Sáng nay 23.5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp lần này.
Chủ tịch đặc khu quá nhiều việc
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự án luật này, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, dự thảo quy định chính quyền địa phương ở đặc khu gồm có hội đồng nhân dân đặc khu và ủy ban nhân dân đặc khu với những đổi mới cơ bản về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực và hiệu quả.
Cụ thể, cơ cấu hội đồng nhân dân tại đặc khu có không quá 15 đại biểu, trong đó đa số đại biểu hoạt động chuyên trách; không tổ chức thường trực hội đồng nhân dân và các ban của hội đồng nhân dân. Ủy ban nhân dân đặc khu chỉ gồm chủ tịch và 2 phó chủ tịch.
Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân đặc khu sẽ có 1 văn phòng giúp việc chung, các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân đặc khu (không quá 7 cơ quan) và trung tâm hành chính công đặc khu.
Đồng tình cần phải tăng quyền lực cho chủ tịch ủy ban nhân dân đặc khu, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn đại biểu Quảng Bình), cho rằng cần xem xét, rà soát lại phân quyền cho các phó chủ tịch và các ban ngành chuyên môn.
“Theo dự thảo, nhiều nội dung chủ tịch ký cấp quyết định từ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện đặc khu, cấp đổi giấy phép kinh doanh cho tới cấp đổi thu hồi giấy phép thành lập hoạt động các chi nhánh văn phòng đại diện… Chủ tịch không thể có đầu óc điện tử để kiểm soát hết mọi vấn đề. Việc gì chủ tịch cũng ký thì không có thời gian lo việc lớn”, đại biểu Phương phân tích và cho rằng, theo dự thảo, vị trí chủ tịch dễ vi phạm khuyết điểm, một trăm việc làm tốt mà chỉ cần một việc làm sai thì không còn gì nữa, rất nguy hiểm.
Khoảng cách hành pháp và tư pháp quá lớn
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thủy (đoàn Bắc Kạn), đề xuất phải tăng quyền cho các tòa án tại đặc khu, đặc biệt là thẩm quyền giải quyết khiếu kiện của người dân với chủ tịch ủy ban nhân dân và hội đồng nhân dân đặc khu.
Theo dự thảo, các khiếu kiện hành chính (người dân kiện chính quyền) thì tòa án đặc khu không có quyền xét xử mà do toà án tỉnh thụ lý.
Theo đại biểu đoàn Bắc Kạn, cùng với sự phát triển năng động của đặc khu sẽ phát sinh nhiều khiếu kiện hành chính tăng mạnh về giải phóng mặt bằng, đất đai… Tuy nhiên, nếu quy định như dự thảo thì dẫn tới việc tòa án đặc khu có thẩm quyền giải quyết vụ việc liên quan tới bắt giữ tàu bay quốc tế - loại vụ việc rất phức tạp, trong khi lại không có quyền xử lý khiếu kiện hành chính với chủ tịch ủy ban nhân dân, hội đồng nhân dân hành chính đồng cấp với mình.
Bà Thủy cũng cho rằng, khoảng cách giữa hành pháp và tư pháp trong dự thảo còn lớn. “Có 44 thẩm quyền thuộc tỉnh, 21 thẩm quyền từ bộ, 8 thẩm quyền của Thủ tướng cho chủ tịch ủy ban nhân dân đặc khu, trong khi đó cơ quan tư pháp ở đặc khu không có quyền giải quyết khiếu kiện với chủ tịch ủy ban nhân dân, hội đồng nhân dân đặc khu. Điều này sẽ dẫn tới việc tái diễn hiện tượng dồn lên cấp trên giải quyết", bà Thủy nói.
Ngoài ra, bà Thủy cũng dẫn lại kinh nghiệm của Các tiểu vương quốc Ả Rập cho thấy, sức hấp dẫn từ đặc khu ban đầu là những ưu đãi về kinh tế, nhưng về lâu dài phải là sự ổn định về chính sách và một hệ thống cơ quan tư pháp mạnh, có đủ thẩm quyền và đủ năng lực giải quyết những vấn đề phát sinh trên địa bàn đặc khu.
Còn ở Trung Quốc, bà Thủy cũng cho biết, kinh nghiệm là một hệ thống cơ quan tư pháp đủ thẩm quyền với cải cách tối đa thời hạn thủ tục tố tụng là căn cứ quan trọng thu hút, giữ chân nhà đầu tư.
Bình luận (0)