Người chết bỏ phiếu, phiếu bầu bị đốt: thật giả thông tin bầu cử Mỹ

07/11/2020 23:44 GMT+7

Hiện nay, có rất nhiều tin đồn liên quan đến gian lận bầu cử Mỹ năm 2020 như người chết bỏ phiếu, phiếu bầu cho Tổng thống Trump bị đốt... Vậy thực hư các tin đồn này ra sao và chúng có đúng hay không?

Sharpiegate

Một trong những thông tin sai lệch nổi bật nhất liên quan đến việc sử dụng bút dạ Sharpie. Theo thông tin này, cử tri tại hạt Maricopa (bang Arizona) được nhân viên phòng phiếu phát bút dạ Sharpie để qua đó làm cho lá phiếu vô hiệu, vì vậy không được tính.
Thông tin này rộ lên sau một video trên Facebook trong đó một phụ nữ nói các phiếu được đánh dấu bằng bút Sharpie thì máy đếm phiếu không đọc được.
Cơ quan bầu cử của hạt đã bác bỏ thông tin này và cả đổng lý bang Arizona Katie Hobbs cũng khẳng định rằng các máy kiểm phiếu đếm được phiếu đánh dấu bằng viết Sharpie.
Trên thực tế, ngay từ tháng 10 cơ quan bầu cử cũng đã có video hướng dẫn về việc này, và viết dạ Sharpie được xem là một trong những loại viết phù hợp nhất để đánh dấu trên phiếu.
Dù vậy, thông tin sai lệch vẫn lan nhanh trên mạng xã hội, đặc biệt là trong các nhóm ủng hộ Tổng thống Trump. Do cử tri ủng hộ tổng thống đương nhiệm chiếm số lượng lớn trong ngày bầu cử chính thức nên thông tin này được xem là âm mưu của chính quyền ngăn chặn người dân bỏ phiếu cho ông Trump.

Người chết bỏ phiếu

Hôm 4.11, một tài khoản ẩn danh trên trang mạng 4chan, nổi tiếng với các nội dung phân biệt chủng tộc và bài Do thái, đã đăng ảnh được cho là chụp tại một điểm bỏ phiếu ở Michigan. Trong ảnh, ngày sinh của nhiều cử tri là 1.1.1900, tức là cử tri phải đến 120 tuổi.
Hình ảnh này nhanh chóng được những nhân vật nổi tiếng về thuyết âm mưu chia sẻ lại trên mạng xã hội Twitter, và sau đó được cả con trai Tổng thống Trump là Donald Trump Jr. chia sẻ. Các tin đồn tương tự xuất hiện về cử tri đã chết lại bỏ phiếu cho Biden tại Texas và Pennsylvania.
Nhà chức trách Michigan nhanh chóng bác bỏ và gọi đây là thông tin sai sự thật. Theo họ, các phiếu bầu từ người đã chết sẽ được nhân viên tiếp nhận bỏ ngay lập tức. Còn tấm ảnh có thể là kết quả của một lỗi nhập trên máy. Dù nhà chức trách đã lên tiếng, tin đồn này vẫn tiếp tục lan truyền trên mạng.

Phiếu bầu bị đốt

Eric Trump, một người con khác của Tổng thống Trump, cũng là một kênh lan truyền tin đồn không kiểm chứng. Hôm 4.11, Eric Trump đăng lại một video dường như cho thấy các lá phiếu bỏ cho ông Trump đang bị đốt.
Giới chức tại Virginia Beach (bang Virginia) nói các lá phiếu đó không phải là phiếu chính thức, mà là phiếu mẫu. Bằng chứng là trên các lá phiếu trong đoạn video không có in các mã quét (barcode) chính thức. Tuy nhiên tin đồn này vẫn được chia sẻ mạnh trên Facebook, kể cả sau khi Twitter đã treo tài khoản đầu tiên đăng video.

Chiến dịch chống gian lận

Một trong những tin đồn có vẻ tinh vi hơn cho rằng Tổng thống Trump đang làm việc với Bộ An ninh Nội địa để đánh dấu bí mật những phiếu bầu chính thức nhằm “đặt bẫy" người theo phe Dân chủ, qua đó bắt quả tang họ gian lận phiếu bầu. Theo tin đồn này, nhiều phiếu bầu qua thư ủng hộ Biden đã không có dấu này. Tin đồn này xuất hiện nhiều trên nền tảng Facbook và TikTok.
Tin đồn này sai, vì đơn giản là Bộ An ninh Nội địa không in phiếu bầu. Chính quyền địa phương tự lo in phiếu, và họ thường thuê các công tin in ấn làm việc này. Tuy nhiên, nhiều người ủng hộ Tổng thống Trump vẫn chia sẻ lại vì tin đồn này phù hợp với luận điệu chống bỏ phiếu qua thư của Tổng thống Trump.

Người quan sát quá trình kiểm phiếu bị chắn tầm nhìn

Tổng thống Trump cũng chia sẻ thông tin nhân viên phòng phiếu tại các bang chiến địa đã tự ý che giấu quá trình đếm phiếu bằng cách chặn người dân quan sát. Tin đồn này dẫn một video cho thấy một người tự nhận là người quan sát bầu cử, nói rằng ông ta đã bị nhân viên phòng phiếu đuổi ra ngoài, không cho xem đếm phiếu. Trang tin BuzzFeed sau đó phỏng vấn nhân chứng tại hiện trường và được biết rằng người đàn ông bị đuổi khỏi phòng vì vi phạm luật cấm chụp ảnh quá trình kiểm đếm phiếu.
Các kênh ủng hộ ông Trump cũng lan truyền tin đồn cho rằng tại Detroit, nhân viên phòng phiếu đã dán kín các cửa sổ để che giấu hoạt động gian lận khỏi ánh mắt người dân.
Tuy nhiên, Lawrence Garcia, một luật sư đại diện cho Detroit, nói các cửa sổ bị che vì nhân viên phòng phiếu than phiền rằng người quan sát đang quay phim họ, tức là phạm luật.
“Có hàng trăm người quan sát bầu cử từ cả 2 đảng hiện diện trong phòng đếm phiếu trung tâm suốt chiều tối hôm đó, và còn có hàng chục phóng viên nữa. Và bất cứ lúc nào, người dân bên ngoài trung tâm có thể nhìn qua các cửa sổ ở phía xa nơi kiểm đếm phiếu”, theo Lawrence Garcia, một luật sư đại diện cho Detroit. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.