Từ tháng 9.2024, các nhà mạng sẽ bắt đầu tắt sóng 2G theo lộ trình cam kết. Theo đó, các thiết bị đầu cuối chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn 2G hay gọi nôm na là điện thoại "cục gạch", điện thoại màn hình đen trắng sẽ bị ngừng cung cấp dịch vụ. Với thông tin trên, lượng thuê bao 2G tại Việt Nam đang giảm rất nhanh, song song đó nhu cầu mua sắm điện thoại 4G để thay thế cũng tăng lên thấy rõ ở các cửa hàng bán lẻ thiết bị di động. Tuy nhiên, thị trường di động Việt Nam hiện vẫn còn khoảng hơn 10 triệu thuê bao 2G. Ước tính của các nhà mạng cho thấy, nếu vẫn giữ nguyên tốc độ chuyển đổi như hiện tại, đến trước thời điểm các doanh nghiệp buộc ngừng hoạt động, cả nước còn tới hàng triệu thuê bao 2G vẫn "vô tư" không chuyển đổi.
Theo VNPT VinaPhone, mặc dù được tích cực truyền thông, chia sẻ thông tin và khuyến khích người sử dụng điện thoại 2G chuyển đổi, thế nhưng vẫn có một tỷ lệ khách hàng không nắm được thông tin về chủ trương tắt sóng 2G. Thậm chí khi tổng đài viên VinaPhone gọi tới các thuê bao 2G để thông báo, có khoảng 47% khách hàng đồng ý đổi máy, nhưng vẫn còn 25% khách hàng không hợp tác. Với Viettel, tỷ lệ thuê bao 2G không hợp tác chiếm khoảng 30-35%. Tỷ lệ này dao động từ 20-25% với thuê bao của MobiFone và khoảng 20% với Vietnamobile.
Lãnh đạo Viettel Telecom dự kiến đến thời điểm hạn chót ngày 15.9 sẽ giảm lượng thuê bao 2G xuống còn khoảng 2,2 triệu. Do đặc thù của thuê bao 2G Viettel là 73% ở khu vực nông thôn, miền núi. Số lượng hộ nghèo lớn, khả năng tiếp cận máy khó khăn. Hơn nữa, một bộ phận người tiêu dùng có tâm lý chủ quan chờ đợi đến sát thời hạn cuối cùng mới nâng cấp thiết bị. Trong khi đó, với MobiFone, đến tháng 9 năm nay, nhà mạng này dự kiến còn khoảng 700.000 thuê bao 2G chưa chuyển đổi thiết bị.
Nhà mạng này cũng nhận định nguyên nhân khiến người dùng điện thoại 2G "chây ì", bất hợp tác là do chủ thuê bao đa số sinh sống ở khu vực vùng sâu, vùng xa nên nhà mạng khó tiếp cận dù đã thực hiện nhiều hình thức truyền thông như báo chí, website, mạng xã hội, nhạc chuông chờ...
Trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo Cục Viễn thông cho biết, các nhà mạng đã cam kết sẽ giảm lượng thuê bao 2G xuống dưới tỉ lệ 5% để đủ điều kiện tắt sóng theo thông lệ quốc tế. Vì vậy, lộ trình tắt sóng 2G vào giữa tháng 9.2024 sẽ triển khai đúng kế hoạch. Đối với tình trạng vẫn còn lượng khách hàng không hợp tác, Cục Viễn thông yêu cầu các nhà mạng xác định rõ đối tượng chưa nhận thức rõ về việc chuyển đổi thuê bao và tắt sóng 2G là những ai, ở địa phương nào, từ đó tập trung tìm hiểu nguyên nhân xem ngoài vấn đề kinh phí, người dùng di động vẫn chưa quen với thiết bị mới hay còn gặp phải khó khăn gì để có biện pháp truyền thông cụ thể với từng đối tượng.
Việt Nam đã lựa chọn phương án tắt sóng 2G để thúc đẩy thực hiện mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến 2025, định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng đã phê duyệt là phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh đến từng người dân Việt Nam.
Theo các chuyên gia, đây sẽ là cuộc cách mạng để thúc đẩy Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số... một cách nhanh chóng và cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh và mạnh hơn. Khi 100% người dân sử dụng smartphone sẽ thúc đẩy những dịch vụ số phong phú hơn, dịch vụ dữ liệu được sử dụng nhiều hơn, nhà mạng có thêm doanh thu và cơ hội phát triển mới. Từ năm 2020, các nhà mạng đã có tính toán và đồng thuận với chủ trương dừng công nghệ 2G và Bộ TT-TT đã có những kế hoạch thực thi theo đúng lộ trình.
Bình luận (0)