Vị tướng thiên tài và bình dị: Phục dựng nhà Đại tướng

30/08/2010 02:00 GMT+7

Chiến tranh kết thúc, non sông về một dải, người Lệ Thủy đau đáu một lòng là phải phục dựng lại ngôi nhà của Đại tướng đã bị bom đạn phá nát trước đó. Trọng trách ấy được giao cho ông Trương Nghi (giờ đã 78 tuổi, ở xã Mỹ Thủy, H.Lệ Thủy), chính là ông nội của tôi.

Một ngày đầu tháng 8, tôi tình cờ thấy ông nội đang lau chùi một bức ảnh đen trắng đã cũ rồi lồng vào khung kính cẩn thận treo trên tường ở chỗ trang trọng. Thấy lạ, tôi tiến lại gần xem thì đó là bức ảnh chụp chung của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông nội tôi thời trẻ.

Tò mò và ngạc nhiên, tôi hỏi ông về sự tích bức ảnh ấy. Với vẻ rạng ngời vui sướng, ông tôi nói: “May quá, đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng, ông đã tìm ra bức ảnh này. Đó là năm 1985, Đại tướng cùng gia đình về thăm quê, khi lên thăm và làm việc với huyện thì ông đã được chụp ảnh lưu niệm chung với Đại tướng. Lúc đó ông là Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lệ Ninh (hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh đã nhập thành huyện Lệ Ninh)”.

Nói không ngoa chứ ở Quảng Bình bây giờ ai cũng có thể trở thành nhà thơ khi viết về Đại tướng, thế nên rất khó để thống kê có bao nhiêu bài thơ viết tặng Đại tướng. Hội Văn học nghệ thuật tỉnh ra tập thơ, Hội cựu chiến binh, cựu giáo chức xã Lộc Thủy cũng in thơ tặng Đại tướng sau đó tổ chức ngâm thơ. Đó không phải là phong trào mà thể hiện lòng tôn kính, tình cảm yêu mến dành cho Đại tướng. Người Quảng Bình muốn làm nhiều hơn nữa. Tuyến du lịch: đường Hồ Chí Minh huyền thoại - Khu lăng mộ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh - Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nung nấu từ mấy năm nay, chỉ trong nay mai, ngôi nhà 3 gian 2 chái sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn và lưu lại trong tiềm thức của nhiều người.

Ông kể thêm rằng, chính trong dịp này, từ hình tượng Đại tướng đưa vợ về thăm quê, cảm xúc dâng trào, một người con của Lệ Thủy, nhạc sĩ Xuân Đồng đã sáng tác một mạch bài hát Đưa em về Kiến Giang, sau đó mang lên báo cáo với lãnh đạo huyện. Thấy lời nhạc hay quá, huyện tổ chức cho văn công huyện hát thử. Và giờ đây, bài hát như một món ăn tinh thần không thể thiếu không chỉ của người xứ Lệ. Nghe bài hát này lúc xa quê hay khi nó được vang lên trên hệ thống loa truyền thanh trong ngày đua thuyền dậy sóng sông Kiến Giang mừng Tết Độc lập, lòng bồi hồi xúc động, nước mắt dâng trào trong niềm tự hào thiêng liêng.

Lời bài hát có đoạn: “Anh đưa em về thăm quê anh xứ Lệ, nơi giọng hò ru anh thời thơ trẻ, sóng nước chan hòa ôm ấp tình quê...”.

Trong nhiều câu chuyện thú vị lần đầu tiên được nghe, tôi ấn tượng nhất về việc tổ chức phục dựng lại nhà Đại tướng tại quê nhà ở làng An Xá - ngôi nhà mà người dân quê tôi vẫn thường gọi một cách thân thương là nhà bác Giáp.

Trong chiến tranh, bom đạn oanh tạc đã phá nát toàn bộ ngôi nhà, chỉ còn lại duy nhất cây khế bên góc vườn. Vì thế, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng vào ngày 30.4.1975 thì hơn 2 tháng sau, huyện Lệ Thủy nhất trí khôi phục lại nhà bác Giáp để làm nhà lưu niệm. Lãnh đạo huyện giao ông tôi trọng trách này, lúc ấy ông là huyện ủy viên, ủy viên thư ký trực UBND huyện Lệ Thủy. Việc đầu tiên ông làm là hợp đồng với đoàn sơn tràng làng Quảng Cư vì ở làng này nổi tiếng nghề mộc, tháng 6 hợp đồng thì cuối tháng 9 bắt đầu khai cưa. Kèo làm bằng gỗ chua, cột bằng gỗ gõ. Chỉ huy phần mộc là ông Mơng, còn ông Tơ chỉ huy phần chạm trổ; phần nề (xây) do ông Yên cũng người Quảng Cư làm thợ cả. Các tay thợ này đều vang danh trong vùng. Vì điều kiện khó khăn nên phần mộc được đóng tại hội trường đội 20 - xã Phong Thủy sau đó mới chở về An Xá ráp.

