Ví Việt phải mang lợi ích cho người Việt

11/10/2019 09:00 GMT+7

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch, đồng sáng lập Ví điện tử MoMo.

Lời chia sẻ trên để trả lời cho câu hỏi tại sao thanh toán điện tử dịch vụ công không mang lại lợi nhuận nhưng MoMo vẫn "dấn thân" vào mảng này, thậm chí còn đặt mục tiêu doanh thu 20%.

Thanh toán dịch vụ công bằng ví điện tử

Theo Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán của VN hiện tương đối thấp, chỉ chiếm 11,49%. Tỉ lệ sử dụng tiền mặt vẫn rất cao khi gần 90% và chủ yếu cho những khoản dưới 100.000 đồng. Bên cạnh đó, tỷ lệ thực hiện các dịch vụ công trực tuyến (dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước) cũng khá khiêm tốn, chỉ chưa đến 7%.
MoMo được triển khai trên hệ thống Hành chính công tại TP.Đà Nẵng

MoMo được triển khai trên hệ thống Hành chính công tại TP.Đà Nẵng

Ảnh: T.Thy

Tuy vậy, thanh toán dịch vụ công đang được chính phủ và các cơ quan chức năng chú trọng đẩy mạnh trong năm 2019 để triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1.1.2019. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước VN đã ban hành Văn bản số 2198/NHNN-TT về việc đẩy mạnh thanh toán điện tử trong lĩnh vực dịch vụ công. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu ngân hàng và các tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán cùng phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để xem xét áp dụng các chính sách ưu đãi hoặc những biện pháp khuyến khích để các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử để thanh toán các khoản phí, lệ phí, thanh toán học phí, viện phí...
Từ đầu tháng 4.2019, Đà Nẵng là tỉnh đầu tiên trên cả nước triển khai thành công thanh toán điện tử cho hầu hết các dịch vụ công thông qua Ví điện tử MoMo, đưa thanh toán không dùng tiền mặt trở thành một cấu phần quan trọng trong hệ sinh thái thành phố thông minh của địa phương này. Gần đây nhất, Khánh Hòa cũng là tỉnh thứ 2 tại VN hợp tác với Ví điện tử MoMo để áp dụng thanh toán điện tử cho các dịch vụ hành chính công của tỉnh.
Dưới góc nhìn của người làm kinh doanh, ông Nguyễn Bá Diệp cho rằng đây là giai đoạn điểm rơi của thị trường vì qua các nghiên cứu về khách hàng, ví MoMo đã nhận thấy, nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt đã thực sự vươn đến mảng dịch vụ công, sau các dịch vụ thiết yếu hàng ngày. Thực tế, đã có nhiều ngân hàng lớn, các trung gian thanh toán trên thị trường cũng bước chân vào mảng thanh toán dịch vụ công nhưng sau một thời gian ngắn đã rút lui không kèn không trống. Đơn giản vì “cơm áo không đùa với khách thơ”, bài toán kinh tế, vận hành không cho phép các doanh nghiệp đánh cược “Đầu tư vào hành chính công cũng giống như giáo dục, phải 5-10 năm mới có kết quả. Ví MoMo là một công ty VN vì vậy chúng tôi sẵn sàng đầu tư lâu dài cho lĩnh vực này!”, ông Diệp cho biết.
Thanh toán dịch vụ công tương đối khó, không mang lại lợi nhuận nhưng vì sao MoMo vẫn tham gia? Theo ông Diệp, MoMo không nhìn thanh toán dịch vụ công như mảng kinh doanh thông thường mà nó sẽ tạo ra những tác động lớn về mặt vĩ mô. Việc thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến về bản chất là thúc đẩy sự phát triển của xã hội, xây dựng nền tảng của một xã hội không tiền mặt như mục tiêu Chính phủ hướng tới. Là một công ty VN, MoMo sẵn sàng đầu tư lâu dài vào lĩnh vực này bên cạnh trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sự phát triển của đất nước “Đến thời điểm này khi MoMo cũng tạm coi là “chạy ổn”, các anh em ngồi lại với nhau tự hỏi: MoMo là ví Việt mà không đem lại lợi ích cho người Việt thì có ý nghĩa gì nữa? Có những việc khó nhưng đóng góp được cho xã hội, việc nhà nếu mình cũng không làm thì ai làm? Nghĩ vậy nên chúng tôi làm thôi”, ông Diệp chia sẻ thêm.

