Mong lại được đón Đại tướng về làng
Từ bao giờ chẳng biết, người Lệ Thủy đã quen gọi đoạn đường từ thị trấn Kiến Giang về xã Lộc Thủy là “đường về nhà bác Giáp”. Chúng tôi cảm nhận được tình yêu, niềm tự hào vô tận của người dân nơi đây ẩn chứa sau tên gọi bình dị ấy về một người con của làng An Xá: làng của Đại tướng.
Chúng tôi về nhà bác Giáp lần mới đây vào tháng 7.2010. Dường như đã quá quen với những cuộc viếng thăm này, và dường như không nhớ được chúng tôi đã đến đây nhiều lần, ông Hàm vẫn xởi lởi giới thiệu: “Tui là Võ Đại Hàm, cháu gọi Đại tướng bằng ông, tui chịu trách nhiệm trông coi ngôi nhà này. Mấy anh mấy chị vô nhà đi...”.
Ông Hàm nhanh nhẹn chống hết mấy chiếc chái tranh trước hiên nhà, nắng tràn ngập những gian nhà nhỏ, kiểu nhà truyền thống của người Lệ Thủy, được gọi là nhà “ba gian hai chái năm lòng”. Nền nhà được đắp bằng đất. Ông Hàm cho biết, sau khi bị giặc Pháp đốt căn nhà vào năm 1947, những vật dụng trong nhà cũng bị thiêu hủy. Sau này, khi ngôi nhà được phục dựng nguyên trạng, người dân Lệ Thủy đã sưu tầm gần như đầy đủ những vật dụng cũ để bổ sung cho ngôi nhà.
Trưa nắng, chúng tôi ngồi trong hiên nhà ngó ra sân, hình dung lại tuổi thơ của Đại tướng trong khu vườn rợp bóng vú sữa, khế, mít, lựu, mai và hai hàng chè mạn hảo (chè tàu), dâm bụt đan xen nhau kéo dài từ cửa ngõ bằng gỗ vào nhà, một khu vườn bình dị như bao khu vườn khác ở vùng nông thôn Lệ Thủy. Đôi hàng cau cao vút đứng cạnh bể nước có chiếc chõng tre trên nền gạch đỏ au có thể là nơi cụ đồ Nghiêm ngồi thư giãn những chiều hè, là nơi cậu Giáp được cha mình dạy những bài học đầu tiên về tình yêu quê hương, đất nước để từ đó bắt đầu những suy tư về vận mệnh nước nhà, là cội nguồn của bao chiến công lừng lẫy trong suốt cuộc đời binh nghiệp sau này của Đại tướng. Và gian nhà nhỏ vừa được dùng làm bếp vừa là chỗ ngủ cho các chị em gái của Đại tướng như vẫn ấm hơi người bởi bàn tay chăm sóc của ông Võ Đại Hàm.
Bố ông Hàm là bộ đội địa phương huyện Lệ Thủy, hy sinh năm 1947. Năm 1955, ông Hàm được Đại tướng đưa ra Hà Nội đi học. Ông học Đại học Bách khoa Hà Nội, sau này học thêm ở Trung Quốc. Năm 1978, khi ngôi nhà được nhân dân huyện Lệ Thủy phục dựng, Đại tướng đã động viên ông Hàm trở về trông coi ngôi nhà.
Học để hoàn thiện bản thân
Vẫn giản dị trong bộ quân phục quen thuộc đến thân thương, 8 giờ sáng 20.4.2002, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất hiện trước cổng trường THPT chuyên Quảng Bình. Những gương mặt hồn nhiên sáng bừng lên khi vị tướng già bước đi giữa hai hàng học sinh và đưa tay vẫy cùng nụ cười đôn hậu trên môi...
Vị tướng già, người từng là thầy giáo trường tư thục Thăng Long xưa, dù xa quê hơn 80 năm nhưng vẫn giữ ngữ điệu của người Lệ Thủy - Quảng Bình quê ông, nói như tâm sự về niềm vinh dự của các em khi là học sinh trường THPT chuyên, vì thế phải nỗ lực học tập và tu dưỡng: "Muốn làm được điều đó thì phải có cái đức, bởi cái đức là gốc của con người. Muốn trở thành thầy giáo giỏi, học sinh giỏi thì phải sống có đạo đức, có lý tưởng"...
