Trên hành trình hợp tác quốc tế nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, Đại học (ĐH) Duy Tân đã có rất nhiều người bạn cùng chí hướng và tâm huyết ở khắp năm châu chung tay vì sự nghiệp “trồng người”. Thành công của Lễ ký kết Hợp tác giữa ĐH Duy Tân và ĐH Upper Iowa vào ngày 3.12.2014 để triển khai chương trình đào tạo Du học Tại chỗ tại ĐH Duy Tân do ĐH Upper Iowa cấp bằng có sự đóng góp không nhỏ của một trong số những người bạn đó - ông Victor C Lim.
Nhân dịp GS. William R.Duffy, II - Chủ tịch ĐH Upper Iowa đến thăm và mở văn phòng đại diện tại ĐH Duy Tân vào ngày 18.6.2015, ông Victor C Lim - người nhiều năm hoạt động và có những đóng góp lớn trong việc kết nối các trường đại học nước ngoài với Việt Nam đã có buổi chia sẻ thú vị tại ĐH Duy Tân.
* Chương trình Du học tại chỗ triển khai tại ĐH Duy Tân có ý nghĩa quan trọng giúp sinh viên Duy Tân nói riêng và sinh viên miền Trung cũng như cả nước nói chung có cơ hội được tiếp cận một chương trình đào tạo mang tầm quốc tế từ một đại học có uy tín từ Mỹ. Để hợp tác quan trọng giữa hai trường được triển khai hiệu quả như hôm nay có sự hỗ trợ quan trọng của ThS. Victor C Lim. Ông có thể chia sẻ về quá trình kết nối ĐH Duy Tân với ĐH Upper Iowa trong thời gian qua?
ThS. Victor C Lim
|
ThS. Victor C Lim: Tôi là bạn thân của TS. Phil Langerman - Nguyên Phó chủ tịch cấp cao phụ trách quan hệ quốc tế của ĐH Upper Iowa. Thành công khi thuyết phục TS. Langerman và TS. Mackay - Cựu Chủ tịch ĐH Upper Iowa đưa chương trình của trường đến Singapore đã khơi gợi một ý tưởng mới, đó là đưa chương trình của ĐH Upper Iowa đến Việt Nam. Năm 2013, ngay sau khi Hội đồng Quản trị của ĐH Upper Iowa đồng ý, tôi đã kết nối TS. Lê Nguyên Bảo - Phó Hiệu trưởng ĐH Duy Tân với TS. Ismael - Phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ Quốc tế của ĐH Upper Iowa. Qua trao đổi với TS. Lê Nguyên Bảo, chúng tôi đã khám phá nhiều khả năng đưa các chương trình đại học của Mỹ đến Duy Tân, trong đó có khởi đầu sẽ là Du học tại chỗ với ĐH Upper Iowa (Mỹ).
* Ông đã dành rất nhiều công sức và thời gian đi lại, gặp gỡ với 2 trường để hoàn thiện quá trình kết nối, hẳn ông có sự quan tâm khá đặc biệt tới ĐH Duy Tân cũng như tâm huyết, quyết tâm triển khai chương trình Du học Tại chỗ tại ĐH Duy Tân?
ThS. Victor C Lim: Nhiều năm làm việc trong lĩnh vực giáo dục quốc tế tại Úc, New Zealand, Mỹ, Singapore và gần đây ở Việt Nam, tôi đã thực hiện nhiều chương trình giáo dục xuyên quốc gia. Tôi đã làm việc với các cựu lãnh đạo cấp cao của ĐH Upper Iowa nên tôi biết rõ chất lượng các chương trình của nhà trường và uy tín của chương trình này. ĐH Upper Iowa đã rất thành công ở HongKong nơi họ có khuôn viên riêng, tại Malaysia khi họ hợp tác với một trường đại học tư thục có uy tín và tại Singapore với rất nhiều sinh viên tốt nghiệp xuất sắc. Tôi đến thăm ĐH Duy Tân lần đầu tiên vào năm 2012 và đã thực sự ấn tượng bởi sự hiếu khách cùng sự đón tiếp nồng nhiệt mà nhà trường dành cho tôi. Trong đó có Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng nhà trường - một người đáng kính. Bắt đầu từ đây, tôi đã nỗ lực hết mình để triển khai chương trình Du học Tại chỗ tại ĐH Duy Tân.
* Trong rất nhiều đại học có uy tín tại Mỹ, vì sao ông chọn ĐH Upper Iowa để giới thiệu làm đối tác với ĐH Duy Tân. Từ chương trình đào tạo chất lượng này, sinh viên theo học sẽ được hưởng những lợi ích gì?
