Trong một không gian rất nhỏ nằm yên ắng trên đường Tú Xương, triển lãm “Sài Gòn Vi Vu” của anh chàng Đỗ Viết Tuấn thật sự “chưa là gì” so với những sự kiện cùng thể loại tại các phòng trưng bày sang trọng. Tuy nhiên, đối với rất đông bạn trẻ tham dự, những tác phẩm giản dị được giới thiệu lại có một sức hút rất riêng. Theo Mi Mi, nhiếp ảnh trẻ của Tròn Tròn Studio, ý tưởng chụp lại những bức ảnh về Sài Gòn của các tay máy nước ngoài, tạo sự tương phản xưa - nay là một bất ngờ đầy thú vị.
“Mình đã háo hức theo dõi dự án này trên Facebook từ lâu. Có nhiều hình lạ, mang đến cho mình rất nhiều cảm xúc. Giá mà nó dài hơn thì hay quá…”, Mi chia sẻ.
Còn Hồng Nhung, biên tập viên truyền hình, cho rằng những hình ảnh về một Sài Gòn những năm 1960 - 1970 thật sự ấn tượng bởi cô là người miền Bắc. “Điều mình ấn tượng hơn cả là đoạn phim về người viết thư thuê Dương Văn Ngộ đã gắn bó gần 70 năm với nghề tại Bưu điện Thành phố. Đây hoàn toàn có thể trở thành một biểu tượng của bưu điện”, Nhung chân thành.
“Yêu Sài Gòn đơn giản lắm, giống như yêu một người thì phải tìm hiểu kỹ. Càng hiểu nhiều thì lại càng yêu. Vả lại, bản sắc riêng của Sài Gòn nằm trong hoài niệm của người già và sự say mê của người trẻ. Triển lãm cũng muốn mang đến cho người đã có thâm niên ở Sài Gòn một phút nhìn lại những gì họ đã chứng kiến, đã trải qua. Dù nhìn với lăng kính nào thì vùng đất này luôn mang một ý nghĩa đặc biệt”, Tuấn khẳng định.
Theo Quốc Thiện (28 tuổi), nhiếp ảnh của dự án, thời gian dành cho những bức ảnh tưởng chừng như quen thuộc về nhà thờ Đức Bà, dinh Độc Lập, chợ Bến Thành, hồ Con Rùa… chiếm của anh gần 2 tháng. Việc chụp lại những bức ảnh cũ giúp Thiện có cơ hội đứng vào vị trí của những nhiếp ảnh thời xưa, và phần nào hiểu được tại sao họ chọn những góc rất lạ như vậy.
“Như tấm hình họ chụp chợ Bến Thành nhìn từ công viên 23.9, ban đầu mình không chú ý lắm. Nhưng khi đi chụp, đúng góc đó, thì mọi thứ rất đẹp, từ trời mây, nóc chợ đến những dãy nhà xung quanh. Còn để căn được góc ảnh đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa trước dinh Độc Lập, mình đứng đến khoảng 4 giờ chiều thì bất ngờ bấm được một bức ưng ý, dù vẫn dính… chú xe ôm ngồi đọc báo chờ khách. Những khoảng lặng như thế này ở Sài Gòn cũng là chuyện hiếm”, Thiện tâm sự.
Thiện khẳng định tình yêu dành cho Sài Gòn - TP.HCM đã gắn kết nhóm bạn. Chính những ngày lê la, chuyện trò từ cô bán trái cây lề đường, chú xe ôm hay bác xích lô đã cho Thiện hiểu thêm về nơi mình đang sống.
Ngoài phần ảnh chụp, nhiều người xem còn bị hấp dẫn bởi bộ tranh chữ gồm 8 bức thể hiện bài thơ tả về Sài Gòn, được vẽ theo phong cách “bảng hiệu xưa”. Tác giả của bộ tranh đầy màu sắc này là Quốc Dũng. Trước khi gặp Tuấn, Dũng đã có thời gian nghiên cứu những bộ font và cách xử lý chữ, bảng hiệu, bìa đĩa xưa.
“Bảng hiệu ngày xưa có đặc điểm là rất ngẫu hứng, tùy theo tính cách và cái “máu” nghệ sĩ của từng thợ vẽ. Họ vẽ tay nên thấy rất chân phương. Ban đầu, mình muốn mang đến dạng bảng tôn vẽ sơn dầu, nhưng vì thời gian quá gấp nên đành phải in”, Dũng tiếc nuối.
Dũng chia sẻ chuyện vẽ 8 bức tranh chữ chỉ trong hơn 20 ngày để kịp tiến độ triển lãm thật sự là một thách thức. “Mình vẽ về Sài Gòn khi đang ở… Hội An. Dạng chữ xưa có đặc điểm là dấu rất mảnh, còn chữ i trong 1 từ thường không viết hoa đồng bộ, hay dùng bóng đổ 3D và nhiều chữ là không có quy luật nào cả. Cái khó là mình học thiết kế, hay chú ý đến quy luật mà vẽ như vậy thì ban đầu không quen vì không chỉn chu. Thời nay làm gì có chuyện đang viết chữ i bình thường tự nhiên dấu chấm vẽ thành… hoa thị”, Dũng giải thích.
Nhóm bạn trẻ của “Sài Gòn Vi Vu” tiết lộ rằng họ đã lên kế hoạch cho những triển lãm tiếp theo, với sự chuyên sâu từng vùng đất, khám phá nét ẩm thực hay lát cắt văn hóa xã hội để mọi người có thể “vi vu” và yêu Sài Gòn hơn.
Bình luận (0)