Vị thế Mỹ và Trung Quốc ra sao trong một cuộc chiến thương mại?

Thu Thảo
Thu Thảo
07/04/2018 10:54 GMT+7

Bài viết này là nhận định của cựu Chủ tịch Morgan Stanley Asia Stephen Roach đăng tải trên mục Bloomberg View về vị thế của hai cường quốc trong một cuộc chiến thương mại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tiến thêm nước nữa trong căng thẳng thương mại ngày càng leo thang với Trung Quốc khi đe dọa áp thuế thêm 100 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Đại lục, sau khi đã đe dọa áp thuế lên 50 tỉ USD hàng hóa trong lần đầu tiên. Song làm thế, chính quyền của ông Trump không đánh giá được một thực tế quan trọng: Mỹ cần Trung Quốc nhiều hơn Trung Quốc cần Mỹ.
Trung Quốc vẫn là nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, và Mỹ là nhà tiêu dùng lớn nhất của nước này. Tuy nhiên tỷ lệ xuất khẩu trong GDP Trung Quốc giảm từ 37% năm 2007 xuống còn dưới 20% năm nay, mức giảm đáng kể sau nỗ lực tái cân bằng kéo dài một thập niên. Bằng cách tăng cường hỗ trợ nhờ nhu cầu trong nước, Trung Quốc có thể chịu áp lực thuế quan và nhiều biện pháp khác nhắm vào hàng xuất khẩu.
Song Mỹ lại chẳng có lá chắn nào. Mỹ phụ thuộc nhiều vào hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, các loại hàng hóa mà nhiều người Mỹ có thu nhập thấp cần để sống qua ngày. Mỹ cũng phụ thuộc vào Trung Quốc trong mảng xuất khẩu: Bên cạnh Mexico và Canada, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba và là thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ.
Và dĩ nhiên, Mỹ còn phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc tài trợ cho thâm hụt ngân sách. Đây là nước nắm lượng Trái phiếu kho bạc Mỹ lớn nhất, sở hữu trực tiếp khoảng 1.300 tỉ USD nợ Mỹ. Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc vì điểm yếu cơ bản trong cấu trúc kinh tế Mỹ: tiết kiệm trong nước thiếu trầm trọng, đáng kể. Quý 4/2017, tỷ lệ tiết kiệm ròng trong nước (tổng tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình, doanh nghiệp và khu vực công điều chỉnh khấu hao) chỉ đạt 1,3% thu nhập cả nước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói chuyện với báo giới bên ngoài chiếc Air Force One hôm 5.4 Ảnh: Reuters
Thiếu tiết kiệm trong nước nhưng lại muốn tiêu thụ và phát triển nên Mỹ phải nhập khẩu từ nước ngoài, có thâm hụt thương mại cùng cán cân thanh toán lớn. Năm 2017, Mỹ thâm hụt thương mại với 102 quốc gia. Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ đích danh Trung Quốc làm nhân vật phản diện trong bi kịch Mỹ, song thực ra ông nên nhìn vào gương.
Trước hết, ông liên tiếp nhấn mạnh rằng thâm hụt thương mại Mỹ - Trung là 500 tỉ USD, cao hơn 1/3 so với con số thực tế được Bộ Thương mại Mỹ đưa ra là 375 tỉ USD.
Thứ nhì, số liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Thế giới (OECD) cùng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho thấy ít nhất 40% sự mất cân bằng song phương này phản ánh ảnh hưởng của chuỗi cung ứng các bộ phận được sản xuất bên ngoài Trung Quốc nhưng lắp ráp ở Trung Quốc. Điều này có nghĩa là nếu dựa theo giá trị gia tăng của những sản phẩm thực sự được sản xuất ở Trung Quốc, 47% thâm hụt thương mại Mỹ đổ cho Trung Quốc sẽ hạ xuống còn khoảng 28%. Đúng là con số trên vẫn lớn, song nó thấp hơn nhiều so với tuyên bố của Tổng thống Trump và các số liệu chính thức từ Bộ Thương mại Mỹ.
Thứ ba, thâm hụt ngân sách của ông Trump sẽ khiến các vấn đề thương mại Mỹ tồi tệ hơn. Nền kinh tế ít tiết kiệm của Mỹ không thể đi qua các chu kỳ kinh tế mà không có thâm hụt thương mại. Với mức giảm thuế là 1.500 tỉ USD trong 10 năm tới, và tăng chi tiêu thêm 300 tỉ USD, tỷ lệ tiết kiệm ròng trong nước đang tiến về số 0, hoặc thậm chí còn thấp hơn. Thâm hụt thương mại có thể theo đó lên cao hơn.
Và điều này dẫn đến sự thật mất lòng về Trung Quốc: chủ nghĩa bảo hộ khiến thâm hụt ngày càng lớn. Nhờ thuế quan của ông Trump, thâm hụt thương mại Trung Quốc giờ đây được phân bổ ra 101 nước khác, khiến Mỹ có thâm hụt thương mại nhiều phía. So với Trung Quốc, đây là các nước có chi phí sản xuất cao hơn, đồng nghĩa với việc phản ứng đáp trả sẽ tác động lên từng hộ gia đình mà ông Trump đang cam kết bảo vệ.
Trong quyển sách viết năm 2014, tôi trình bày ước tính về lợi ích sản xuất chi phí thấp của Trung Quốc, so sánh chi phí này với top 10 nước mà Mỹ nhập khẩu hàng hóa nhiều nhất. Đầu vào lao động Đại lục chỉ là 2,3 USD/giờ, trong khi trung bình của bốn nước mà Mỹ nhập khẩu nhiều hàng hóa khác là 26 USD/giờ. Thuế quan của ông Trump có thể khiến Mỹ nhập khẩu nhiều hàng hóa từ các nước có chi phí sản xuất cao hơn này, để lại hậu quả tiềm ẩn rất lớn với sức mua của người tiêu dùng Mỹ.
Có ba vấn đề cần được giải quyết để tránh cơn ác mộng này: Đầu tiên là giao tiếp, thứ nhì là thị trường, và cuối cùng là sở hữu trí tuệ. Trong những năm 1930, thuế quan bảo hộ và cuộc chiến thương mại trầm trọng hóa Đại suy thoái, làm bất ổn trật tự quốc tế. Đáng buồn thay, một trong các bài học đau đớn nhất của lịch sử hiện đại đang có nguy cơ bị bỏ qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.