Công nghệ không khó vì có MoMo

MoMo hiện là ví điện tử lớn nhất trên thị trường với hơn 12 triệu khách hàng, 12.000 đối tác cung cấp dịch vụ, 100.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc. Các dịch vụ của MoMo đã từng bước len lỏi vào đời sống thường nhật và phục vụ các nhu cầu cơ bản nhất của người dân như: Thu viện phí, học phí, phí đậu xe, trả tiền điện, nước, internet, truyền hình cáp, phí chung cư, mua sắm, ăn uống…Ngay cả những lĩnh vực truyền thống như: Bệnh viện, trường học,… cũng đã cởi mở với MoMo. Cụ thể, từ trung tuần tháng 6/2019, người dân đã có thể đăng ký khám chữa bệnh trước ngày khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM hoặc thanh toán viện phí ngay tại quầy tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc (Hà Nội) thông qua Ví MoMo. Việc kết nối các trường học để triển khai dịch vụ thu học phí qua MoMo cũng đã có gần 65 trường từ đại học, cao đẳng đến các trường THPT, THCS, tiểu học hay mẫu giáo. Dự kiến kết thúc quý 4/2019, con số này sẽ đạt khoảng 350 trường.
Các bệnh viện tuyến trung ương đã bắt đầu sử dụng MoMo trong phương thức thanh toán

Các bệnh viện tuyến trung ương đã bắt đầu sử dụng MoMo trong phương thức thanh toán

Ảnh: T.Thy

Mảng các dịch vụ công được coi là khó nhằn trong mảng thanh toán, do việc kết nối và quy trình thủ tục khá phức tạp và không đồng bộ giữa nhiều tỉnh thành và các bộ ngành liên quan. Việc các công ty tài chính công nghệ như ví điện tử MoMo tham gia vào thị trường này là một dấu hiệu tích cực vì có nhiều lợi thế về việc tiếp cận khách hàng, mang lại các trải nghiệm đơn giản cho người dùng và khả năng triển khai nhanh dịch vụ.
Ví MoMo cũng tự tin đã sẵn sàng “nhân lực, vật lực” để đáp ứng cho việc mở rộng thanh toán điện tử các dịch vụ công trên diện rộng. Cụ thể, với các tỉnh thành đã có sẵn hệ thống như TP.Đà Nẵng, Ví MoMo có thể kết nối ngay. Còn đối với những đơn vị chưa xây dựng được hạ tầng thì MoMo cho biết cũng có các đối tác chiến lược có thể cung cấp trọn gói hệ thống giải pháp giúp triển khai nhanh thanh toán dịch vụ công. “Nhiều người gọi chúng tôi là “đại ca” của ngành ví điện tử, hỏi khi nào thì MoMo trở thành kỳ lân? Chúng tôi thì chỉ nghĩ đơn giản kỳ lân để làm gì nếu không thanh toán được dịch vụ công, không phục vụ được những nhu cầu cơ bản nhất của người dân mình”, ông Diệp nói.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động này, các bộ ngành liên quan cần rà soát và ban hành các văn bản liên quan để hoàn thiện hành lang pháp lý. Cần truyền thông để doanh nghiệp, người dân hiểu các tiện ích của Ví MoMo. Quan trọng nhất là tạo sự yên tâm về an toàn và bảo mật của dịch vụ. Từ đó mới khuyến khích người dân có thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, cần nhiều hơn sự vào cuộc tích cực của các địa phương trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu và có lộ trình rõ ràng các danh mục dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 3 và 4. Bởi việc triển khai thanh toán điện tử trong dịch vụ công không hề khó, nếu các tỉnh gọi MoMo, thì tối đa 2 tháng là có thể triển khai dịch vụ ngay. Chỉ cần chính quyền quyết tâm, công nghệ cứ để MoMo lo trọn gói.
Bàn về những mục tiêu “chông gai” sắp tới, ông Nguyễn Bá Diệp tỏ ra kỳ vọng ở những chặng đường tiếp theo. “Con đường mà MoMo đã theo đuổi đó là phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại VN trong suốt 12 năm qua là hoàn toàn đúng đắn. Sẽ còn rất nhiều điều cần phải làm, nhiều ngọn núi cao cần chinh phục. Núi thì không bao giờ có đường cả, chúng tôi cứ đi mãi thì thành đường thôi”, ông Diệp nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Bá Diệp
“Mục tiêu của MoMo trong năm 2020 là cùng với các đối tác chiến lược triển khai thanh toán điện tử trong lĩnh vực dịch vụ công tại tất cả các tỉnh, thành trên cả nước. Năm 2021, chúng tôi kỳ vọng 20% giao dịch của MoMo sẽ đến từ các dịch vụ công".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.