Việc có lợi sao mãi chần chừ?

Thái Sơn
Thái Sơn
27/04/2022 04:17 GMT+7

Chính phủ và Bộ Công an vừa thống nhất công bố dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá để lấy ý kiến người dân trong 2 tháng.

Đây được cho là động thái tích cực nhằm chuẩn bị cho một cơ chế mới về cấp, quản lý biển số, giải quyết nhu cầu người dân và quản lý nhà nước.

Gọi là cơ chế mới nhưng thực chất đấu giá biển số là vấn đề đã được bàn bạc suốt gần 30 năm qua với rất nhiều lần được “nâng lên đặt xuống”.

Từ năm 1993, Bộ Công an đã phối hợp với Công an TP.Hải Phòng tổ chức thí điểm đăng ký, cấp biển số, thu lệ phí biển số tự chọn. Sau 2 tháng thực hiện đã có 94 trường hợp tự chọn biển số trên tổng số 198 xe đăng ký (đạt 47%). Bộ Công an khi đó tiến hành sơ kết, báo cáo và được Thủ tướng đồng ý cho triển khai việc thu phí biển số xe tự chọn trên toàn quốc. Sau đó, Bộ này đã phối hợp với Bộ Tài chính ban hành thông tư nhưng phải ngừng lại giữa chừng do dư luận xã hội có nhiều ý kiến trái chiều.

Năm 2008, công an các tỉnh Bình Dương, Nghệ An, Khánh Hòa, Kiên Giang, Tiền Giang, Bắc Ninh, Sơn La và TP.Hà Nội báo cáo Bộ Công an xin đấu giá biển số xe. Bộ Công an báo cáo và được Thủ tướng đồng ý. Công an tỉnh Nghệ An sau đó tổ chức 2 phiên đấu giá, thu về hơn 4 tỉ đồng. Hơn một nửa số tiền này được chuyển cho Quỹ vì người nghèo và Quỹ bảo trợ trẻ em để xây hàng trăm căn nhà, mua hàng trăm con bò tặng người nghèo, trẻ em khó khăn. Song, hoạt động đấu giá biển số chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và phải tạm dừng do vướng thủ tục pháp lý.

10 năm sau đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an phối hợp Bộ Tư pháp khởi động xây dựng đề án về cơ chế đấu giá biển số ô tô. Quá trình này kéo dài hơn 4 năm, bởi theo Bộ Công an, các quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn nhau gây ra rào cản.

Cụ thể, luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 xác định biển số là tài sản công, được khai thác quyền sử dụng thông qua đấu giá nhưng tại khoản 22 điều 8 luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định cấm mua, bán biển số xe cơ giới. Mặt khác, điều 48 luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá nhưng biển số xe ô tô là tài sản vô hình nên các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa thể hiện người trúng đấu giá biển số xe ô tô có quyền và nghĩa vụ gì… Chính vì thế, Bộ Công an đã báo cáo Chính phủ đề nghị trình Quốc hội (QH) ban hành nghị quyết cho thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của QH nhưng khác với quy định của luật hiện hành.

Trên thực tế, rất nhiều người có nhu cầu sở hữu những biển số theo sở thích, thường gọi là “biển số đẹp”. Thống kê từ năm 2009 - 2021, cả nước đã có 5 triệu ô tô được đăng ký mới. Theo dự thảo đề xuất đấu giá biển số của Bộ Công an, giá khởi điểm “biển số đẹp” ở Hà Nội và TP.HCM bằng khoảng 2 lần mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng, tức 40 triệu đồng. Từ năm 2018, đại biểu QH đã đặt vấn đề trong kho biển số nếu lấy 10% biển số coi là đẹp ra bán đấu giá thì số tiền thu về là hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm.

Suốt gần 3 thập kỷ qua, dư luận, báo chí nhiều lần bức xúc đặt câu hỏi vì sao xe sang thì toàn có biển số đẹp hay câu chuyện “cò” biển số nhan nhản tại các trung tâm đăng ký xe làm xấu xí hình ảnh cơ quan công quyền.

Câu chuyện đấu giá “biển số đẹp” cho thấy điều hiển nhiên: nhu cầu người dân là có thật trong khi nhà nước có khoản thu không nhỏ mỗi năm. Vì thế, nếu có vướng mắc về luật thì sao không sửa đổi, bổ sung mà cứ chần chừ, chờ đợi hàng chục năm. Đáng nói, gần 30 năm trước, luật Quản lý tài sản công hay luật Giao thông đường bộ còn chưa ra đời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.