Vì sao xuất khẩu thanh long mất vị thế 'trái cây tỉ đô'?

25/09/2023 17:45 GMT+7

Sau 5 năm liên tục là sản phẩm chủ lực của ngành rau quả có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD, từ năm 2022, xuất khẩu thanh long bắt đầu "tuột dốc", không còn giữ được vị thế "trái cây tỉ đô" của Việt Nam.

Thanh long hết thời?

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trước tháng 7.2022, thanh long luôn là sản phẩm chủ lực của ngành rau quả Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt trên 1 tỉ USD. Ngoài thị trường chính Trung Quốc, thanh long xuất khẩu đến các nước: Ấn Độ, Mỹ, EU, Thái Lan, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand…

Vì sao xuất khẩu thanh long 'tuột dốc' mất vị thế 'trái cây tỉ đô'? - Ảnh 1.

Xuất khẩu thanh long của Việt Nam ngày càng sụt giảm khi nhiều quốc gia đã trồng và mở rộng diện tích cây này

CÔNG HÂN

Năm 2017, thanh long lần đầu tiên lên "ngôi vương" trong nhóm trái cây xuất khẩu khi đạt 1,157 tỉ USD và liên tục duy trì vị thế "trái cây tỉ đô" đến năm 2021. Sau đó, xuất khẩu thanh long bắt đầu lao dốc, sụt giảm từ 1,042 tỉ USD (năm 2021) đã giảm xuống 642 triệu USD (năm 2022). Trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thanh long chỉ đạt 402 triệu USD.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng, nếu như 6 - 7 năm trước đây, Việt Nam là nguồn cung thanh long chủ yếu cho thị trường Trung Quốc và Thái Lan, nhưng gần đây, các nước này xác định thanh long là cây trồng chính, đang tập trung phát triển thành cây chủ lực.

Cụ thể với Trung Quốc, từng là thị trường xuất khẩu thanh long lớn nhất của Việt Nam, luôn chiếm hơn 80% sản lượng hàng năm, những năm gần đây đã mở rộng diện tích trồng thanh long. Mới đây, Trung Quốc công bố trồng được 67.000 ha thanh long, sản lượng 1,6 triệu tấn, nhiều hơn Việt Nam cả về diện tích, sản lượng. "Đây là nguyên nhân xuất khẩu thanh long của Việt Nam mất dần ưu thế tại Trung Quốc", ông Nguyên nói.

Cũng theo ông Nguyên, ngoài Trung Quốc, các nước Nam Mỹ như Peru, Mexico, nhất là Ecuador đã trồng nhiều thanh long. Họ áp dụng công nghệ thắp đèn để thanh long cho thu hoạch quanh năm. Có ưu thế về vị trí địa lý, chi phí logistics thấp hơn nhiều so với Việt Nam nên thanh long từ các nước này đã chiếm lĩnh thị trường Mỹ, EU, thu hẹp thị phần của thanh long Việt Nam. 

Ấn Độ, trước đây thị trường này chiếm 8 - 10% kim ngạch xuất khẩu thanh long Việt Nam, cũng đang phát triển mạnh diện tích và đã trồng được 50.000 ha thanh long.

"Các vùng trồng thanh long gia tăng ở nhiều khu vực trên thế giới. Họ nghiên cứu thêm những giống thanh long có chất lượng cao, đây là áp lực rất lớn với thanh long Việt Nam", ông Nguyên nói.

Đầu tư chế biến, bảo quản, nâng chất lượng thanh long

Cũng theo ông Đặng Phúc Nguyên, ngành thanh long Việt Nam đang đối mặt với 2 thách thức từ vùng trồng trọt và công nghệ bảo quản chế biến.

Thứ nhất, để nâng cao chất lượng, nông dân lạm dụng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, dùng không đúng liều lượng khiến thanh long sau khi thu hoạch vẫn có dư lượng vượt mức quy định, không đáp ứng quy định an toàn về thực phẩm của một số nước nhập khẩu. Trong khi đó, EU đang áp dụng lấy mẫu thanh long với tỷ lệ 20% lô hàng để kiểm tra dư lượng hóa chất. Mới đây, Anh cũng yêu cầu lấy mẫu tới 50% lô hàng, khiến việc xuất khẩu đến các thị trường này sụt giảm.

Thứ hai, quả thanh long dễ hư hại, sau khi thu hoạch cần được bảo quản đúng cách để đảm bảo chất lượng nhưng công nghệ bảo quản thanh long tươi của Việt Nam còn hạn chế, chưa được 60 ngày nên khó xuất khẩu bằng tàu biển đi xa mà phải chở bằng máy bay, cước phí cao nên rất khó tiêu thụ số lượng nhiều.

"Cần đặt hàng các cơ quan khoa học kỹ thuật nghiên cứu kỹ thuật bảo quản trái thanh long được dài ngày để xuất khẩu đến các thị trường xa bằng tàu container giống như trái cherry của Chile. Họ bảo quản được ít nhất 60 ngày và là nước xuất khẩu nhiều cherry nhiều nhất vào Trung Quốc dù khoảng cách giữa hai nước gần nửa vòng trái đất", ông Nguyên nói.

Đề xuất giải pháp giữ thị trường xuất khẩu thanh long, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, các địa phương không mở rộng thêm diện tích trồng mới; chỉ thay thế các vườn thanh long già cỗi để có năng suất, chất lượng trái tốt hơn. Các địa phương, doanh nghiệp cũng cần hướng dẫn người dân nâng cao kỹ thuật canh tác, đảm bảo tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu, tránh tình trạng bị nâng tỷ lệ kiểm tra như EU đang áp dụng.

"Bên cạnh sản phẩm nước ép, sấy khô hiện nay, các doanh nghiệp, nhà khoa học nghiên cứu thanh long để chế biến thanh long thành sản phẩm mỹ phẩm phục vụ làm đẹp như mặt nạ , kem dưỡng da… cho tiêu dùng trong nước và xuất như các nước Nam Mỹ đang làm", ông Nguyên nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.