì người Nhật tin rằng xu hướng của con người, về cơ bản là thiên về tiền bạc.

Nguồn gốc mèo vẫy tay

Ở Nhật Bản, vào thời xa xưa, mèo Maneki-neko được coi là bùa may mắn cho nghề trồng dâu vì chúng đuổi được chuột phá hoại hoa màu và tằm. Loại mèo này lần đầu tiên xuất hiện vào cuối thời kỳ Edo, được ghi chép trong tài liệu của Bukō nenpyō năm 1852, còn tranh vẽ về chúng thì được tìm thấy trong tác phẩm của Utagawa Hiroshige, cũng vào năm 1852, mô tả mèo Marushime-neko - một biến thể của Maneki-neko hiện nay.

Mèo trắng (và tam thể) tượng trưng cho may mắn

jalan.net, item.rakuten.co.jp

Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của mèo Maneki-neko. Theo một câu chuyện dân gian, người điều hành cửa hàng nọ (hoặc quán trọ hay quán rượu…) đã cứu một con mèo hoang sắp chết đói. Để tỏ lòng biết ơn, con mèo ngồi trước cửa hàng vẫy gọi khách hàng, mang lại sự thịnh vượng cho người chủ thiện tâm này. Về sau, "mèo vẫy tay chào" trở thành biểu tượng may mắn cho các chủ doanh nghiệp nhỏ.

Một thuyết khác cho rằng, vào năm 1852, một bà lão sống ở Hanakawado, Asakusa đã buộc phải từ bỏ con mèo yêu quý của mình vì nghèo. Sau đó, con mèo xuất hiện trong giấc mơ của bà, nói rằng: “Nếu bà làm một con búp bê giống hệt như con, bà sẽ nhận được may mắn”.

Do mèo vẫy tay rất phổ biến trong cộng đồng người Hoa ở Việt Nam, (kể cả các khu phố Tàu ở nước Mỹ) nên nhiều người nghĩ rằng Maneki-neko có nguồn gốc từ Trung Quốc hơn là Nhật Bản, và đôi khi còn gọi là "mèo may mắn của Trung Quốc" .

Ngoài tượng, người ta còn làm Maneki-neko dưới dạng đồ chơi, móc khóa, con heo đất và nhiều phương tiện khác

prtimes.jp, fujimaki-select.com

Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì tượng mèo này cũng phổ biến ở Trung Quốc, thường được gọi là Chiêu tài miêu (招财 猫). Người ta thường đặt chúng ở góc phố với đồng tiền trong tay trái. Ở Đài Loan, nhiều cửa hàng đã đặt tượng mèo này tại mặt tiền và phía sau quầy đăng ký hoặc ở lối ra vào của các nhà hàng. Riêng về tượng mèo may mắn theo phong cách Đài Loan thì giơ tay như muốn hoan nghênh sự trường thọ, trên bụng treo một thỏi vàng.

Nhìn chung, vào thời cổ, người ta chế tác thủ công loại mèo vẫy tay bằng gỗ, đá, kim loại, sứ hoặc gang; ngày nay thì chủ yếu làm bằng gốm hoặc nhựa; ngoài việc vận hành mèo Maneki-neko bằng điện, người ta còn sử dụng pin hoặc năng lượng mặt trời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.