Về cơ bản, ngôi nhà phục dựng y như nhà cũ của Đại tướng đó là bằng chua gõ kết cấu 3 gian 2 chái gài phên tre và có gian nhà ngang gọi là nhà bếp. Tuy nhiên do lúc đó không có người trông giữ nên có một số thay đổi cho hợp lý với điều kiện nắng mưa, lũ lụt của vùng đất chiêm trũng. Thứ nhất, tường xây bằng vữa gạch và nền láng xi-măng; thứ hai, cựa kè (cửa làm bằng tre và lá kè, có gậy chống lên sập xuống) được thay bằng “vỏ cua”, nghĩa là dựng thêm hai mái hình chữ V rộng gần 2m dài 8m ở phía trước mái nhà để che mưa cho khỏi tạt vào. Giữa năm 1976 thì hoàn thành công việc.

Ông tôi cho biết, khi có chủ trương phục dựng, huyện đã xin ý kiến của Đại tướng. Và Đại tướng rất vui khi ngôi nhà hoàn thành, mỗi lần về thăm nhà, những kỷ niệm thời thơ ấu lại ùa về qua gốc khế sau vườn, qua cái ang nước hay từng liếp tre. Đến những năm 90 của thế kỷ XX, một lần nữa, ngôi nhà của Đại tướng được sửa lại những chi tiết khác như đã nói ở trên cho giống với nhà nguyên bản. Và được gìn giữ cho đến bây giờ.

Ngôi nhà của Đại tướng tại làng An Xá - anh: T.Q.N

Nhà bác Giáp, đường về nhà bác Giáp là cách gọi gần gũi, quen thuộc của người Lệ Thủy. Mừng Đại tướng thượng thọ, tôi lại xuôi theo dòng Kiến Giang về làng An Xá. Từ thị trấn trung tâm huyện lỵ, theo con đường nhựa láng chỉ mấy phút chạy xe tôi đã đến nhà Đại tướng. Vẫn là hàng rào bằng cây chè the xanh mướt chạy quanh vườn nhà, phía trong có hai hàng dâm bụt nối dài từ cổng vào sân nhà.

Ông Võ Đại Hàm - cháu gọi Đại tướng bằng ông - người chịu trách nhiệm trông coi ngôi nhà vẫn nhanh nhẹn hoạt bát và đặc biệt niềm nở mỗi lần có khách viếng thăm. Việc đầu tiên là ông chống hết mấy cựa kè trước hiên nhà lên, nắng trải ngập vào bên trong nhưng vẫn mát rượi. Lần sửa lại gần đây nhất, nền nhà đã được đắp bằng đất ruộng cùng với hệ thống cột kèo bằng gỗ tạo nên sự giản dị, ấm cúng của kiểu nhà vùng thôn quê chiêm trũng; nơi luôn đề cao tính đoàn kết, cộng đồng trong làng xã. Sân vườn rộng rãi có mấy cây vú sữa, dừa tỏa bóng mát; đặc biệt cây khế cổ thụ thân xù xì vẫn đứng đó uy nghi.

Gian nhà giữa dùng làm nơi thờ tự, ở bậc cao nhất trên bàn thờ là hình ảnh hai vị thân sinh của Đại tướng: cụ Võ Quang Nghiêm và bà Trần Thị Kiên. Tiếp theo thờ người vợ đầu của Đại tướng, liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái; cùng hàng là ảnh hai vợ chồng cụ Võ Thuần Nho và Phan Thị Miên, em trai và em dâu của Đại tướng. Trong nhà có một số đồ vật do người Lệ Thủy sưu tầm mang tặng như chiếc án thư, bộ tràng kỷ và chiếc sập gụ. Tất nhiên là không thể thiếu các bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của Đại tướng với lãnh tụ Hồ Chí Minh, với người dân...

Ông Hàm lật cuốn sổ lưu bút, trong ấy ngập tràn tình cảm của du khách khi đến thăm nhà lưu niệm. Người ở gần, người ở xa đều dành cho Đại tướng những lời tốt đẹp nhất, đó là sự ngưỡng mộ về tài năng và đức độ; ai cũng cầu mong chúc phúc Đại tướng luôn mạnh khỏe.

 Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.