Tự động phát
Bãi đá Cô Tô ở thị trấn Cô Tô, huyện Tri Tôn, An Giang suốt nhiều năm qua, bãi đá này là nơi mưu sinh của hàng trăm lao động.
Nắng, gió, mưa và cả khói bụi - dù điều kiện làm việc vô cùng khắc nghiệt, tính chất công việc lại nặng nhọc nhưng những người thợ chẻ đá ở đây vẫn cố bám trụ với nghề. Trong số đó, ông Hồ Văn Thành (60 tuổi) là một trong những người gắn bó lâu nhất khi có thâm niên hơn 30 năm làm nghề chẻ đá.
|
Ở tuổi 60, ông Hồ Văn Thành vẫn cần mẫn làm việc bên bãi đá, chỉ trừ lúc ốm đau không thể đi làm nổi ông mới nghỉ làm. Làm nghề chẻ đá ở Cô Tô đa phần là nam giới. Đồng nghiệp của ông Thành hầu hết đều có hoàn cảnh như ông: không đất đai, của cải; bám trụ vào nghề này mà sống qua ngày. Ông Thành tâm sự, trong suốt hơn 30 năm làm nghề chẻ đá, ông đã đi rất nhiều nơi từ miền Tây và ra tới miền Trung. Ở đâu có khai thác đá ông đều tìm tới làm việc.
|
Đá được công ty khai thác trên núi sau đó vận chuyển đến từng bãi đá để người thợ chẻ ra thành những thanh trụ đá có kích thước từ 1 mét tới 3 mét. Những phiến đá khối xe tải chở đến dù đã được chẻ nhỏ còn kích cỡ vài trăm kg nhưng để đục thành thanh trụ phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Dụng cụ chẻ đá cực kì đơn giản chỉ gồm chiếc cưa máy và đinh nêm to như chiếc cán búa đóng vào. Trung bình, mỗi người thợ chẻ đá ở đây kiếm được 250.000 đồng/ngày.
|
Với ông Hồ Văn Thành, dù tuổi đã cao nhưng vì quen nghề, ông vẫn cố gắng bám trụ lại. Nặng nhọc, dãi nắng dầm mưa hay vất vả, nhọc nhằn không phải nỗi lo chính của ông Thành. Điều khiến ông sợ hãi nhất là tai nạn, là bệnh tật khiến ông không thể tiếp tục công viêc để kiếm tiền chăm sóc cho người vợ bệnh tật.
Cái nghề vất vả là thế nhưng vì hoàn cảnh mà cuối cùng ông Thành cũng phải truyền lại nghề cho con trai. Em Hồ Văn Lợi (con trai ông Thành) năm nay dù chỉ mới 16 tuổi nhưng đã theo cha mưu sinh ở bãi đá Cô tô kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ. Dù đã làm quen được với nghề nhưng Lợi vẫn rất sợ mỗi lần lưỡi cưa giựt trúng người.
|
Những người thợ như ông Thành đều hiểu rõ đã đến với nghề này là chấp nhận trầy da xước thịt, tai nạn xảy ra như cơm bữa và những ảnh hưởng sức khỏe về lâu về dài. Vất vả và rủi ro cao là thế nhưng nhiều người vẫn cố gắng bám trụ bởi những gánh nặng cơm áo gạo tiền không cho họ lựa chọn nào khác.
Bình luận (0)