ThS. Victor C Lim: Nhiều chương trình đại học của Mỹ hiện đang được triển khai ở nước ngoài. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo mới chính là điều tôi quan tâm nhất. Trên tất cả, chương trình Du học Tại chỗ từ ĐH Upper Iowa có chi phí phải chăng nhưng rất chất lượng. Các chương trình này được thiết kế cho những sinh viên muốn thụ hưởng một nền giáo dục Mỹ nhưng không rời khỏi đất nước hoặc gia đình để đi đến Mỹ trong một vài năm. Nhiều sinh viên ở Đông Nam Á đã tốt nghiệp và nhận bằng của ĐH Upper Iowa đã được hưởng lợi khi tham gia chương trình. Đội ngũ lãnh đạo và quản lý của ĐH Upper Iowa luôn tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu kiểm định của Tổ chức Kiểm định Vùng Trung Bắc Hoa Kỳ (NCA - North Central Association of Colleges and Schools), hình thức kiểm định chất lượng toàn cơ sở giáo dục cao nhất ở Mỹ.
* Sau khi ĐH Duy Tân ký kết với ĐH Upper Iowa, ông sẽ tiếp tục hỗ trợ 2 trường như thế nào để hợp tác này được triển khai hiệu quả hơn tại ĐH Duy Tân?
ThS. Victor C Lim: Tôi là Giám đốc Phát triển Chiến lược tại Viện Kinh doanh và Công nghệ Kent ở Sydney. Vai trò của tôi là giám sát việc thực hiện các chương trình của Kent thông qua các đối tác nước ngoài tại Việt Nam, Philippines và Thái Lan. Do đó, tôi rất quen thuộc với giáo dục quốc tế và thường xuyễn hỗ trợ đưa các chương trình của Úc đến các nước Đông Nam Á. Tôi cũng có chuyên ngành Quản trị Kinh doanh và Lãnh đạo Giáo dục. Tôi hy vọng sẽ trở thành giảng viên hoặc cố vấn cho chương trình mà tôi rất tâm đắc và kỳ vọng này.
* Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, ông có thể chia sẻ những nhận định cũng như có lời khuyên nào để đẩy mạnh sự phát triển của lĩnh vực này trong tương lai?
ThS. Victor C Lim: Đối với tôi, giáo dục là một quá trình hai chiều. Giảng viên đóng vai trò quan trọng trong việc làm gương cho các sinh viên. Cả giảng viên và sinh viên phải thể hiện nhiệt tình học hỏi và khao khát tri thức. Giảng viên phải có khả năng chia sẻ kinh nghiệm không những về mặt lý thuyết mà còn cả kinh nghiệm sống. Sự kết hợp hài hòa giữa giảng viên và sinh viên chính là cơ hội để kiến thức được truyền tải và “tiêu hóa” nhanh hơn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngay từ từng bài giảng và giờ thực hành.
* Ông có thể chia sẻ về tầm quan trọng của việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, đưa các chương trình giáo dục chất lượng từ các nước có nền giáo dục phát triển đến Việt Nam như các công tác mà ĐH Duy Tân đang theo đuổi nhiều năm nay?
ThS. Victor C Lim: Việt Nam đang trên đà phát triển, nơi người dân sẵn sàng nắm bắt những cơ hội học tập và đầu tư kinh doanh. Các chương trình giáo dục ở nước ngoài đưa vào Việt Nam phải được dựa trên kinh nghiệm và nghiên cứu bao quát toàn diện đã được phát triển ở các nước phương Tây. Kiến thức này có thể được giảng dạy bởi các giảng viên đã có nhiều kinh nghiệm quốc tế về chuyển giao kiến thức. Bởi vậy, việc hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học là thực sự cần thiết. Và ĐH Duy Tân đang đi “đúng hướng” với nhịp thở của thời đại.
Nhận định về đóng góp của ThS. Victor C Lim, TS. Ismael Betancourt đã có phát biểu: “Victor [Lim] đã giới thiệu cho Upper Iowa một đối tác hoàn hảo ở Việt Nam cho việc triển khai chương trình toàn thời gian của chúng tôi tại Việt Nam. Có thể nói thực sự là một kỷ lục về thời gian, với chỉ 18 tháng từ lúc gặp gỡ đến lúc hoàn tất hầu hết giấy tờ và thủ tục để ký kết và triển khai chương trình, trong đó có sự cộng tác và làm việc chặt chẽ của ThS. Lê Nguyễn Tuệ Hằng và TS. Lê Nguyên Bảo, hai Phó Hiệu trưởng của Đại học Duy Tân”.
Bình luận (0)