Ông Phan Thế Phương, nguyên Giám đốc Sở Thủy sản Thừa Thiên-Huế được ngư dân thờ tự như một vị thần trên phá Tam Giang.
Ngôi trường mang tên ông Phan Thế Phương ở xã Quảng Công - Ảnh: Tuyết Khoa |
Về xã Quảng Công (H.Quảng Điền) nhìn ra phá Tam Giang, hàng loạt ao hồ nuôi trồng thủy hải sản nối tiếp nhau. Chuyện về ông Phan Thế Phương được người dân nơi đây kể đầy trìu mến lẫn tự hào. Câu chuyện dù đã cũ nhưng vẫn luôn lôi cuốn và mang lại nhiều xúc cảm cho người nghe.
Ông Phạm Hóa (69 tuổi, trú thôn 14) nói: “Về đây hỏi ông Phương, ai cũng biết. Nhờ ông mà dân vùng phá, đặc biệt là dân của thôn tui mới thay da đổi thịt như ngày hôm nay”. Ông Hóa kể, sau cơn bão lịch sử năm 1985, rất nhiều ngư dân sống trên phá Tam Giang lần lượt lên bờ. Người thôn 14 cũng nằm trong số đó.
|
Cuộc sống bấp bênh, đói kém, kinh tế chủ yếu dựa vào việc đánh bắt cá tôm. Năm 1989, ông Phương đi đò về, ra tận ngoài đầm phá khảo sát tình hình, nói chuyện với bà con về việc nuôi tôm trên phá Tam Giang để làm giàu. Sau đó, ông tổ chức hội nghị đầu bờ tại thôn 14, ngư dân đến rất đông, có cả người xã khác. Đặc biệt, nhiều giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư đến từ nhiều trường đại học cũng về tham dự.
“Ngày đó, mỗi tuần ông về ở lại 3 - 4 ngày mới lên phố. Với chiếc áo sơ mi trắng đã ngã màu, nhìn ông chất phát như ngư dân. Cứ lội ra phá là bác lại xắn tay lên làm và hướng dẫn người dân làm hồ và chăm sóc tôm. Rất nhiều kỹ sư cũng về với ông để hướng dẫn kỹ thuật cho bà con. Mẻ tôm đầu tiên thu hoạch thành công, ông và bà con chúng tôi mừng chảy nước mắt”, ông Hóa kể.
Theo ông Phạm Đống, cán bộ thủy sản xã Quảng Công, Quảng Công là địa bàn đầu tiên được ông Phương về hướng dẫn nuôi trồng thủy hải sản. Từ đây, ông Phương tiếp tục triển khai việc nuôi trồng thủy hải sản khắp địa bàn tỉnh. Bà con vùng phá vốn dựa vào đánh bắt, chẳng ai nghĩ đến việc làm hồ nuôi tôm, phát triển kinh tế. Hiện nay toàn xã nuôi trồng thủy hải sản trên phá hơn 120 ha, hằng năm thu hơn 20 tỉ đồng. Nhờ nuôi tôm, dân trong vùng không chỉ ổn định cuộc sống mà còn đổi đời, đặc biệt là thôn 14. Ông Phương được người dân nơi đây biết ơn và tôn làm thần hoàng làng.
Song điều không ngờ đã đến, ông Phương ra đi đột ngột trong một chuyến công tác miền Nam nhằm tìm hướng đi cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của tỉnh Thừa Thiên-Huế vào năm 1991.
Bà Phan Thị Thảo (50 tuổi, trú tại thôn 14) kể: “Nghe mà không tin nổi. Ai cũng khóc như mất người thân vậy, chẳng thiết làm gì. Cứ nhớ cảnh ông cùng chúng tôi ra phá chăm tôm suốt mấy năm qua mà ứa nước mắt. Chúng tôi chưa thấy vị giám đốc mô mà tốt, gần gũi và lo cho dân như ông Phương”.
Thắp nén nhang và lau di ảnh ông Phương ở một cái miếu bên hồ cá, bà Thảo cho biết: Sau ngày ông Phương mất, người dân thôn 14 đã lập miếu thờ để tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn. Bà con thường xuyên cúng bái và tổ chức kỵ giỗ cho ông như một vị thần.
Theo ông Nguyễn Hữu Truyền, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Công, thể theo tâm nguyện của cán bộ và nhân dân xã Quảng Công, UBND H.Quảng Điền đã quyết định đổi tên Trường THCS Quảng Công thành Trường THCS Phan Thế Phương vào ngày 27.10.2013. Sự kiện này được người dân vùng phá Tam Giang vui mừng và tập trung về dự lễ.
Khi được hỏi về ông Phan Thế Phương, đa phần học sinh nơi đây đều trả lời vanh vách, đầy tự hào như một vị thần đã đi vào lịch sử, một huyền thoại của người dân trên phá Tam Giang.
Bình luận (0)