Tự động phát
Cả con xóm ở hẻm nhỏ đầu đường Đinh Bộ Lĩnh, P.15, Q.Bình Thạnh, TP.HCM mấy hôm nay rộn ràng tiếng cười nói của tụi trẻ khi trung thu cận kề. Chập tối, cả con đường uốn quanh các nhà lại được thắp sáng bởi hàng chục chiếc đèn lồng giấy lung linh, tất cả đều là của cụ Thìn làm. Nếu ai hỏi trung thu Sài Gòn thế nào, chắc chắn tôi sẽ dẫn họ tới đây để cảm nhận đầy đủ và chân thực nhất.
Cụ ông đem trung thu về xóm
Cụ Đàm Thìn, năm nay 93 tuổi, người gốc Quảng Nam, từ thời chiến tranh loạn lạc đã đưa cả gia đình vào Sài Gòn được gần 60 năm. Cụ ông râu dài, tóc bạc phơ nhìn như ông tiên ngoài đời có giọng trầm ấm. Cụ mở cửa đón chào đón chúng tôi vào nhà như đưa cháu đi xa trở về. Tôi ngạc nhiên vì ở độ tuổi này, cụ vẫn khỏe khoắn, không bị lãng tai và nói chuyện rất yêu đời.
|
Khoảng vài năm trở lại đây, mỗi ngày đều dành hàng giờ đồng hồ để làm hàng ngàn chiếc đèn lồng tặng cho lũ trẻ. Cụ kể: “Trong một lần tôi về quê ở miền Trung tầm tháng 7, thấy con nít cầm cây làm cán gắn vào đèn cầy thế này, rồi nó chạy chơi trung thu... Tôi nghĩ, giờ mình còn sức khỏe, mình bỏ 1 tháng lương là 380.000 đồng mình làm đèn lồng, trước để mình làm cho khuây khỏa, mình vui; hai nữa là làm cho mấy đứa cháu trung thu vui vẻ”.
Cụ nói thêm: “Những người quê họ vô tôi gửi về; những người đi từ thiện miền Trung, họ xin tôi cho 100 – 150 cái để mang tới chỗ trẻ mồ côi, họ vui mình cũng vui”. Đến nay đã gần 6 năm, cụ Thìn đã làm hàng ngàn chiếc đèn lồng.
|
Cụ Thìn biết làm đèn lồng từ thuở nhỏ, học từ người anh trai. Có 2 loại đèn, một loại to tròn, kích cỡ lớn; giấy làm đèn được cụ cẩn thận vẽ tay, sau đó hong khô rồi gấp thành từng đường xếp ly. Loại nhỏ hơn có đế bằng bìa cát tông, sau đó dán lịch lên trên đẹp mắt. Khung đèn chắc chắn, có cả dây nhôm bên trong cố định. Đèn có thể thắp nến, khi kéo phần giấy lên sẽ tạo hiệu ứng vô cùng lung linh, rực rỡ.
|
Mỗi ngày, cụ có thể làm được vài chục chiếc đèn cỡ nhỏ, đèn cỡ lớn chỉ làm từ 1 – 2 chiếc/ngày. “Nếu xếp giấy sẵn rồi thì mỗi ngày có thể làm được 20 chiếc đèn lồng nhỏ. Nếu nói về nguyên liệu để làm và hiệu suất, thì cứ 6 cái đèn lồng nhỏ mới được một cái đèn cỡ lớn”, cụ Thìn cho biết.
"Mấy cháu vui thì tôi cũng vui"
“18 giờ tối thứ bảy, ông phát lồng đèn trung thu cho các cháu”, một tấm giấy nhỏ xinh được dán trước bức tường, trẻ con xóm đã thành thông lệ, cứ đến gần trung thu là đến nhà cụ Thìn để nhận lồng đèn. Thấy lũ trẻ cười vui thích chí, cụ Thìn hạnh phúc: “Các cháu vui vẻ lắm, cảm ơn lịa lịa, tôi nó không sao hết. Mình thấy các cháu vui thì mình cũng vui. Tôi phát mỗi đứa một cái, có đôi khi nó rách hay chạy bị té, đèn cháy thì mình cho cái khác”.
|
Chị Trúc Chi, 40 tuổi, hàng xóm cụ Thìn năm nào cũng đưa con gái sang nhận đèn lồng của cụ. “Cụ Thìn sống hiền lành, tử tế như ông tiên, cả xóm ai cũng quý. Nếu không có cụ chắc trung thu sẽ kém vui lắm”.
Cụ Thìn năm nay đã gần trăm tuổi, không chỉ khỏe mạnh mà còn rất yêu đời. Cụ chia sẻ bí quyết sống vui khỏe. cụ nói: “Trước đây tôi thì không có gì, gia đình nghèo thật, nhưng vợ chồng, con cái vui vẻ hòa thuận, thành ra tôi khoái. Ăn có nhiều mấy mà tinh thần không thoải mái cũng vậy”.
|
“Thành ra tôi sống do tinh thần, con cái vui vẻ đoàn kết với nhau; mà nó cho tôi với bà đầy đủ. Hồi trước tôi cực khổ lắm, đi làm công ty cấp nước, tối về cũng lo cho vợ con đầy đủ. Cũng không đi với bạn bè la lối ngoài đường đâu”, cụ chia sẻ thêm.
Bà Nguyễn Thị Xin, 87 tuổi, vợ cụ Thìn cũng rất phúc hậu, cười hiền lành và giọng nói nhỏ nhẹ, luôn nhìn ông trìu mến.
|
Bình luận (0)