Giữa câu chuyện, ông nhắc tên hai học sinh từng tham gia kỳ thi “Đường lên đỉnh Olympia” là Quỳnh Trang và Phong Nhã. Đại tướng đề nghị hai em đứng dậy và toàn trường vỗ tay chúc mừng. Ông nói: "Qua theo dõi các cuộc thi của học sinh Quảng Bình thời gian gần đây, tôi thấy học sinh Quảng Bình rất giỏi, rất đáng tự hào... Trong chiến tranh, học sinh Quảng Bình học trong hầm, nhưng vẫn học rất tốt, bây giờ có điều kiện hơn trước cần phải phát huy hơn nữa tinh thần hiếu học ấy. Tri thức là của cải quý nhất của con người, của dân tộc và của nhân loại. Các cháu phải xác định học là để giúp nước, giúp dân, đưa tri thức tiến lên ngang tầm quốc gia, ngang tầm khu vực và thế giới... Các cháu dù đã giỏi cũng phải luôn luôn phấn đấu. Ngoài việc học tập ở lớp, ở trường thì cần phải có tinh thần tự học, học suốt đời. Chúng ta phải theo gương Bác, học nữa, học mãi, học để cống hiến cho quê hương, đất nước, học để hoàn thiện bản thân mình... Tôi cũng thế, vẫn phải luôn luôn học...".
Đã là đồng chí thì phải hết mình với nhau
Dịp về nhà cách đây 8 năm, cán bộ địa phương xã Lộc Thủy (Lệ Thủy) đến thăm Đại tướng tại nhà riêng ở làng An Xá, Đại tướng hỏi rất kỹ trong xã còn bao nhiêu hộ phải dùng nước sông Kiến Giang. Về chuyển đổi công nghệ làm chiếu cói (một nghề truyền thống của làng)... Đại tướng nhắc nhở cán bộ địa phương phải thực hiện dân chủ cơ sở mà thực hiện một cách thực sự, nhất là vấn đề tài chính, phải công khai minh bạch, có như thế dân mới tin vào cán bộ, chính quyền mới hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đến đây ông vỗ vai một cán bộ xã vừa cười vừa nói: “Tôi làm quân sự nhưng đã từng là "chuyên gia dân cày" đó nghe”.
Về thăm huyện Quảng Ninh, huyện từng sáp nhập với Lệ Thủy thành huyện Lệ Ninh sau đó lại tách ra, ai cũng bất ngờ khi Đại tướng hỏi lãnh đạo huyện đi cùng về một số trường hợp quy sai trong cải cách ruộng đất, trong đó có một gia đình ở Võ Xá, từng nuôi giấu Đại tướng. Khi nghe trả lời, nét mặt ông có vẻ không vui.
Tháng 11.2004 là lần về quê gần đây nhất, Đại tướng đã có một buổi gặp mặt và nói chuyện với cán bộ cốt cán trong tỉnh. Lần nào cũng thế, Đại tướng đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng khối đoàn kết. Ông hỏi tỉnh ta có điểm “nóng” không. Rồi hỏi Bí thư Thị ủy Đồng Hới bấy giờ là ông Hoàng Đạo: “Nội bộ thị xã có đoàn kết không?” và nhắc nhở cần làm tốt công tác chỉnh đốn Đảng. "Chỉnh đốn Đảng là chỉnh đốn với tinh thần đồng chí thương yêu và bảo ban nhau. Con người ta ai cũng có ưu, có khuyết, khi họ nhận ra khuyết điểm thì nên góp ý có tình có lý, đồng chí là phải hết mình với nhau. Con người Quảng Bình sống chân tình, phải lấy tình đồng chí, đồng đội để phê và tự phê".
***
Đại tướng năm nay tròn trăm tuổi, đã là đại thọ, nhưng trong lòng chúng tôi cũng như người dân làng An Xá và nhân dân cả nước đều thầm mong ông sẽ mãi trường thọ, để có một ngày Quảng Bình sẽ lại được đón Đại tướng trở về thăm ngôi nhà xưa cũ thân thương...
Nguyễn Thế Thịnh - Hiền Mai
Bình luận (0)