Chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 thần tốc ở TP.HCM “nhanh gấp 10 lần” trước đây
28/06/2021 19:37 GMT+7
Phó chủ tịch UBND TP.HCM ông Dương Anh Đức đánh giá công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19 dù có những vấn đề trong 1 - 2 ngày đầu nhưng sau đó đã điều chỉnh và đến giờ phút này đã thành công, an toàn. Thời gian tiêm chủng chậm hơn 1 ngày so với dự kiến, nhưng nếu so với các đợt tiêm chủng trước đây thì tốc độ nhanh gấp 10 lần.
Tự động phát
Chiều 28.6, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM, cùng dự có lãnh đạo Sở Thông tin – Truyền thông, Sở Y tế và Sở Giáo dục - Đào tạo.
Mở đầu buổi họp báo, ông Đức cho biết tuần qua là một tuần đặc biệt khi thực hiện 2 nhiệm vụ nặng nề: Triển khai các biện pháp ứng phó với biến chủng Delta xuất hiện ở Ấn Độ, đặc tính khác với vi rút 3 đợt trước, lây lan nhanh, chống dịch quy mô lớn.
Nhiệm vụ thứ 2 là thực hiện đợt tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử, cho khoảng 800.000 người, dù thời gian chuẩn bị gấp rút trong 2 ngày nhưng công tác tiêm chủng được tổ chức khẩn trương. “Đến giờ phút này, tôi đánh giá đợt tiêm chủng đã thành công, đảm bảo an toàn cho người đến tiêm”, ông Đức đánh giá, đồng thời cho biết 1 - 2 ngày đầu có vấn đề nhất định.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng thẳng thắn thừa nhận thời gian tiêm chủng chậm hơn 1 ngày so với dự kiến, nhưng nếu so với các đợt tiêm chủng trước đây thì tốc độ nhanh gấp 10 lần. Đó là sự nỗ lực đáng khâm phục của tất cả các lực lượng tham gia vào đợt tiêm chủng cũng như sự hợp tác của người dân thành phố...
Một trong những nguyên nhân bên cạnh khâu tổ chức còn do “sự hấp dẫn quá lớn của vắc xin nên bà con nhiệt tình đến sớm”, dù đơn vị tổ chức đã chia khung giờ nhưng vẫn có tập trung vào đầu giờ.
|
Ông Đức cho biết tuần qua phát hiện nhiều ca F0, ở 2 dạng: nhiều nhất là trong khu cách ly, khu phong tỏa; và các ca được phát hiện thông qua tầm soát người dân khám bệnh ở bệnh viện.
Về giải pháp chống dịch sắp tới, ông Đức cho biết TP.HCM phân loại các địa phương theo mức độ nguy cơ thành 3 nhóm, ít hơn một nhóm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Cụ thể, quận huyện có nguy cơ rất cao gồm: Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh, Q.8, Tân Phú và một phần của TP.Thủ Đức (Q.Thủ Đức cũ).
Nơi có nguy cơ cao là Gò Vấp, Củ Chi, Q.1, Q.4, Q.5, Q.12, Bình Thạnh, Tân Bình và một phần của TP.Thủ Đức (Q.2 và Q.9 cũ). Các quận có nguy cơ gồm Cần Giờ, Q.7, Q.10, Q.11 và Q.Phú Nhuận.
Ông Đức lý giải không có nhóm nguy cơ thấp theo hướng dẫn của Bộ Y tế vì không muốn tạo tâm lý chủ quan của địa phương. Trên cơ sở 3 nhóm nguy cơ được phân chia, các địa phương tổ chức phương án cho phù hợp.
Ngoài ra, TP.HCM cũng yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị 10 ban hành ngày 19.6.2021 với một số nội dung còn cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Đồng thời, TP.HCM ban hành kế hoạch tầm soát lấy mẫu để đưa ra biện pháp phù hợp, sớm đưa cuộc sống người dân về trạng thái bình thường mới.
Tính đến 6 giờ cùng ngày, TP.HCM có 3.535 ca bệnh đã được Bộ Y tế công bố; trong đó: 3.284 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 247 trường hợp nhập cảnh, 4 trường hợp lây trong khu cách ly. Hiện TP.HCM đang điều trị 3.045 bệnh nhân dương tính Covid-19 mới.
tiêm vắc xin Covid-19
Covid-19
Dương Anh Đức
tiêm chủng vắc xin
Covid-19 TP.HCM
chiến dịch tiêm chủng lịch sử
tin tức về Covid-19
Bình luận (0)